Phải tuyên truyền Luật Thư viện ngay từ bây giờ
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng qua 24.12 tại Hà Nội, Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị triển khai Luật Thư viện khu vực phía Bắc. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã chủ trì Hội nghị.
Hội nghị được diễn ra trong bối cảnh ngày 21.11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Thư viện. Hội nghị nhằm phổ biến, hướng dẫn triển khai Luật Thư viện cũng như thảo luận, góp ý dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật.
Tham dự Hội nghị còn có đại diện Ủy ban VH,GD,TN,TN&NĐ của Quốc hội, đại diện các Cục, Vụ thuộc Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ GD&ĐT cũng như các Vụ thuộc Bộ VHTTDL và một số thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định: “Luật Thư viện được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 8 là sự kiện có ý nghĩa to lớn đối với ngành Văn hóa và thư viện, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc, đảm bảo cho người dân có điều kiện tiếp cận thư viện và tri thức tốt hơn, thực hiện việc học tập suốt đời thuận lợi ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam. Các hoạt động thư viện cũng sẽ đi sâu, đi sát với đời sống của người dân nhờ Luật”.
Thứ trưởng cũng nêu rõ, dù mới được Quốc hội thông qua nhưng ngay từ bây giờ, công tác tuyên truyền Luật phải dần được thực hiện nghiêm túc để khi Luật chính thức có hiệu lực, nhận thức của công chúng về Luật sẽ rõ ràng. Ý thức tuân thủ Luật cũng sẽ được nâng cao.
Tại báo cáo đề dẫn, bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết, bố cục Luật Thư viện gồm 6 chương và 52 điều. Luật Thư viện được xây dựng hướng đến thiết lập cơ chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động thư viện. Luật Thư viện cũng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thư viện; khuyến khích xã hội hóa các hoạt động thư viện; kiện toàn, củng cố, chuẩn hóa thư viện công lập và khuyến khích phát triển thư viện ngoài công lập. Ngoài ra, Luật cũng sẽ giúp chuẩn hóa hoạt động thư viện, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thư viện số và đẩy mạnh liên thông thư viện.
Bên cạnh đó, bà Ngà cũng cho biết thêm, với Luật, người dân cũng có cơ hội tiếp cận nhiều hơn các hoạt động thư viện với hành lang pháp lý cao nhất, thực hiện phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Được biết, Luật Thư viện được xây dựng dựa trên các nguyên tắc hoạt động thư viện. Người sử dụng làm trung tâm là một trong những nội dung cơ bản của Luật.
Tại Hội nghị, nhiều chuyên gia là đại diện các thư viện trên cả nước đã đóng góp ý kiến về triển khai Luật Thư viện trong thời gian tới. TS. Nguyễn Thị Nương, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội lưu ý: “Để Luật đi vào cuộc sống, các thư viện còn cần thật cụ thể hóa các quy định của Luật Thư viện và niêm yết công khai tại không gian thư viện để công chúng tuân thủ nghiêm túc. Đối với người dùng, các thư viện cần yêu cầu xuất trình thẻ thư viện, giấy tờ có liên quan theo quy định. Đồng thời, phải nghiêm cấm các hành động phản cảm, vi phạm Luật, gây nguy hại đến an toàn của hệ thống thư viện. Các đối tượng không thuộc đối tượng phục vụ của thư viện có nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ phải có giấy giới thiệu của cơ quan chủ quản kèm theo giấy tờ tùy thân. Sử dụng thư viện phải đăng ký làm thẻ và cam kết tuân thủ các quy định mà Luật đã đề ra”.
Về đầu tư cho thư viện, ông Bùi Xuân Trường, Sở VHTTDL Hòa Bình cho rằng: “Mặc dù trong dự thảo Nghị định đã quy định chi tiết một số điều thi hành Luật Thư viện nhưng khi đưa ra chính thức, các điều khoản cần quy định rõ hơn về cơ sở vật chất. Chẳng hạn như quy định về số lượng sàn đầu sách, máy tính… Nghị định sau khi được ban hành cũng cần khuyến khích các thư viện không ngừng mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng, tránh tình trạng các thư viện tự giới hạn mình trong khuôn khổ nhất định, kén bạn đọc”.
Theo Báo Văn hóa