OECD nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 17/3 cho biết triển vọng kinh tế toàn cầu đã được cải thiện so với vài tháng trước khi cú sốc lạm phát giảm bớt, nhưng lãi suất tăng sẽ khiến rủi ro ở mức cao. OECD cũng đã nâng dự báo tăng trưởng cho các nền kinh tế lớn.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế tạm thời, OECD cho biết sau khi tăng trưởng 3,2% trong năm 2022, nền kinh tế thế giới đang trên đà tăng trưởng 2,6% trong bối cảnh các biện pháp thắt chặt của ngân hàng trung ương có hiệu lực đầy đủ.
Tổ chức có trụ sở tại Paris này đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ mức 2,2% trong Triển vọng Kinh tế đưa ra hồi tháng 11/2022, với lý do giá năng lượng và lương thực giảm cũng như việc Trung Quốc nới lỏng các hạn chế phòng ngừa COVID-19.
Trong năm 2024, tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ "nhích" lên 2,9%, so với dự báo tăng trưởng 2,7% hồi tháng 11/2022, khi tác động của giá năng lượng cao đến thu nhập hộ gia đình giảm dần.
OECD dự báo lạm phát tại Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ giảm từ 8,1% trong năm 2022 xuống 5,9% trong năm nay và tiếp tục giảm xuống 4,5% vào năm 2024, song vẫn cao hơn mục tiêu đề ra bất chấp việc nhiều ngân hàng trung ương tăng lãi suất.
OECD cho biết rất khó để đánh giá tác động của lãi suất cao hơn, đồng thời cảnh báo việc người đi vay phải đối mặt với sự căng thẳng tài chính gia tăng có thể dẫn đến thua lỗ cho một số ngân hàng, viện dẫn sự sụp đổ gần đây của Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) tại Mỹ.
Ngày 16/3 vừa qua, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm để chống lại lạm phát, bất chấp tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chính sau sự sụp đổ của SVB và tình hình đáng quan ngại đang diễn ra của ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sỹ Credit Suisse.
OECD dự đoán lãi suất chính sách của ngân hàng trung ương sẽ đạt đỉnh ở mức 5,25% -5,5% tại Mỹ và mức 4,25% ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và ở Anh, trong đó nếu lạm phát giảm, các ngân hàng có thể nới lỏng "nhẹ" vào năm 2024.
OECD dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ chậm lại từ 1,5% trong năm nay xuống 0,9% trong năm 2024 do lãi suất cao hơn làm giảm nhu cầu.
Sau khi nới lỏng các biện pháp ngăn ngừa COVID-19, nền kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 5,3% trong năm nay và 4,9% vào năm 2024, tăng so với dự báo hồi tháng 11/2022 lần lượt là 4,6% và 4,1%.
Triển vọng của kinh tế Eurozone cũng được cải thiện nhờ giá năng lượng giảm, trong đó nền kinh tế Eurozone dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 0,8% trong năm nay, sau đó là 1,5% vào năm 2024. OECD trước đó đã dự báo các mức tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và 2024 của Eurozone lần lượt là 0,5% và 1,4%.