Phải mất ít nhất 23,5 năm nữa mới mua được nhà với mức thu nhập hiện tại: Vậy tiếp tục tích lũy để làm gì?
Xu hướng giá BĐS tăng cao khiến nhiều người trẻ ngày càng khó khăn để sở hữu nhà.
Theo VTV đưa tin, vừa mới đây phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc "tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững" hôm 17/2, chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực cho rằng hiện nay, giá bất động sản đang ở mức tương đối cao so với thu nhập của đa số người dân.
"Người Việt Nam trung bình cần ít nhất 23,5 năm có thu nhập để mua được nhà ở, đứng thứ 14/107 quốc gia (càng cao, càng đắt) trên thế giới, tương đương Thái Lan, Hàn Quốc (trong khi thu nhập của chúng ta thấp hơn họ); cao hơn nhiều so với các nước Indonesia (18,5 năm), Singapore (15,5 năm), Ấn Độ (9,2 năm) và Malaysia (8,1 năm)…", ông Lực cho biết.
Điều này có nghĩa là người trẻ hiện tại với mức thu nhập trung bình sẽ rất khó để sở hữu nhà, đặc biệt là nếu mong muốn mua đứt. Vậy người trẻ thời nay có còn đặt mục tiêu sẽ mua nhà nữa hay không?
Muốn mua nhà trước 30 tuổi tức là thu nhập phải ở mức 50 triệu/ tháng
Mai Linh (sinh năm 1999, làm trong ngành hàng tiêu dùng nhanh) chia sẻ rằng đúng là sẽ mất 23 năm nếu 1 người thật sự tiết kiệm thu nhập và mua nhà mà không cần đi vay. Giả dụ mỗi năm tiết kiệm 200 triệu, tức là 23 năm sẽ tiết kiệm được 4,6 tỷ. Số tiền này đủ để mua một căn hộ khoảng hơn 100m2 ở trung tâm những thành phố với giá BĐS ở thời điểm hiện tại.
"Tuy nhiên, mình cũng nghĩ rằng sẽ có những người trẻ có khả năng kiếm được nhiều hơn mức trung bình và có thể mua đứt được ở tuổi 30. Vì như phép tính cơ bản ở trên, nếu như để mua nhà 2 tỷ năm 30 tuổi, giả sử bạn đó ở tuổi 25, nghĩa là trung bình bạn đó tiết kiệm 400 triệu/ năm, đồng nghĩa là thu nhập của bạn ở mức 50-60 triệu/ tháng. Mình nghĩ đây là mức mà có nhiều người trẻ đã đạt được".
Bên cạnh đó, theo Thuỳ Chi (sinh năm 1997, công tác trong lĩnh vực truyền thông), người trẻ mua đứt căn nhà trước năm 30 tuổi là câu hỏi mang tính tương đối. Vì mỗi người, mỗi ngành nghề công việc lại có thu nhập rất khác nhau. Hoàn cảnh sống của mỗi cá nhân cũng rất đa dạng, ví dụ người phải nuôi 2 đứa con tuổi ăn học chắc chắn sẽ không tích tiền mua nhà được như người độc thân khi 2 người có mức thu nhập tương đương nhau.
"Song, việc mua được nhà năm 30 tuổi xung quanh mình không thấy nhiều, chỉ là số ít. Hầu hết những người mình biết tầm tuổi này mua được nhà thuộc 2 trường hợp: Bố mẹ hỗ trợ hoặc làm việc kinh doanh kiếm được thu nhập cao".
Muốn mua nhà thì nhất định phải đi vay nợ?
Như Thuỳ Chi đã chia sẻ, phần lớn người trẻ hiện nay khi mua nhà nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình sẽ cần phải đi vay. Đối với một số người trẻ, việc đi vay gần như là điều kiện mặc định nếu muốn sở hữu nhà trong khoảng thời gian mà giá bất động sản tăng cao.
Với Tuấn Nhân (sinh năm 1998, làm trong ngành xây dựng), cậu bạn sẽ cân nhắc dòng tiền, mục đích, và khả năng chi trả trước khi vay nợ. Nếu cảm thấy cần thiết và hợp lý thì vay để mua nhà là chuyện nên làm. "Nếu chúng ta phân chia khoản thu nhập ra phần chi tiêu hàng tháng và tiết kiệm, mình nghĩ rằng đúng là sẽ cần đến 23,5 năm để mua nhà. Đối với những người có thu nhập thấp thì có thể cần thêm một vài năm". Tuy nhiên, Tuấn Nhân cho rằng tiết kiệm không phải là cách hay nhất để sở hữu tài sản lớn, cách tốt nhất vẫn là học tập, và phát triển bản thân, tầm ở đâu thì tiền sẽ ở đó.
Cũng giống như Tuấn Nhân, Mai Linh cho rằng bản thân sẽ phải tìm nhiều cách để mua được nhà khi còn trẻ. "Nhiều người cho rằng đằng nào cũng khó để mua nhà do vậy không muốn tiết kiệm. Tuy nhiên, mình không cho là vậy. Mình nghĩ một căn nhà không phải chỉ là 1 nơi để ở, nó là 1 loại tài sản có giá trị mà có thể giúp mình có thêm thu nhập".
Trái ngược với quan điểm của Tuấn Nhân và Mai Linh, mua nhà chưa bao giờ nằm trong kế hoạch cuộc đời Thuỳ Chi. "Dù tất nhiên nếu có điều kiện có bất động sản của riêng, mình cũng rất hạnh phúc. Nhưng xét theo khả năng tài chính thực tế của ngành nghề mình muốn theo đuổi, cuộc sống bản thân định sống trong tương lai, mình cho rằng mua nhà là rất khó nên không tích luỹ cho khoản này từ đầu. Mình vẫn sẽ tiết kiệm nhưng dành cho nhu cầu, mục đích khác chứ không có chuyện tiêu hết thu nhập".
Áp lực sở hữu nhà của người trẻ hiện tại
Hiện nay, với giá BĐS tăng cao, có nhiều người trẻ cho rằng thay vì phải còng lưng ra kiếm tiền mua nhà, thà ở thuê cả đời rồi lấy tiền tiết kiệm đi kinh doanh đầu tư. Tuấn Nhân không đồng tình với quan điểm này. Thuê nhà thì vẫn là ở thuê của người ta. Có nhà riêng sẽ thoải mái và tiện nghi hơn. "Hơn nữa mua nhà rồi thì nó vẫn ở đó, không mất đi đâu được. Còn kinh doanh đầu tư thì có rất nhiều rủi ro. Mình không phủ nhận lợi ích của việc đầu tư, tuy nhiên cần cân đối được rủi ro. Trong trường hợp bạn không có nhiều kiến thức về đầu tư thì lựa chọn tốt nhất vẫn là tiết kiệm".
Mặt khác, với giá BĐS tăng cao khiến nhiều người trẻ không khỏi cảm thấy "đau đầu" khi nghĩ đến chuyện sở hữu nhà ở. Đối với Tuấn Nhân, áp lực mua nhà rất lớn. "Giá nhà đất có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với thu nhập, nên dẫn đến tình trạng các bạn trẻ, trong đó có mình, lo sợ rằng sẽ không đủ khả năng mua nhà, và sẽ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn là tiết kiệm cho tương lai".
Còn đối với Thuỳ Chi, người Việt mình vẫn có quan niệm "an cư lạc nghiệp" nên rất nhiều người bị "ám ảnh" với việc trong đời phải sở hữu nhà. Cô bạn nghĩ việc mong muốn sở hữu nhà không tùy vào quan điểm và hoàn cảnh của mỗi người. Nếu bạn có gia đình, có con thì việc có căn nhà sẽ thuận tiện hơn rất nhiều vì giá nhà có nhiều phòng không bao giờ rẻ. Còn nếu bạn sống độc thân, Thuỳ Chi nghĩ việc đó cũng không phải quá quan trọng.
"Tuy nhiên, muốn là một chuyện. Với đồng lương làm công ở mức trung bình xã hội thì mình nghĩ mua nhà, dù là chung cư nhỏ bây giờ cũng quá khó và mệt mỏi. Với quan điểm cá nhân mình, nếu vì căn nhà đó mà bạn phải chật vật hàng chục năm trời làm lụng, tiêu dè sẻn tiết kiệm trả nợ thì mình thấy cũng không đáng".