Ở Brazil, người hâm mộ eSports đã biến việc cổ vũ thành một loại hình nghệ thuật đỉnh cao
Trống, kèn vuvuzela, cờ và những tiếng hô vang ngập tràn nhà thi đấu Jeunesse Arena ở Rio de Janeiro khi 18.000 người hâm mộ reo hò và cổ vũ cho các đội tuyển xuất sắc nhất thế giới đang thi đấu trên sân khấu lớn. Nhưng đây không phải là một trận bóng đá. Đó là IEM Rio Major, giải thể thao điện tử (eSports) vô địch thế giới bộ môn Counter-Strike đang được tổ chức tại Brazil.
“Tôi nghĩ mọi người đều có cảm giác rằng nó sẽ khá điên rồ”, Anders Blume, bình luận viên của bộ môn Counter-Strike: Global Offensive, người đã làm việc trong lĩnh vực này gần một thập kỷ, chia sẻ. "Nhưng chúng tôi đã không chuẩn bị cho những gì đang thực sự xảy ra ở đây."
Counter-Strike: Global Offensive hay CS:GO là trò chơi trong đó các đội 5 người sẽ cạnh tranh với nhau để tấn công và bảo vệ các địa điểm đặt bom. Trò chơi này có lịch sử lâu đời ở Brazil, với niên đại hơn hai thập kỷ. Đây cũng được coi là một hiện tượng văn hóa bởi rất nhiều người Brazil dưới 30 tuổi đã chơi nó ít nhất một lần trong đời.
CS:GO có hai giải đấu lớn hàng năm, hầu hết đều được tổ chức ở Châu Âu. Nhưng năm nay, khi giải Major được tổ chức ở Brazil lần đầu tiên, sau một thời gian trì hoãn vì đại dịch COVID-19, vé đã được bán hết trong một giờ. Khi ban tổ chức thay đổi cách bố trí sự kiện để có thêm chỗ ngồi, số vé phụ cũng được bán hết trong quãng thời gian ngắn tương tự.
Trong giai đoạn đầu của giải đấu, gọi là Challengers và Legends, các trận đấu được diễn ra tại Riocentro, một trung tâm hội nghị và triển lãm nơi chỉ chứa được một lượng khán giả nhỏ. Nhưng những người hâm mộ, với các màn cổ vũ nhiệt tình bằng cách hò hét, hát, dậm chân và gõ trống, đã nhận được vô số bình luận trên mạng xã hội vì niềm đam mê bất tận của họ.
Christopher “dexter” Nong, đội trưởng người Úc của MOUZ, một trong những đội có tham dự sự kiện cho biết: “Bạn có thể nghe thấy âm nhạc, trống, tiếng người nhảy múa và nó giống như một lễ hội đối với chúng tôi.”
Đám đông cuồng nhiệt tại IEM Rio Major 2022.
Những người hâm mộ đã làm cho giải đấu Rio Major trở nên sống động và ồn ào này, được biết đến với tên gọi “torcida”, một khái niệm bắt nguồn từ lịch sử trong môn bóng đá của Brazil. Đây là những người hâm mộ cuồng nhiệt, giống như các hooligan ở Anh. Được trang bị trống và cờ in biểu tượng của đội nhà, những người hâm mộ này đã nhanh chóng chuyển ngữ các bài hát bóng đá truyền thống quen thuộc thành các bài hát theo phong cách thể thao điện tử.
Và Alexandre “Gaules” Borba, một streamer người Brazil, đóng vai trò lớn trong cộng đồng này, khi hoạt động một cách đầy tích cực và năng nổ. Cộng đồng của anh - hay được gọi là “Tribo” - là một trong những lực lượng chính đằng sau số lượng người xem khổng lồ eSports ở Brazil. Trong giải Major trước đó tổ chức ở Bỉ, luồng livestream cá nhân của anh đã đạt đỉnh với hơn 700.000 người xem trong trận thi đấu giữa hai đội Imperial và Cloud9.
Khi nhận thấy nhu cầu mua vé quá cao, ESL đã hợp tác với Borba để tổ chức một festival dành cho người hâm mộ ở bên ngoài nhà thi đấu, nơi anh sẽ giao lưu với mọi người từ một sân khấu riêng, cũng như có màn hình lớn chiếu các trận đấu trực tiếp trước khán giả.
“Khi bắt đầu livestream, tôi muốn mang theo nguồn năng lượng đến từ bóng đá, bởi vì tôi là một fan cuồng nhiệt của bóng đá”, Borba, người đã chơi bóng từ khi còn nhỏ, cho biết. “Tôi đã nhìn thấy thế hệ trẻ ngày nay và tôi nghĩ rằng hầu hết những người thích và thi đấu trong lĩnh vực thể thao điện tử không thể có được trải nghiệm giống như tôi đã có ở các sân vận động bởi vì đó là sự khác biệt về thời điểm.”
Đây là điều bạn sẽ chỉ thường thấy ở các trận cầu bóng đá đỉnh cao.
Giữa các trận đấu, câu hô khẩu hiệu nổi bật nhất thường là “La Tribonera”, khi các torcida muốn gây áp lực lên đội đối phương và nâng tinh thần đội mình lên. Đây là từ kết hợp giữa “Tribo” và La Bombonera, tên sân vận động của câu lạc bộ bóng đá Argentina Boca Juniors. La Bombonera đã trở thành một phần của văn hóa bóng đá Brazil bởi người ta hay nói "La Bombonera đang hít thở" khi muốn miêu tả cấu trúc của sân vận động này thực sự rung chuyển khi những người hâm mộ tụ tập để xem các đội bóng chơi ở đó.
“Tôi nghĩ rằng lần đầu tiên chúng ta có thể chứng minh rằng thể thao điện tử có thể vượt lên các môn thể thao truyền thống”, Borba nói. “Tôi đã đi xem rất nhiều trận bóng và những gì tôi thấy ở đây là thứ tôi chưa từng thấy trong đời”.
Các torcida bắt đầu với tư cách là một nhóm người hâm mộ cho Imperial, một đội tuyển của Brazil, đội đã có những màn trình diễn đột biến sau khi ký hợp đồng với hai game thủ trẻ tài năng là Gabriel “FalleN” Toledo và Fernando “fer” Alvarenga. Nhưng sau khi Imperial bị loại khỏi giải đấu, các torcida đã trở thành chỗ dựa chung cho tất cả những người hâm mộ bộ môn CS:GO ở Brazil.
“Khi họ bị loại khỏi giải đấu, chúng tôi đã quyết định đội của mình không chỉ là Imperial”, Angelo Matheus, một sinh viên 20 tuổi và là tay trống cổ vũ ở Rio Major cho biết. "Đó sẽ là tất cả các đội đang ở Brazil."
Đám đông cuồng nhiệt đã truyền lửa cho các vận động viên trên sân thi đấu, và ngược lại các tuyển thủ mang lại cho họ những cảm xúc dâng tràn.
Những người chơi trên sân đấu cũng không miễn nhiễm khỏi tiếng ồn.
“Mọi người ở đây luôn cổ vũ”, Dzhami “Jame” Ali, đội trưởng người Nga của đội Outsiders cho biết. “Tôi không nói tới từng hiệp, họ cổ vũ từng giây. Từ trưa đến tối mịt không ngừng nghỉ. Bạn sẽ nghe thấy ít nhất một người hâm mộ đang hét lên bằng cả trái tim của họ, bất cứ lúc nào."
“Đám đông rất ồn ào. Chỉ 3.000 người hâm mộ Brazil có thể ồn ào hơn 10.000 người hâm mộ ở Cologne”, Ali ví von, đề cập đến thành phố của Đức, nơi có lịch sử lâu đời trong việc tổ chức các sự kiện thể thao điện tử toàn cầu.
Và nguồn năng lượng này thậm chí cũng không bị các bình luận viên lấn át. Trong một trận thi đấu, những người hâm mộ đã hoàn toàn chèn ép tiếng bình luận. Một người trong số các bình luận viên, Harry “JustHarry” Russell, đã phải hét lên với giọng khàn khàn, khi cố gắng nói xen giữa âm thanh của đám đông rằng: “Tôi thậm chí không biết liệu bạn có thể nghe thấy tôi ngay bây giờ không!”
“Tôi không thể so sánh nó với bất kỳ thứ gì khác ngoài các trận bóng đá tại Premier League ở Vương quốc Anh”, James Banks, người dẫn chương trình cho IEM Rio Major, cho biết. "Các sân vận động khổng lồ với 70.000 người và nó thậm chí cũng không giống như thế này bởi vì bạn sẽ chỉ nhận được một nửa sân vận động cổ vũ cho một đội và một nửa còn lại cho đội kia."
"Năng lượng lan truyền như dòng điện", Banks nói. "Nó giống như một liều caffein mà bạn không cần phải uống bất cứ thứ gì."
Trong khi những người hâm mộ bóng đá ở Brazil thường nổi tiếng với những vụ bạo lực bên cạnh niềm đam mê của họ, thì những người hâm mộ tại Jeunesse Arena lại muốn làm điều gì đó khác biệt.
“Chúng tôi muốn cho thế giới thấy chúng tôi đoàn kết là một”, tay trống Matheus nói. “Thể thao điện tử văn minh hơn. Chúng tôi không chiến đấu với nhau như các torcida trong bóng đá”.
Thời tiết khắc nghiệt cũng không thể làm nguội đi lòng nhiệt huyết của các cổ động viên.
Sau sự thất bại của Imperial, các torcida đã tìm thấy hy vọng mới của mình ở Furia, một đội Brazil khác đã tiến được vào vòng bán kết.
“Rio Major là một trải nghiệm thay đổi cuộc chơi đối với hầu hết chúng tôi, cả các thành viên của Furia và cả Brazil”, Jaime Padua, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của đội Furia cho biết. “Bầu không khí ở Riocentro khiến mọi người phải khóc. Các game thủ của chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy một nguồn năng lượng như vậy. Sự kết nối giữa người hâm mộ và người chơi là một yếu tố quan trọng trong bộ môn này. Nó gửi một thông điệp rất rõ ràng về eSports: Chúng tôi đang đi theo hướng tốt nhất có thể.”
Nhưng Furia sau đó cũng bị loại, sau khi thua Heroic, một đội Đan Mạch, vào tối thứ Bảy. Không ai còn nhớ những người hâm mộ Brazil đã cổ vũ cho đội nào trong trận chung kết vào hôm Chủ nhật tiếp sau đó, giữa hai đội Outsiders và Heroic, nhưng có một điều gần như chắc chắn được đảm bảo: Nó đã rất ồn ào và náo nhiệt.