Ông chủ Huawei khẳng định 'vô sự' trước lệnh cấm, không ai đuổi kịp Huawei về công nghệ 5G
(Thethaovanhoa.vn) - Phản ứng sau khi Chính phủ Mỹ tạm hoãn thực thi các hạn chế thương mại nhằm vào tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc, ngày 21/5, nhà sáng lập tập đoàn này, ông Nhậm Chính Phi khẳng định các hạn chế của Mỹ không gây tác động lớn vì Huawei đã có sự chuẩn bị trước.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình CCTV, ông Nhậm Chính Phi nhấn mạnh: "Mạng 5G của Huawei sẽ hoàn toàn không bị ảnh hưởng, không công ty nào có thể đuổi kịp Huawei về công nghệ 5G trong 2-3 năm tới". Ông nhấn mạnh Chính phủ Mỹ đang "đánh giá quá thấp các năng lực của Huawei".
Trước đó, ngày 20/5, Chính phủ Mỹ đã tạm hoãn thực thi lệnh cấm xuất khẩu công nghệ của Mỹ cho tập đoàn Huawei đến giữa tháng 8 tới, động thái được cho là nhằm giảm thiểu những rắc rối gây ra cho khách hàng của hãng công nghệ này trên thế giới.
Với khoảng thời gian 90 ngày nêu trên, Bộ Thương mại Mỹ cho phép Huawei tiếp tục mua hàng của Mỹ nhằm duy trì mạng hiện tại và cung cấp các bản cập nhật phần mềm cho các sản phẩm di động của Huawei hiện nay. Tuy nhiên, Huawei vẫn bị cấm mua các sản phẩm và linh kiện Mỹ để sản xuất các sản phẩm mới nếu không được Chính phủ Mỹ cấp phép.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, tập đoàn InterDigital Wireless Inc cho biết họ có thể bán bản quyền công nghệ mạng 5G của mình cho Huawei bất chấp đe dọa của lệnh cấm trên. Các luật sư về bản quyền cho biết tập đoàn Qualcomm cũng có thể làm tương tự.
InterDigital và Qualcomm là hai tập đoàn nắm giữ bằng sáng chế công nghệ mạng không dây, trong đó có mạng 5G được sử dụng tại Trung Quốc trong năm nay. InterDigital, có nguồn thu chính từ mảng phát triển các công nghệ không dây và sau đó cấp bằng sáng chế, cho biết họ tin rằng có thể tiếp tục nỗ lực đạt một thỏa thuận 5G với Huawei vì luật kiểm soát xuất khẩu không bao gồm bằng sáng chế.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn InterDigital, Patrick Van de Wille cho biết: "Việc thêm Huawei vào 'Danh sách Thực thể' không ngăn cản InterDigital ký thỏa thuận cấp bằng sáng chế với Huawei, vì các bằng sáng chế của chúng tôi thuộc lĩnh vực công nghệ mà ai cũng có thể có được, và vì vậy, không bị điều chỉnh trong luật kiểm soát xuất khẩu của Mỹ."
Qualcomm hiện chưa bình luận gì, song các luật sư thương mại cho biết tập đoàn này cũng có thể đưa ra quyết định tương tự. Qualcomm cũng đang bán chip cho Huawei, song chỉ dành cho các thiết bị giá rẻ. Hầu hết lợi nhuận của công ty này cũng từ việc bán bằng sáng chế.
Huawei, nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ ba và cũng là nhà cung cấp thiết bị thông tin liên lạc hàng đầu thế giới, là khách hàng VIP của InterDigital và Qualcomm. Trong năm 2017, tập đoàn Trung Quốc này chiếm tới 14% tổng doanh thu (ước tính 533 triệu USD) của InterDigital.
Bích Liên/TTXVN