Ông bố đơn thân 2 năm rưỡi xin sữa cho con: 'Có người nghi tôi xin sữa để xăm mình'
(Thethaovanhoa.vn) - “Nếu không làm cha đơn thân thì tôi không bao giờ hiểu được những áp lực mà phụ nữ phải đối mặt khi làm mẹ” – Trình Tuấn, tác giả cuốn tự truyện Ba muốn nuôi con bằng sữa mẹ, chia sẻ.
Buổi ra mắt cuốn sách diễn ra chiều 5/5 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội. Tác giả Trình Tuấn, người điều hành hai cộng đồng chia sẻ sữa mẹ, có mặt cùng con gái anh, bé Ủn.
“Làm bố đơn thân, tôi mới hiểu nỗi khổ của phụ nữ”
Trình Tuấn cho biết, bé Ủn uống sữa của các bà mẹ khác đã 2 năm rưỡi nay, chỉ tạm thời cai sữa khoảng 10 ngày nay khi bé cùng anh ra Hà Nội mà không có nguồn sữa dự trữ. Vợ anh, chị Phượng đã qua đời năm 2012 khi con gái mới 10 ngày tuổi. Đây là một trong những biến cố lớn của cuộc đời tác giả được nhắc đến trong cuốn tự truyện Ba muốn nuôi con bằng sữa mẹ.
Vì đảm đang chăm con, Trình Tuấn thường được các bà vợ lấy ra làm hình mẫu cho chồng mình. Anh tự hào, nhưng cũng ngại ngần vì sợ các ông chồng kia “nóng máu”. Nhưng nghiêm túc thì, để trở thành ông bố chăm con giỏi không phải chuyện dễ dàng”.
Trình Tuấn và con gái trong buổi ra mắt ở Hà Nội hôm 5/5. Ảnh: Vũ Vũ.
Chị Minh Nga, một người bạn kiêm người điều hành cộng đồng chia sẻ sữa mẹ cùng với Trình Tuấn, nói: “Quan niệm cho rằng chỉ người phụ nữ mới phải chăm sóc con cái đã rất lạc hậu rồi”.
Trình Tuấn đồng ý, anh nói: “Nếu không làm bố đơn thân, tôi sẽ không bao giờ hiểu được áp lực của phụ nữ khi làm mẹ”. Anh kể, ngay cả với mẹ ruột của mình, anh cũng thỉnh thoảng mâu thuẫn về cách chăm sóc con. Chẳng hạn, có lần bà ăn cơm xong, vừa dùng tăm xỉa răng vừa bế cháu. Anh góp ý thì bà không hài lòng.
Anh nghĩ, ở hoàn cảnh đó, nếu là một người con dâu thì sẽ rất khó góp ý với mẹ chồng. Người phụ nữ phải chịu áp lực từ những chuyện tưởng như rất nhỏ như vậy, trong khi người đàn ông ít khi thấu hiểu.
Xem đoạn phim về trong 2 năm rưỡi qua của cha con Trình Tuấn, trong đó có cả hình ảnh của mẹ bé Ủn, nhiều độc giả nữ trong buổi ra mắt sách đã không kìm được nước mắt. Nhiều người trong số họ là những bà mẹ.
Làm cha đơn thân cũng vấp phải định kiến
Trong buổi ra mắt và trong cuốn Ba muốn nuôi con bằng sữa mẹ, Trình Tuấn nhắc đến những hiểu lầm và định kiến của xã hội về việc một người cha nuôi con bằng sữa của những bà mẹ khác. Trên thực tế, xin sữa cho con là nhu cầu của rất nhiều gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, khi những đứa trẻ mất mẹ, sống xa mẹ hoặc mẹ không có sữa.
Anh cho biết, những dòng sữa “lạ” đầu tiên bé Ủn uống là từ vợ của một người bạn. Ban đầu, chính anh và những người cho sữa cũng còn ngần ngại, nhưng hiểu được tầm quan trọng của sữa mẹ đối với trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh đã cùng nhau lập ra “ngân hàng sữa mẹ”, về sau trở thành tên một cộng đồng khá đông thành viên để trao đổi sữa cho nhau.
Ban đầu, khi Trình Tuấn bắt đầu hành trình xin sữa cho con, ngoài bạn bè, người thân, anh còn lên các diễn đàn dành cho các bà mẹ trên mạng để xin sữa. Anh từng bị hiểu lầm, khi thành viên một diễn đàn cảnh báo đại ý: “Các mẹ lưu ý, gần đây có những kẻ xin sữa mẹ để xăm hình không gây đau đớn”. Đó là một tình huống dở khóc dở cười, và anh phải thanh minh để các bà mẹ khác hiểu hoàn cảnh của mình.
“Sữa mẹ là thứ diệu kỳ mà tạo hóa ban tặng cho con người. Gần đây, khoa học cũng chứng minh sữa mẹ có chất chống ung thư và HIV, đồng thời có thể sử dụng an toàn nhờ phương pháp thanh trùng và trữ đông tại nhà” – Trình Tuấn nói. Sữa mẹ tốt nhất khi mẹ đẻ cho bú trực tiếp, nhưng ngoài ra trẻ có thể uống sữa mẹ đẻ trữ đông hoặc sữa của các bà mẹ khác trữ đông.
Hạ Huyền