Phân biệt các chiêu thức lừa tình ngày Valentine qua mạng để không trở thành 'con mồi' dâng tiền cho những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp
Có một sự thật rằng, hầu hết những soái ca lừa đảo qua mạng đều sử dụng gần như cùng một kịch bản. Thế nhưng, vì lòng tham và niềm tin mù quáng nên các chị em vẫn dễ dàng sập bẫy.
Valentine - ngày lễ tình nhân, cũng là thời điểm các cơ quan chức năng và chuyên gia cảnh báo mọi người về romance scam, một kiểu lừa đảo kỹ thuật số trong đó kẻ gian đóng giả làm người yêu để dụ dỗ nạn nhân lấy tiền mặt, The Washington Post đưa tin.
Những kẻ lừa tình chuyên nghiệp
"Chỉ trong 2 ngày nghỉ cuối tuần, tôi nhận được 11 tin nhắn lân la làm quen từ các đầu số lạ, nick lạ qua nền tảng WhatsApp và trang Facebook cá nhân. Đáng nói, các hình ảnh đại diện đều là đàn ông điển trai. Chắc rằng tôi không phải người duy nhất có những trải nghiệm không mấy dễ chịu này vì tháng 2 đang là tháng những kẻ giăng bẫy tình ráo riết hoạt động".
"Trời, kịch bản cũ mèm!", "Đầu hai thứ tóc sao vẫn ngốc vậy?", "Không nghe báo chí cảnh báo hả?", "Sao dễ tin người vậy?", "Quà tặng ảo, nhưng mất số tiền lớn, bài học quá đắt!"...
Đó là những dòng bình luận đang xuất hiện dày đặc trong các nhóm kín của phụ nữ những ngày gần đây.
Thường có hai hình thức bẫy tình - bẫy tiền phổ biến. Nhiều nhất là tình huống người gửi quà tốn một khoản chi phí, đóng thuế, để sớm thông quan kiện hàng chứa nhiều quà tặng, có khi chứa rất nhiều đô la.
Trường hợp phổ biến thứ hai, anh chàng đẹp trai đang trên đường sang thăm người yêu, do các phát sinh về giao dịch ngân hàng, không rút được tiền do khác hệ thống nên không có chi phí cho việc tiêu xài hoặc. Vì vậy, anh nhờ người yêu giúp một khoản tiền nhỏ, vài trăm đến 1.000 đô la. Sau khi các chị chuyển tiền thì anh ấy lập tức... mất tích.
Chẳng hạn, một chuyện tình lãng mạn được đăng tải trên Factchequeado đã thức tỉnh nhiều phụ nữ ở nhiều quốc gia. Đó là chuyện của Ana, một phụ nữ trong độ tuổi trên dưới 40 đã thành nạn nhân theo kịch bản kinh điển. Qua ứng dụng hèn hò trực tuyến Tinder, cô gặp Thomas Paul, 46 tuổi, một sĩ quan trong quân đội Hoa Kỳ đang thực hiện sứ mệnh giữ gìn và bảo vệ hòa bình ở nước ngoài.
Từ Tinder, cả hai chuyển sang trò chuyện trên WhatsApp thường xuyên như thể họ đã thuộc về nhau từ lâu.
Có một trở ngại lớn ngăn cản họ sớm ở bên nhau. Paul nói rằng anh ta được gửi đến Ukraine và anh ta sẽ cần hơn 6.000 euro để trở về nhà. Ana chỉ nhận ra mình đang bị lừa sau khi mất số tiền trên. Trên thực tế, hồ sơ Tinder của Paul có các bức ảnh thuộc về người lính Mỹ Tyler Thomas, tài khoản có hơn 40.000 người theo dõi trên Instagram.
Một bộ phim tài liệu "Kẻ lừa đảo trên Tinder" của Netflix đã gây sốt trên toàn cầu. Theo đó, nhân vật chính giả làm trùm kim cương giàu có và sang chảnh, gã dụ dỗ phụ nữ trên mạng sau đó lừa họ hàng triệu USD. Dựa trên một câu chuyện có thật, những tình tiết trong phim phần nào phản ánh hiện thực xã hội ngày nay. Các vụ lừa tình, lừa tiền đang xảy ra thường xuyên, làm tan vỡ trái tim của nhiều nạn nhân và cả tài khoản ngân hàng của họ nữa.
Năm 2022, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) ghi nhận khoảng 70.000 người báo cáo đã bị lừa tình trên mạng với tổng thiệt hại lên tới 1,3 tỷ USD.
Hầu hết số tiền bị lừa đã được quy đổi thành tiền điện tử, sau đó là chuyển khoản ngân hàng cho kẻ lừa đảo. Phần lớn (58%) kẻ lừa đảo tiếp cận nạn nhân thông qua mạng xã hội, phổ biến nhất là Instagram và Snapchat.
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Hầu hết chuyên gia tin rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều vì không ít nạn nhân cảm thấy xấu hổ, không dám công khai sự việc. Ước tính, chỉ khoảng 20% nạn nhân bị lừa tình trên mạng báo cáo với cơ quan chức năng, theo FTC.
Năm nay, để ngày lễ tình nhân được diễn ra ngọt ngào theo đúng ý nghĩa của nó, ngay trước Valentine khoảng một tuần, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ cũng đã công bố thông tin về những trò lừa tình phổ biến nhất, đặc biệt trên Internet.
"Những kẻ lừa đảo này sẽ để mắt đến mọi thông tin bạn chia sẻ và không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để tiếp cận và trở thành đối tượng hoàn hảo của bạn. Những kẻ lừa đảo có thể sẵn sàng cho bạn thứ bạn muốn. Bạn đang cần ổn định cuộc sống, họ vẫn hứa hẹn đáp ứng. Nhưng có một ngoại lệ, bạn muốn gặp gỡ ngoài đời, còn kẻ lừa tình thì không", FTC cảnh báo.
Vẫn còn những người đàn ông sẵn sàng dâng hiến
Đọc đến đây, bạn đừng vội vàng đánh mất niềm tin vào đàn ông và tình yêu. Bởi ở rất nhiều nơi trên thế giới, có những ông chồng, chàng trai vẫn sẵn lòng trao tặng tất cả những gì quý giá nhất cho người phụ nữ của mình.
SuperJob, nền tảng khảo sát trực tuyến hàng đầu tại Nga, đã đưa ra con số đáng kinh ngạc về số tiền một người đàn ông ở xứ sở bạch dương chi trả cho một món quà vào dịp Valentine.
Theo đó, các ông chồng hoàn toàn có khả năng chi hơn 54.000 USD (tương đương 1,2 tỷ đồng) cho một món quà tặng vợ nhân dịp lễ tình nhân.
Hay theo một nghiên cứu được thực hiện tại Nga, những người đàn ông chưa lập gia đình tại đây cam kết sẽ tặng quà có giá trị khoảng 50.000 USD (xấp xỉ 1,1 tỷ đồng). Trong khi đó, phụ nữ có xu hướng sẵn lòng chi 30.000 USD (tương đương 710 triệu đồng) cho quà tặng chồng hoặc 34.000 USD (khoảng 800 triệu đồng) cho người yêu nếu họ chưa lập gia đình.
Cuộc khảo sát cũng chỉ ra cứ 5 người Nga thì có một người luôn tặng quà vào dịp Valentine. Giá tiền cho các món quà cao nhất ở Moscow và giảm dần ở các địa phương khác như Saint Petersburg, Yekaterinburg, Kazan và Novosibirsk.
Tại Mỹ, những người đang yêu dự tính chi phí cho mùa Valentine lên tới 26 tỉ USD, CNBC đưa tin ngày 8/2.
Cụ thể, những người có độ tuổi từ 35 đến 42 dự định chi trung bình 336 USD (gần 8 triệu đồng/người) cho dịp lễ Valentine.
Nhóm tuổi từ 25 đến 34 dự định chi 238 USD (5,6 triệu đồng/người) cho dịp lễ này. Đây là hai nhóm tuổi chi trả nhiều hơn mức trung bình.
Qua đó, mức trung bình mà mỗi người chi trả cho dịp lễ Valentine là 193 USD (4,5 triệu đồng/người).
Trong nhiều năm qua, những món quà tặng trong dịp Valentine đã có nhiều thay đổi, làm mới. Tuy nhiên, những mặt hàng truyền thống như: sô cô la, hoa hồng, trang sức, quần áo,...vẫn luôn là món quà được nhiều người yêu thích và mua tặng nửa kia của mình.
Song, trước con số khá lớn chi cho dịp Valentine, chuyên gia tài chính có tên Pattie Ehsaei, là người có 20 năm kinh nghiệm tư vấn các vấn đề liên quan đến tài chính, việc làm và các hoạt động xã hội, đã dành lời khuyên cho những người muốn tổ chức ngày lễ Valentine cho nửa kia của mình: "Đừng để mắc nợ vì tình yêu. Đây là quy tắc quan trọng hàng đầu với mọi cặp đôi".
Ngại ngùng, lười suy nghĩ, nhiều đấng mày râu quyết định nhờ ChatGPT tỏ tình hộ trong ngày Valentine và cái kết không ngờ!