Ôm đồm deadline để chứng tỏ năng lực, lúc "ngập mặt" chẳng dám than
Thử sức ở nhiều công việc, lĩnh vực giúp bạn khám phá giới hạn bản thân nhưng cũng có thể khiến bạn stress, áp lực, chất lượng công việc và đời sống cũng giảm.
Sống chung với deadline, luôn trong trạng thái làm việc dù ngày hay đêm là thực trạng của Gen Z ngày nay. Đối với nhiều người, deadline là con dao hai lưỡi giúp khẳng định chính mình nhưng cũng có thể đưa bản thân vào thế bí, bối rối, mệt mỏi vì phải ôm đồm quá nhiều việc.
Đa nhiệm, cái gì cũng muốn làm
Deadline nghĩa là hạn chót, giới hạn thời gian cuối cùng phải hoàn thành công việc, nhiệm vụ được giao. Do đó, deadline chính là sự đốc thúc, ràng buộc để bạn cố hằng hoàn thành đúng tiến độ được giao một cách hiệu quả. Thuật ngữ này ngày càng trở nên phổ biến trên mạng xã hội hay các câu chuyện xoay quanh cuộc sống hàng ngày của giới trẻ.
Dù là học tập hay đi làm, deadline trở thành thứ không thể thiếu để mọi người quản lý và sắp xếp thời gian hiệu quả. Nhưng không chỉ gói gọn ở giảng đường hay công ty, deadline còn xuất hiện các hoạt động khác như khi bạn tham gia câu lạc bộ, là thành viên của một tổ chức bất kỳ,... Giới trẻ năng động và đa nhiệm nên cũng không ngại đảm đương nhiều việc, đây cũng là cách họ rèn luyện tính trách nhiệm cũng như quản lý thời gian hiệu quả từ sớm.
Độc giả Trần Diễm Hương (sinh năm 2002, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: "Từ năm nhất, mình đã thử sức với 1 câu lạc bộ truyền thông. Thế là mình luôn phải đảm bảo deadline đăng bài trên page mỗi ngày. Ngoài ra mình còn đi làm thêm vào buổi chiều, còn buổi sáng thì đi học từ thứ 2 đến thứ 7. Do đó nếu không phải đi làm thì sẽ là làm bài tập, viết content nên nhiều lúc mình bị quá tải do quỹ thời gian có hạn nhưng việc phải hoàn thành thì quá nhiều".
Cùng lúc làm đủ việc nên bị "lụt" trong deadline là điều khó tránh khỏi. Tương tự, Ngọc Ánh (sinh năm 2000) cũng nhiều lần rơi vào thế bí vì ôm đồm nhiều việc. "Mình đã từng luôn cố gắng xông xáo trong nhiều mảng để học hỏi và chứng minh bản thân. Bên cạnh việc chính là content marketing ở công ty, mình thường xin chị trưởng phòng để được tham gia cùng nhóm design làm những bản thiết kế đơn giản, hoặc thử sức tổ chức một vài phong trào cùng phòng truyền thông nội bộ. Vậy nên đôi khi việc chính còn quá nhiều nhưng lỡ nhận thêm 'việc phụ' khiến mình phải thức đêm để cày cho xong".
Ôm quá nhiều việc, lúc "ngập mặt" lại chẳng dám than
Tạp chí Forbes từng có một bài viết chỉ ra làm một lúc nhiều việc có thể làm giảm hiệu quả công việc và gây hại cho não bộ. Bởi chỉ khi dành hết tâm trí vào 1 việc duy nhất, não bộ mới hoạt động linh hoạt, suôn sẻ, còn nếu làm nhiều thứ 1 lúc sẽ bị "bối rối", không điều tiết đủ để xử lý vấn đề. Các nghiên cứu cũng chứng minh người làm nhiều việc khác nhau trong một lúc sẽ không thể tư duy logic, sàng lọc thông tin hiệu quả, đồng thời phản ứng chậm hơn, chỉ số IQ giảm sút trong quá trình chuyển từ việc này sang việc khác.
Do đó, không thể phủ nhận sự cầu tiến, đa tài của các bạn trẻ ngày nay nhưng đa nhiệm cũng không chứng minh được điều gì nếu bạn rơi vào tình huống quá tải, bị dồn nhiều việc nên làm sơ sài cho xong hoặc không đảm bảo được deadline.
Như Diễm Hương chia sẻ, cô bạn luôn tự hào vì những năm tháng sinh viên năng động, bận rộn với việc học, việc ngoại khóa và làm thêm. Càng được bạn bè, gia đình khen ngợi, cô càng khiến mình bận rộn hơn để chứng minh bản thân có thể vừa học tốt vừa kiếm tiền, nhưng càng như vậy lại càng stress.
"Mình cứ nghĩ làm nhiều, học nhiều là cách chứng minh năng lực, điều đó từng đúng khi mình nhận việc vừa đủ. Có một khoảng thời gian mình làm 2 công việc ngoài giờ, cuối cùng kỳ đó mình trượt học bổng, xao lãng việc ở câu lạc bộ vì ưu tiên 2 việc làm thêm. 1 ngày 24 giờ là không đủ, nhiều ngày mình chỉ ngủ 3 tiếng. Vừa khó khăn vừa mệt, sau đó mình mới nhận ra 'một nghề cho chín còn hơn chín nghề', việc cần làm thì phải làm tốt trước đã", Hương nói.
Cùng cảnh ngộ, Ngọc Ánh cũng hối hận vì đẩy mình vào thế "tiến thoái lưỡng nan" khi xông xáo ở nhiều lĩnh vực. Cô bộc bạch: "Lỡ nhận việc thì phải hoàn thành, trong khi việc chính của mình vẫn còn thiếu sót, và do mình chủ động nhận thêm việc nên không thể than thở với ai. Vậy nên bây giờ mình đã rút kinh nghiệm, đảm bảo làm tốt và đúng deadline việc của mình đã, trước khi nhận thêm việc thì suy nghĩ kỹ để không ảnh hưởng đến tiến độ hay hiệu quả của mọi người".
Sống chung với deadline
Gen Z sẽ không thể "chung sống hòa thuận" với deadline nếu không biết cách quản lý thời gian hiệu quả. Có thể ôm đồm thêm những việc bên ngoài nhưng nếu đang đi học thì việc học là quan trọng nhất, đi làm thì hoàn thành tốt công việc là điều cần ưu tiên.
Vì vậy, lên kế hoạch trong ngày và chia thời gian ra để giải quyết từng đầu mục là điều nên làm. Sau khi rút kinh nghiệm, Diễm Hương chia sẻ tips của cô bạn: "Bài tập trên lớp mình sẽ cố hoàn thành luôn trong giờ học hoặc buổi tối hôm đó để nhớ bài hơn. Những việc của câu lạc bộ, mình sẽ làm trước 1-2 ngày để nếu cần thì còn sửa kịp thời. Còn khi đi làm, mình không để thời gian lãng phí mà tập trung công việc tối đa. Buổi tối, mình dành 2 tiếng để học, 1 tiếng cho việc ở câu lạc bộ, thời gian trước khi ngủ sẽ xử lý nốt công việc làm thêm dang dở. Mình cũng đã bỏ thói trì hoãn để không tồn đọng quá nhiều việc dẫn đến quá tải".
Với sự năng động của giới trẻ, deadline là thứ cần thiết để chủ động quản lý đầu mục công việc sát sao, song deadline cũng chỉ phát huy tác dụng nếu bạn biết quản lý thời gian hiệu quả. Thử sức với nhiều công việc là điều tốt, nhưng phải biết điều gì cần ưu tiên để tập trung hoàn thành, đừng vì muốn thể hiện bản thân mà ôm đồm quá nhiều để rồi ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và không đảm bảo được chất lượng công việc của mình.