Parma - Napoli: Tìm lại những ký ức Zola
(Thehtaovanhoa.vn) - Trên khán đài sân Ennio Tardini đêm mai, khi đội chủ nhà Parma đón tiếp Napoli ở một trận đấu quan trọng, hẳn sẽ có sự hiện diện của Gianfranco Zola, cựu tiền đạo lừng danh từng khoác áo cho cả hai CLB.
Với hầu hết người hâm mộ bóng đá ngoài lãnh thổ Italy, tên tuổi Zola gần như được gắn liền với Chelsea. Trong 7 năm ở sân Stamford Bridge, Zola đã chơi 312 trận và ghi tổng cộng 80 bàn thắng cho Chelsea. Ông được người hâm mộ Chelsea bầu là Cầu thủ hay nhất Chelsea trong lịch sử, được chọn vào đội hình Chelsea vĩ đại nhất mọi thời và, không thể bàn cãi, là một trong những cầu thủ nước ngoài xuất sắc nhất từng chơi bóng tại Anh. Chelsea không chính thức quyết định treo chiếc áo số 25 của Zola, nhưng họ không giao cho bất cứ cầu thủ nào số áo này kể từ khi Zola rời đi năm 2003.
Bảng chiến công chói lọi đó của Zola làm lu mờ 7 mùa giải ông chơi bóng ở Italy cho Napoli và Parma, những đội bóng ở thời điểm ông khoác áo đều là thế lực Serie A. Người ta có thể kể mãi câu chuyện về Zola như niềm cảm hứng cho mọi cầu thủ muốn thay đổi cuộc đời ở tuổi 30, bởi vì trước khi sang Anh vào năm 1996, sau thất bại cùng tuyển Italy tại EURO 1996 mà ở đó, ông sút hỏng quả penalty định mệnh trận gặp Đức, Zola là một trong những tài năng bị xem thường nhất của bóng đá Italy thời hùng mạnh.
“Người kế tục” bị khinh bạc
Giống như mọi đứa trẻ lớn lên ở Sardegna, Zola mơ ước được khoác áo Cagliari, đội bóng nơi ông kết thúc sự nghiệp cầu thủ và từng được tỷ phú Roman Abramovic hỏi mua chỉ để đưa ông trở lại Chelsea cách đây một thập kỷ. Chàng trai 20 tuổi Zola bị Cagliari từ chối bởi vì quá lùn, khiến anh phải lựa chọn Torres, đội bóng lâu đời nhất xứ đảo và lúc đó chơi ở hạng Ba. Trong một trận làm khách Caserta, Zola khiến sếp chuyển nhượng của Napoli khi đó, Luciano Moggi, chú ý.
Moggi đề xuất mua Zola, nhưng chủ tịch Napoli thời điểm ấy là Corrado Ferlaino không thấy hào hứng. Vị chủ tịch đã làm thay đổi lịch sử Napoli nhờ mua về các thiên tài Diego Maradona và Careca ấy có lý do để nhìn Zola bằng nửa con mắt. Zola lúc đó đã 23 tuổi nhưng chưa từng chơi qua giải hạng Ba Italy. Đó là năm 1989, bắt đầu giai đoạn cuối cùng của “mối tình” Napoli-Maradona. Huyền thoại người Argentina được cưng chiều nhất mực tại Napoli bất chấp thường xuyên có những hục hặc với HLV Ottavio Bianchi, người đã dẫn dắt Napoli rất thành công giai đoạn 1985-1989 nhưng bị sa thải vì “có lỗi” với Maradona. Không ai nghĩ đến ngày “Thánh Diego” rời bỏ Napoli, trừ Moggi, người đã chuẩn bị trước cho cuộc chia ly bằng cách đem Zola đến sân San Paolo.
“Tôi không cảm thấy được chào đón tại Napoli” - Zola kể lại trên La Repubblica - “Ngày đầu tiên tôi đến sân tập của đội, câu đầu tiên Maradona nói với tôi là: ‘Cuối cùng, họ đã mua một cầu thủ lùn hơn tôi’.”
Maradona không coi Zola ra gì. “Tôi nhớ như mới ngày hôm qua khi Maradona đưa cho tôi chiếc áo số 10 như món quà tặng và sau đó nói rằng Napoli không cần phải tìm người thay thế anh ấy bởi vì họ đã có anh ấy”. Để chứng minh bản thân, Zola đã nỗ lực không ngừng và cơ hội đến rõ rệt vào tháng 3/1991 khi Maradona bị phát hiện sử dụng ma túy, vụ bê bối khiến “Thánh Diego” chịu án cấm thi đấu 15 tháng và ngay mùa hè đó, ra đi. Maradona xuống dốc, còn Zola thăng tiến chính bởi đã học được rất nhiều từ bậc đàn anh huyền thoại. Anh được gọi lên tuyển Italy vào tháng 11/1991, ở tuổi 25.
“Số 10 phải chết” ở Parma
Suy thoái tài chính khiến Napoli sau đó phải bán đi những ngôi sao sáng nhất. Ciro Ferrara tới Juventus, Jonas Thern và Daniel Fonseca đến Roma, Zola tới đội tân vô địch Cúp C2 châu Âu Parma năm 1993. Ngay cả Moggi cũng rời bỏ Napoli đến Juventus, đội bóng đưa ông chu du từ thiên đường đến địa ngục với bê bối Calciopoli còn lưu danh thiên niên.
Mùa giải đầu tiên của Zola ở Parma khởi đầu mỹ mãn với chiến thắng trước Milan của Fabio Capello tại Siêu Cúp châu Âu và kết thúc với 18 bàn thắng và danh hiệu á quân Vua phá lưới Serie A, chỉ sau Beppe Signori. Mùa thứ hai, như chính Zola nói, là hay nhất trong sự nghiệp của ông. Zola ghi 19 bàn thắng Serie A và vô địch Cúp UEFA với HLV Nevio Scala, người có ảnh hưởng rất lớn đến ông.
“Scala là nhà cầm quân tuyệt vời bởi ngay cả khi chỉ là một đội bóng tỉnh lẻ, chúng tôi đã trình diễn một thứ bóng đá phi thường” - Zola bày tỏ trên Il Gazzetta di Parma mới đây. Ngày còn làm HLV tại Watford, Zola đã áp dụng sơ đồ chiến thuật 3-5-2 “giống với Parma của Scala”.
Sự xuất hiện của chiến lược gia trẻ Carlo Ancelotti ở Parma tháng 6/1996, thay cho Nevio Scala, đã đóng sập cánh cửa với Zola tại sân Ennio Tardini. Ancelotti, người bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi ông thầy cũ Arrigo Sacchi tại Milan, đã sử dụng sơ đồ 4-4-2 không có chỗ cho một số 10 như Zola và ngay cả Roberto Baggio, cầu thủ mà Parma đã đạt được thỏa thuận mua từ Milan năm 1997 nhưng sau đó phải hủy bỏ.
Ancelotti sau đó viết trong cuốn tự truyện rằng ông rất ân hận, rằng ông thiếu cả kinh nghiệm và sự can đảm để điều chỉnh chiến thuật cho những cầu thủ như Zola hay Baggio. Thực tế ông đã thay đổi ngay khi rời Parma tới dẫn dắt Juventus, khi ở đó có Zinedine Zidane. Milan của Ancelotti sau này có tới 3 “số 10” vĩ đại là Rui Costa, Seedorf và Kaka. Người hâm mộ Chelsea có thêm lý do để cảm ơn Ancelotti bên cạnh chức vô địch Premier League năm 2010. Nếu ông không đến Parma năm đó, Zola có lẽ đã không bao giờ gia nhập Chelsea và làm nên lịch sử như những gì đã diễn ra.
Parma vẫn yêu mến Zola. Năm ngoái, họ mời ông tham dự trận đấu kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đội bóng. Zola hẳn cũng rất tự hào với thành tích 17 trận bất bại liên tiếp mà Parma có cách đây chưa lâu, trước khi bị Juve chặn đứng bằng thất bại 1-2. Còn Napoli? Không có nhiều điều để nhớ ngoài những ấm ức, nhưng nếu không có những năm tháng khó khăn ấy, làm sao có được Zola của ngày sau?
Khang Minh