Bạn đọc Trương Quang Dũng, NXB VH-TT trong một lần đi du lịch Campuchia đã gặp một "thiên tình sử" thú vị mà "ông mối" chính là báo Thể thao- Văn hóa.
(TT&VH Online) - Câu chuyện xảy ra trong chuyến tôi sang Campuchia du lịch theo kiểu ta-ba-lô. Sang đến nơi, tôi thuê một hướng dẫn viên du lịch để đến Angkor.
Đó là một thanh niên còn khá trẻ (SN 1975), người Việt Nam nhưng sang Campuchia từ nhỏ nên có kiến thức rất tốt về con người – đất nước Campuchia nói chung và quần thể Angkor nói riêng. Anh giới thiệu tên mình là Bùi Hoàng Sang, có tên Campuchia là Chan Sang và đưa danh thiếp cho tôi.
Mặt trước tấm thiếp của anh ghi: Bùi Hoàng Sang Hướng dẫn viên du lịch: Khách đoàn, khách lẻ - Thông dịch viên tiếng Việt – Đảm nhận và phụ trách lớp học tình thương – Dạy miễn phí Tiếng Việt – Tiếng Anh, mặt sau: Nhận giúp đỡ công tác xã hội cho cộng đồng người Việt tại Cambodia miễn phí.
Trí tò mò cua tôi bắt đầu trỗi dậy cộng với khi chuyến du ngoạn Angkor Thom vào buổi sáng sắp kết thúc, anh Sang rủ tôi về nhà ăn trưa – cơm nhà với lý do rất Việt Nam là mùa này lâu lâu mới có đồng hương đi sang bên này du lịch và ăn ở ngoài sẽ tốn kém. Thế là trưa đó tôi được dùng một bữa cơm gia đình do bà xã anh nấu dù với những món ăn rất đỗi bình thường nhưng nóng sốt và rất ngon với tình cảm của đồng hương trên đất khách cộng với câu chuyện cuộc đời của mình mà anh tâm sự với tôi trong và sau bữa ăn.
Từng làm biết bao công việc để mưu sinh, nên anh rất thông cảm với những đồng bào Việt Nam ở “xứ người”. Và thế là cách bây giờ hơn 10 năm, anh đã ở cố định tại Siem Reap, mở một lớp học hoàn toàn miễn phí dạy tiếng Việt và tiếng Anh cho người Việt ở thị xã này.
Thấy tôi lôi máy ảnh ra chụp lớp học rồi lấy giấy bút ra ghi chép và nói rằng sẽ viết một cái gì đó về buổi gặp gỡ hôm nay, anh lại lấy ra khoe một số bài viết mà anh đã in lại các bài báo điện tử. Nhưng bất ngờ nhất khi anh bế 1 cháu trai rất xinh và giới thiệu bé cùng người phụ nữ dễ thương, đảm đang nãy giờ vẫn lúi húi bên gian bếp nhỏ. Anh cho tôi biết đấy là con trai và vợ của anh.
- Nhờ báo Thể thao & Văn hóa đấy! – anh hạnh phúc nói với tôi. Chuyện là thế này: Trên một số báo Thể thao & Văn hóa tháng 2 hay tháng 3 gì đấy năm 2006 (chi tiết này cả hai anh chị đều không nhớ rõ, chỉ nhớ tên tác giả bài báo đó là N.V(*) đã đăng câu chuyện về cuộc đời anh. Và thế là chị - tên là Nguyễn Thị Thanh Hằng – người TP.HCM, đã đọc bài báo đó và đồng cảm với anh - nhân vật chính trong đó.
(*): Sau khi nhận được bài viết này, báo TT&VH đã kiểm tra Và bài làm “mối” chính là bài “Chuyện nhỏ ở Siem Reap” đăng trên TT&VH số ra ngày 10/3/2006 |
Thời gian đầu hai anh chị chia sẻ, rồi “tìm hiểu” nhau qua e-mail. Tháng 7 năm 2006 chị sang Campuchia du lịch nhưng với mục đích chính là để thăm anh. Hai trái tim đồng cảm gặp được nhau. Cuối năm 2006 chị chính thức sang chia sẻ với anh mặc dù bị mẹ và các chị em trong nhà ngăn cản rất quyết liệt. Bé trai xinh xắn đã được 4 tháng tuổi (tính tới cuối tháng 11 năm 2007) chính là thành quả tình yêu của anh chị, tên Việt Nam của bé là Bùi Hoàng Minh Khang, tên Campuchia là Chan Khươn.
Bài viết trên TT&VH đã "tác thành" cho anh Sang- chị Hằng |
Tò mò hỏi anh câu cuối tron buổi nói chuyện là tại sao anh cứ phải dạy miễn phí thế này, rồi thời gian đâu mà anh kiếm tiền mưu sinh nuôi gia đình và 2 lớp học vì ngoài lớp dạy chữ miễn phí như các bài báo năm 2006 đã đưa, anh chị đã mở thêm lớp dạy may miễn phí do chị đứng lớp. Giọng trầm xuống anh trả lời tôi “Người mình (người Việt Nam - QD) bên này phần lớn là nghéo lắm, thậm chí có một số chị em phụ nữ sang bên này phải làm nghề bán thân nuôi miệng, mình thì cũng không giàu có gì cho cam (căn nhà anh đang ở và cũng là 2 lớp học là một căn nhà lợp tôn, anh cũng vẫn là ở thuê, mong ước của anh là sẽ mua được một căn nhà nào đó để tiết kiệm được tiền thuê nhà dành cho lớp học - QD).
Vợ chồng anh bên lớp học tình thương |
… Anh cũng nhờ tôi nếu có bạn bè hay ai đó sang Siem Reap du lịch hãy liên lạc với anh theo địa chỉ e-mail hay điện thoại theo số 012398661 - 099614398 anh sẽ thiết kế cho 1 chuyến du ngoạn Angkor cực kỳ hợp lý và chu đáo. |
Anh tâm sự tiếp: "Trước mình phải lăn lộn kiếm sống biết bao nhiêu nghề, cả nghề buôn heo, may là mấy năm nay mình học và thi được bằng hướng dẫn viên du lịch ở đây nên cũng tạm ổn định nhưng mình vẫn cố gắng làm được một điều gì đó tốt đẹp hơn cho mọi người, nhất là để lũ trẻ người mình biết được tiếng Việt, giữ được cái gốc Việt. Lớp may cũng mới mở được vài tháng nay, bên này (Campuchia - QD) công nghiệp chưa có mấy, nước ngoài mới đầu tư mấy nhà máy may, mình mở lớp để hướng nghiệp cho chị em, cũng mong chị em kiếm được đồng tiền trong sạch.
Tiếc là chẳng có nhiều thời gian để hiểu thêm được anh cùng những hoạt động từ thiện xung quanh lớp học của anh, nhưng qua cuộc nói chuyện ngắn ngủi vẫn khiến tôi cảm phục anh, người thầy giáo tuy không GIÀU nhưng luôn SANG!
Trương Quang Dũng
(NXB VH-TT)