Ô nhiễm không khí là mối đe dọa lớn nhất với sức khỏe con người
Theo nghiên cứu của Viện Chính sách Năng lượng (EPIC) thuộc Đại học Chicago (Mỹ) công bố ngày 29/8, so với rượu và thuốc lá, ô nhiễm không khí đang trở nên nguy hiểm hơn đối với sức khỏe con người trên Trái Đất.
Báo cáo Chỉ số chất lượng không khí (AQLI) hằng năm chỉ ra rằng ô nhiễm bụi mịn từ xe cộ và khí thải công nghiệp, cháy rừng vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe người dân. Nếu thế giới có thể giảm lâu dài những chất gây ô nhiễm này nhằm đáp ứng giới hạn mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra, tuổi thọ của người bình thường có thể tăng thêm 2,3 năm. Bụi mịn có liên quan đến bệnh phổi, tim mạch, đột quỵ và ung thư.
Việc sử dụng thuốc lá giảm tuổi thọ trên toàn cầu ở mức 2,2 năm, trong khi tình trạng suy dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em là nguyên nhân khiến tuổi thọ giảm 1,6 năm. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy mức đầu tư để ứng phó với thách thức ô nhiễm không khí chỉ bằng một phần nhỏ so với số tiền dành để chống bệnh truyền nhiễm.
Châu Á và châu Phi chịu ảnh hưởng lớn nhất nhưng lại có hạ tầng yếu nhất để có thể cung cấp cho người dân dữ liệu chính xác và kịp thời. Hai khu vực này cùng nhận được phần rất nhỏ trong khoản hỗ trợ vốn đã khiêm tốn trên toàn cầu. Hiện toàn bộ châu Phi chỉ nhận được chưa tới 300.000 USD để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí.
Giám đốc các chương trình chất lượng không khí tại EPIC Christa Hasenkopf cảnh báo việc triển khai các nguồn lực trên toàn cầu đang không tập trung ở khu vực ghi nhận tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất.
Trong khi thế giới có Quỹ Toàn cầu hỗ trợ 4 tỷ USD/năm để chống HIV/AIDS, sốt rét và lao, thì lại không có cơ chế phối hợp hỗ trợ tài chính quốc tế tương đương để ứng phó với tình trạng ô nhiễm không khí. Báo cáo nhấn mạnh ô nhiễm không khí đang giảm số năm tuổi thọ của người bình thường tại CHDC Congo và Cameroon nhiều hơn so với HIV/AIDS, sốt rét và các mối đe dọa sức khỏe khác.
Trên toàn cầu, Nam Á là khu vực chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất. Bangladesh, Ấn Độ, Nepal và Pakistan hiện nằm trong 4 quốc gia ô nhiễm nhất khi xét theo nồng độ bụi mịn hằng năm - số liệu do vệ tinh cung cấp. AQLI sử dụng số liệu về nồng độ bụi mịn để tính toán tác động tới tuổi thọ. Cư dân Bangladesh, nơi có nồng độ bụi mịn 74 microgram/m3, sẽ sống thêm 6,9 năm nếu giảm con số này xuống mức 5 microgram/m3 theo khuyến nghị của WHO. Trong khi đó, thủ đô New Delhi của Ấn Độ là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với nồng độ bụi mịn trung bình hằng năm ở mức 126,5 microgram/m3.
Mặt khác, Trung Quốc lại đạt được tiến bộ đáng kể trong cuộc chiến chống ô nhiễm kể từ năm 2014. Cụ thể, ô nhiễm không khí tại Trung Quốc đã giảm 42,3% trong giai đoạn 2013-2021. Nếu duy trì được những tiến bộ này, tuổi thọ trung bình của người dân Trung Quốc sẽ tăng thêm được 2,2 năm. Tại Mỹ, các biện pháp pháp lý như Đạo luật Không khí sạch đã giúp giảm ô nhiễm ở mức 64,9% kể từ năm 1970 và tăng tuổi thọ của người dân nước này thêm 1,4 năm.
Tuy nhiên, mối đe dọa ngày càng tăng từ cháy rừng liên quan đến nhiệt độ cao và điều kiện khô hạn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã khiến ô nhiễm tăng lên tại miền Tây nước Mỹ, Mỹ Latinh và Đông Nam Á. Trong mùa cháy rừng năm 2021 của bang California, hạt Plumas đã ghi nhận nồng độ bụi mịn trung bình cao gấp 5 lần so với khuyến nghị của WHO. Tương tự như châu Âu, tình trạng ô nhiễm không khí tại Bắc Mỹ đã cải thiện trong những thập kỷ gần đây. Tuy nhiên, khu vực Tây và Đông Âu lại có sự khác biệt đáng kể, với Bosnia là quốc gia ô nhiễm nhất châu lục.