Mỹ - Nhật Bản: Cuộc chiến của Goliath và David
(TT&VH) - Có thể ví bóng đá Mỹ như Goliath, cả về lịch sử lẫn quy mô, nhưng khi Nhật Bản đang vươn lên mạnh mẽ, chưa chắc gã khổng lồ đã đánh bại được chàng tí hon David.
Trong hơn 20 năm qua, bóng đá nữ của Mỹ luôn nằm trong nhóm mạnh nhất, nếu không muốn nói thẳng là mạnh nhất hành tinh. Các cô gái Mỹ đã lọt vào bán kết của cả sáu kỳ World Cup và hai lần vô địch. Còn tại Thế vận hội, tuyển Mỹ gần như thống trị khi vào chung kết cả năm lần, đã giành ba huy chương vàng và đang chờ chiến thắng thứ tư.
Còn bóng đá nữ của Nhật tuy đã được đầu tư (nhỏ giọt) từ những năm 1970 nhưng phải đến đầu những năm 2000, mới giành được những chiến thắng đầu tiên ở các giải trẻ và cũng chỉ tại châu Á. Trước khi vô địch World Cup 2011, ĐTQG Nhật Bản chưa giành được bất kỳ danh hiệu nào tại World Cup, Olympic hay kể cả cúp AFC.
Quy mô của nền bóng đá nữ Nhật Bản cũng rất nhỏ bé, đặc biệt khi so sánh với Mỹ. Xứ Phù Tang có khoảng 125 triệu dân nhưng chỉ có 25.000 cô bé đăng ký chơi bóng đá trong khi chỉ riêng bang California của Mỹ đã có...200.000 cô gái theo học môn thể thao vua. Giải vô địch quốc gia của Nhật cũng mới ở mức nghiệp dư, các cầu thủ vẫn phải đi làm một công việc khác. Còn giải vô địch của Mỹ là chuyên nghiệp, có thể mua những ngôi sao hàng đầu thế giới như Marta (Brazil).
Tuy nhiên, sau trận chung kết World Cup 2011, nhiều tuyển thủ nữ của Mỹ đã phải kinh ngạc trước sự tiến bộ chóng mặt của người Nhật. Dù chỉ thua trận trên chấm phạt đền nhưng thủ môn Hope Solo đã phải thốt lên: "Bây giờ họ mới là đội bóng xuất sắc nhất thế giới. Không hiểu tại sao chúng tôi lại đứng đầu bảng xếp hạng của FIFA".
Hope Solo cho rằng lối chơi của người Mỹ, phần đông cao từ 1m70-1m80, quá thiên về sức mạnh, bắt nguồn từ việc các cầu thủ từ bé đã được chơi trên sân 11 người nơi thể lực, tốc độ đóng vai trò chính còn kỹ thuật bị xem nhẹ. Trong khi đó, các cô gái Nhật nhỏ bé, chỉ cao hơn 1m60, chơi bóng như Barcelona nhờ trước đây, chỉ chơi trên sân năm người nên được rèn kỹ chiến thuật rất kỹ càng.
Tại sao “Nadeshiko”, những bông hoa đẹp, biệt danh của Nhật Bản, lại có những tiến bộ nhanh chóng như vậy? Tom Byer, một chuyên gia từng tham gia vào các hệ thống đào tạo trẻ tại khắp Nhật Bản cho biết: "Trước đây, bóng đá nữ không được đầu tư xứng đáng. Phải 5-6 năm trước, LĐBĐ Nhật Bản (JFA) mới quyết định đầu tư nhiều hơn".
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là tiền đề, yếu tố quyết định dẫn tới thành công của “Nadeshiko” là văn hóa của người Nhật. Trái với người phương Tây thường thích hưởng thụ, các cô gái Nhật luôn nỗ lực hết mình. "Không như New York, nơi người ta chỉ chơi bóng từ mùa Hè tới lễ Tạ ơn, ở Nhật Bản, các cầu thủ chơi bóng 365 ngày trong một năm và chỉ chơi một môn thể thao. Họ tập luyện và tập luyện cho đến khi ngã gục mới thôi".
Ngoài ra, do không có số lượng cầu thủ nhiều như Mỹ nên người Nhật đã tìm ra được một phương án để tinh nhuệ hóa lực lượng ít ỏi của mình. Tại Mỹ, bóng đá trẻ, nhất là cho những cô bé ở tuổi 12, chỉ hoàn toàn mang ý nghĩa giải trí, tập luyện chủ yếu để rèn luyện sức khỏe. Còn người Nhật, theo ông Byer, những cô bé mới 12 đã được chọn làm hạt giống đỏ cho ĐTQG.
Tuy nhiên, có một điểm chung giữa đội tuyển Mỹ và Nhật là cả hai đều sở hữu tinh thần chiến đấu vô cùng mạnh mẽ. Năm ngoái, để động viên người dân Nhật Bản vừa phải hứng chịu trận sóng thần lịch sử, các cô gái Nhật đã chơi với 120% khả năng. Còn các cô gái Mỹ cũng luôn chiến đấu quyết liệt tới phút cuối cùng. Năm ngoái, họ gỡ hòa trước Brazil ở phút 120+2 và Olympic lần này, giành vé vào chung kết ở phút 120+3!
Mỹ và Nhật Bản đại diện cho hai trường phái bóng đá khác nhau, một thiên về sức mạnh, một nghiêng về kỹ thuật. Cả hai có những điểm mạnh riêng và với khao khát chiến thắng đang lên tới cực đỉnh, cuộc so tài giữa hai đội bóng này hứa hẹn sẽ mang đến một trận cầu mãn nhãn.
Trần Khánh An
11 - Với 11 bàn, Pháp và Canada là các đội có hàng công mạnh thứ hai tại Olympic 2012, chỉ sau Mỹ (14 bàn). 10/11 bàn của Canada do Sinclair và Tancredi ghi còn 11 bàn của Pháp chia đều cho...11 cầu thủ 83000 - FIFA cho biết 83.000 vé trận chung kết tổ chức tại sân Wembley đã bán hết! Trong hai trận đấu trước tổ chức tại Wembley (Anh-Brazil và Nhật-Pháp) cũng đều có đông khán giả, lần lượt là 70.584 và 61.48 |