Ông Lương Xuân Đoàn: Tranh Việt đương đại bị 'dìm giá'
(Thethaovanhoa.vn) - Tranh của thế hệ vàng của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cũng không được trả giá tương xứng. Bởi vậy, tranh của các nghệ sĩ đương đại bị trả giá rất rẻ là dễ hiểu. Nhất là khi thị trường tranh của chúng ta không trong sạch và lành mạnh.
>>> Chuyên đề Giấc mơ "triệu đô" của tranh Việt
Đó là quan điểm của ông Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam về vấn đề giá tranh của các họa sĩ đương đại.
Theo ông Lương Xuân Đoàn, nhìn lại lịch sử giá tranh Việt, các bộ tứ lớp đầu Đông Dương như: Trí - Lân - Vân - Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân và Trần Văn Cẩn ); Phổ - Thứ - Lựu - Đàm (Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm) là có giá hơn cả.
Đặc biệt, những nghệ sĩ sống và sáng tác ở nước ngoài, có tác phẩm được tiêu thụ bởi thị trường quốc tế được trả giá xứng đáng hơn so với các nghệ sĩ trong nước.
“Bởi thị trường quốc tế dù vẫn tồn tại chuyện này, chuyện khác song uy tín và tính liêm chính của các sàn đấu giá khá cao. Điều này khiến tranh của các họa sĩ Việt ở nước ngoài dù sao vẫn được giá. Nó trái ngược với thị trường tranh Việt”- ông Lương Xuân Đoàn chia sẻ - “Sự ra đi của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm khiến nhiều người lo ngại về tương lai “những đứa con tinh thần” của ông sẽ bị nhái dẫn tới mất giá. Song tôi thấy Bảo tàng Nguyễn Tư Nghiêm vẫn là địa chỉ đáng tin tưởng. Còn tranh của những người cùng thời ông như Bùi Xuân Phái đang bị mất giá bởi “đại nạn” tranh giả”.
Những gì diễn ra trong quá khứ cũng đang là câu chuyện hiện tại. Tranh đương đại Việt cũng đang bị “dìm giá” thảm hại do thị trường nội thiếu lành mạnh.
Đơn cử như buổi đấu giá tranh đầu tiên của Việt Nam vừa diễn ra, thông tin về giá tranh cũng gợi nhiều trăn trở: bức tranh Hạnh phúc của tác giả Hoàng Phượng Vĩ đã được mua với giá 65 triệu đồng; bức Tiên nữ vùng cao của họa sĩ Quách Đông Phương được mua với giá 95 triệu; bức tranh Bên dòng sông đỏ của họa sĩ Đào Hải Phong được bán với mức giá 150 triệu.
Tác phẩm Bên dòng sông đỏ của Đào Hải Phong đạt giá 150 triệu VNĐ tại cuộc đấu giá nghệ thuật đầu tiên tại Việt Nam hôm 28/5
Ông Đoàn chia sẻ tiếp: Cuộc này Hội có được mời tham gia ở góc độ chuyên môn. Các tác giả và tác phẩm không phải là xuất sắc nhất của mỹ thuật đương đại Việt. Song, tác giả và tác phẩm cũng thể hiện được góc độ nào đó của hội họa Việt đương thời. Thoạt nghe giá chục triệu, trăm triệu đồng có vẻ được. Nhưng, khi tính ra đô la Mỹ (đơn vị tiền tệ quốc tế định giá tranh), con số chỉ dao động chừng vài ngàn đô, một con số rất rất khiêm tốn trong mỹ thuật.
Cũng theo ông Đoàn, cuộc đấu giá tranh đầu tiên này cũng mang theo nhiều kỳ vọng về việc các đại gia vào cuộc “cứu” thị trường tranh Việt. Và tất nhiên, những con số hạn chế trong buổi đầu cũng phần nào là hàn thử biểu để đo “độ mặn mà” của các doanh nghiệp với mỹ thuật.
“Những bức tranh tuy không quá tốt, song giá của các bức tranh vẫn chưa xứng tầm. Đây không phải là câu chuyện riêng của cuộc đấu giá, nó là tình cảnh chung của tranh Việt đương đại”- ông Đoàn nói.
Theo ông Đoàn, giá tranh là thước đo quan trọng để đánh giá mức độ phát triển của một nền mỹ thuật. Nên việc tìm những hướng đi bài bản để “đẩy” giá tranh đương đại Việt là điều bức thiết. “Khi và chỉ khi người nghệ sĩ được trả xứng đáng với những thành tựu nghệ thuật, họ mới có động lực để mở rộng chiều kích sáng tạo, làm nên một diện mạo mới của nền mỹ thuật vốn đang ở giai đoạn bản lề quan trọng này”- Ông Đoàn chia sẻ.
“Giao thương” kém Thuộc số ít các họa sĩ Việt Nam đương đại có tranh vào các nhà đấu giá lừng danh Christie’s, Sotheby’s, đồng thời cũng là giám khảo một số cuộc thi tranh quốc tế, họa sĩ Đặng Xuân Hòa thẳng thắn: “Hội họa Việt Nam, do khả năng giao thương kém trên thị trường nên bị loanh quanh, dù trình độ đứng đầu khu vực ASEAN. Cá nhân tôi không tự rao bán tác phẩm, như thế thật vô duyên”. |
Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần