Paralympic có VĐV chuyển giới đầu tiên
Valentina Petrillo, 50 tuổi, sẽ đi vào lịch sử khi trở thành vận động viên Paralympic chuyển giới đầu tiên. Chân chạy này đã có vợ và 2 con trước khi phẫu thuật chuyển thành nữ vào năm 2019.
Tại Paralympic, Petrillo đã được chọn để đại diện cho đội tuyển điền kinh Ý trong phân loại T12 dành cho vận động viên có khuyết tật thị giác. Được chẩn đoán mắc hội chứng Stargardt – chứng bệnh thoái hóa điểm vàng dẫn đến mất thị lực dần dần khi 14 tuổi, khả năng thị giác của Petrillo bị hạn chế chỉ còn 1/50 so với phạm vi bình thường.
Sau khi hoàn thành việc học ở Bologna, Fabrizio (tên gọi cũ của Petrillo trước khi chuyển giới) đã gia nhập tuyển futsal quốc gia Italy dành cho người khiếm thị. Ở tuổi 41, Fabrizio trở lại điền kinh, giành 11 danh hiệu quốc gia ở nội dung dành cho nam. Sau khi chuyển giới năm 2019 và lấy tên Petrillo, cô lần đầu thi đấu ở hạng nữ tại giải vô địch điền kinh dành cho người khuyết tật Ý năm 2020.
"Tôi vẫn thấy khó tin và tôi giữ chân mình trên mặt đất vì trước đây tôi từng lỡ hẹn với Tokyo" Petrillo phản hồi việc được chọn vào thứ Hai. "Tôi sẽ chỉ bắt đầu nghĩ về Thế vận hội Paris khi tôi đến Pháp".
Trước khi tham gia nội dung chạy 200m và 400m ở phân loại T12, Petrillo nói với BBC Sport rằng việc tham gia của cô tại Thế vận hội là một "biểu tượng quan trọng của sự bao dung". Năm ngoái, Petrillo đã giành 2 huy chương đồng tại Giải vô địch Thể dục Thể thao Para Thế giới 2023.
Tại vòng loại 200m, Petrillo về đích trước Melani Berges, 33 tuổi, khiến runner Tây Ban Nha mất suất dự Paralympic ở cự ly này. Điều này khiến xứ đấu bò phẫn nộ và cho rằng việc Petrillo dự các nội dung nữ là "không công bằng". Tờ Bild của Đức cho biết 40 tổ chức nữ quyền đã phản đối quyết định này vì cho rằng Petrillo có "lợi thế" nhất định.
Theo Quy định 4.5 của các quy định và điều lệ của Liên đoàn điền kinh dành cho người khuyết tật thế giới (World Para Athletics), các VĐV được công nhận hợp pháp là phụ nữ đủ điều kiện để thi đấu ở các nội dung dành cho nữ.