Ông Ban Ki Moon thăm họ Phan Huy ở Sài Sơn: Thừa lời kể, thiếu bằng chứng
(Thethaovanhoa.vn) - Đến nay, mọi dữ liệu chứng minh ông Ban Ki Moon gốc Việt đều rất yếu. Dòng lưu bút ông để lại tại nhà thờ dòng họ Phan Huy (Sài Sơn- Hà Nội) cũng chung chung, thiếu chi tiết. Phần nhiều dẫn giải chứng minh ông Ban Ki Moon là “cháu nhà bác học Phan Huy Chú” đều qua... lời kể.
- Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon dự khánh thành 'Ngôi nhà xanh' tại Hà Nội
- Tổng thư ký LHQ kêu gọi tăng quyền năng cho phụ nữ
Đó là quan điểm của các nhà khoa học khi trao đổi với Thể thao & Văn hóa (TTXVN) về việc Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Ban Ki Moon tới thăm nhà thờ dòng họ Phan Huy ở Sài Sơn tháng 5 vừa rồi.
Đồng thời, dòng họ Phan Huy cũng công bố bút tích được cho là của ông Ban Ki Moon: “Cám ơn dòng họ đã giữ gìn và bảo quản ngôi nhà thờ này. Là một người con của họ Phan, giờ đây giữ chức Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, tôi tự hứa với bản thân sẽ cố gắng làm theo những lời dạy của tổ tiên”.
Còn nhiều khoảng mờ của lịch sử
Trao đổi với Thể thao & Văn hóa (TTXVN), TS. Đinh Khắc Thuân (Viện nghiên cứu Hán Nôm) chia sẻ: “Trong gia phả dòng họ Phan Huy không có bất cứ một chi tiết nào nói về việc người họ Phan Huy xa xứ. Tất nhiên, gia phả không phải bách khoa thư ghi lại đầy đủ tất cả những thông tin dòng tộc. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, gia phả cố tránh không ghi do biến động lịch sử.
“Nhưng, muốn làm rõ mối quan hệ giữa dòng họ Phan Huy và họ Ban ở Hàn Quốc của ông Ban Ki Moon, chúng ta bắt buộc phải làm rõ được những khoảng mờ này của gia phả chứ không thể chỉ tiếp cận theo hướng “nghe kể”- TS Thuân nói tiếp.
Còn theo TS. Trần Trọng Dương (Viện nghiên cứu Hán Nôm), người nghiên cứu từ nhiều năm trước về mối quan hệ Việt Nam - Triều Tiên trong chiều dài lịch sử cho hay: Ngoài việc cần sáng tỏ những điều khuyết thiếu (nếu có) của gia phả gia tộc Phan Huy, chúng ta còn cần tiếp cận nhiều nguồn dữ liệu khác.
Nên nhớ, trong quá trình làm quan nhà Nguyễn, Phan Huy Chú có hai lần đi sứ sang Trung Quốc. Hai lần đi sứ này có thể nảy sinh nhiều câu chuyện chưa xuất hiện trong sử Việt song được lưu trữ đâu đó trong sử nước khác.
TS. Trần Trọng Dương có dẫn chứng về câu chuyện Mạc Đĩnh Chi đi sứ Trung Quốc song cũng có con ở Cao Ly (bán đảo Triều Tiên này). Trong một nghiên cứu của mình, TS. Trần Trọng Dương có phân tích tỉ mỉ câu chuyện này: Có một số nguồn thông tin cho biết, Mạc Đĩnh Chi từng được vua Trần Anh Tông cử đi sứ sang nhà Nguyên. Trong thời gian này ông gặp được một vị chánh sứ của Cao Ly và trở thành đôi bạn tâm giao, nhiều lần cùng nhau xướng họa thơ văn.
Sau đó, Mạc Đĩnh Chi được mời sang thăm kinh đô Hán Thành của Cao Ly, ở đây ông đã lấy một người cháu gái của sứ thần Cao Ly nọ và sinh được một trai một gái. Đây chính là thủy tổ của họ Mạc ở Cao Ly.
Dữ liệu quan trọng nhất là gia phả dòng họ Ban
Các nhà khoa học đều thống nhất quan điểm, chuyện ông Ban Ki Moon có gốc gác Việt hay không chỉ đơn thuần là một câu chuyện thú vị bên lề của lịch sử. Song, việc nghiên cứu gốc tích ông Ban Ki Moon có thể mở ra nhiều điều với sử Việt.
Theo các chuyên gia, trong trường hợp này, gia phả dòng họ Ban của ông Ban Ki Moon ở Hàn Quốc là “chìa khóa” duy nhất để làm sáng tỏ những góc khuất của lịch sử. Còn bút tích được cho là của ông Ban Ki Moon có ghi “là người con dòng họ Phan” cũng chỉ mang giá trị tham khảo.
Hơn thế, dòng chữ đó cũng không nên hiểu theo lối suy diễn rằng ông Ban Ki Moon đã khẳng định mình thuộc dòng họ Phan Huy ở Việt Nam.
“Do cả Việt Nam và Hàn Quốc xưa đều dùng chữ Hán nên nếu có gia phả họ Ban thì việc chắp nối phả hệ giữa dòng họ Phan Huy của Việt Nam với họ Ban của ông Ban Ki Moon không khó.
Trong trường hợp gia phả họ Ban có đầy đủ dữ kiện, chúng ta sẽ sớm có kết quả cuối cùng về mối quan hệ giữa dòng họ Ban ở Hàn Quốc và họ Phan Huy ở Sài Sơn. “Mắt xích” này hứa hẹn sẽ mở ra nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa trong quan hệ Việt Nam - Triều Tiên và những câu chuyện chưa hé lộ của sử Việt.”- TS. Đinh Khắc Thuân chia sẻ.
Trao đổi với Thể thao & Văn hóa (TTXVN), ông Phan Đình Phúc, đại diện Hội đồng Phan tộc Việt Nam cho hay: Hội đồng Phan tộc Việt Nam có tham gia Hội đồng Phan tộc quốc tế. Đây là môi trường giao lưu, hướng về nguồn cội của những người họ Phan ở các nước: Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc... |
Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa