Nước trên các sông dâng cao làm ngập lụt nghiêm trọng nhiều nơi ở Thanh Hóa
(Thethaovanhoa.vn) - Theo báo cáo nhanh của các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy ( tỉnh Thanh Hóa), do mưa lớn và xả lũ trên thượng nguồn làm mực nước sông Mã, sông Bưởi dâng cao. Hiện các địa phương này đang khẩn trương đối phó với tình hình lũ lụt cũng như chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của bà con nhân dân.
- Thanh Hóa: Triệu tập 2 đối tượng tung tin vỡ đập thủy điện Trung Sơn
- Nước lũ lên nhanh, người dân Lào Cai và Thanh Hóa sơ tán khẩn cấp
- Thanh Hóa: Nhiều phòng học bị vùi lấp, học sinh được tạm thời nghỉ học
Tính đến 17 giờ chiều 31/8, mực nước trên sông Bưởi tại trạm thuỷ văn Kim Tân là 12,09, trên báo động 3 là 0,09m; Mực nước trên sông Mã tại Trạm thuỷ văn Lý Nhân là 11,67m trên báo động II là 0,67m; sông Mã tại địa bàn huyện Cẩm Thủy, mực nước đã trên báo động 3 tới 1.1 mét. Mực nước sông đã xấp xỉ đạt mức lũ lịch sử năm 2007.
Nước lũ làm nhiều tuyến đường giao thông bị ngập lụt, nhiều xã thuộc 3 huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy bị chia cắt. Chính quyền các địa phương đã phải sơ tán hàng nghìn hộ dân, với hàng chục nghìn nhân khẩu ra khỏi vùng ngập lụt. Nhiều diện tích hoa màu, vật nuôi và tài sản của người dân bị thiệt hại. Nhiều trường học đã ngập chìm trong nước lũ khi năm học mới đang đến rất gần.
Theo ghi nhận của phóng viên tại các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Ninh, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lộc) ở khu vực ngoài đê sông Mã nước đã ngập sâu vào nhà dân từ 1,5-2,5m. Huyện Vĩnh Lộc đã khẩn trương di dời gần 1.600 hộ dân đến nơi an toàn đồng thời huy động lực lượng cùng chủ 17 trang trại, gia trại sơ tán vật nuôi đến nơi an toàn. Tại các xã Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, Vĩnh Hưng… đã có hơn 1.000 con gia súc gia cầm bị thiệt hại do nước lũ về quá nhanh, không kịp di chuyển; hơn 360 ha cây trồng bị ngập trắng. Tại các địa phương này bị mất điện hoàn toàn từ rạng sáng 31/8.
Bà Phạm Thị Thuý, thôn Cẩm Hoàng 1, xã Vĩnh Quang cho hay: “Chưa năm nào tôi thấy nước sông Mã lên nhanh và dâng cao như vậy, ngập hết nhà rồi, với tình hình nước đang tiếp tục dâng cao như thế này có thể sẽ vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2007”.
Anh Tạ Quang Minh, Chỉ huy trưởng quân sự xã Vĩnh Quang cho biết: “Nước sông Mã lên quá nhanh ngập vào nhà khiến nhiều gia đình không kịp trở tay. Từ đêm qua, rạng sáng nay, cán bộ, chính quyền xã Vĩnh Quang đã tập trung mọi lực lượng cùng nhân dân di dời người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai cùng tài sản vào khu vực an toàn.”
Ông Tào Quang Thiệu, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Lộc khẳng định: “Nước sông Mã, sông Bưởi đang tiếp tục dâng nhanh, dự báo sẽ vượt đỉnh lũ năm 2007. Vì vậy UBND huyện Vĩnh Lộc sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thiên tai, lũ lụt để kịp thời sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm, sẵn sàng lực lượng, phương tiện xử lý các tình huống, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục các sự cố xảy ra.”
Sáng 31/8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hoá đã phát lệnh báo động III trên sông Mã, sông Bưởi và báo động II trên sông Lèn. Đồng thời yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố: Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Yên Định, Thiệu Hóa, triển khai ngay công tác tuần tra canh gác đê và hộ đê theo các cấp báo động. Các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát và có phương án xử lý bảo đảm an toàn cho các đoạn đê xung yếu, cống dưới đê trên địa bàn; đồng thời triển khai các phương án sơ tán dân sinh sống vùng ngoại đê đến nơi an toàn.
Trực tiếp đi kiểm tra tình hình mưa lũ tại các địa phương trong tỉnh ngày 31/8, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đánh giá cao tinh thần chủ động ứng phó với lũ lụt của chính quyền, nhân dân vùng lũ; yêu cầu các huyện cần theo dõi sát sao, dự báo sát tình hình mưa lũ để có phương án ứng phó kịp thời. Đồng thời, lưu ý UBND các huyện vùng tâm lũ là Thạch Thành, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc cần bảo vệ tài sản, tính mạng cho người dân, tránh để xảy ra sự việc đáng tiếc. Các huyện cần tập trung tiêu úng cho những vùng bị ngập lụt, bảo vệ cây trồng cho người dân; tổ chức lực lượng trực đê và những điểm xung yếu 24/24 giờ; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, sự chủ động của người dân trong phòng, tránh thiên tai, lũ lụt.
Hiện các địa phương trong tỉnh Thanh Hoá đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của lũ lụt, phân công cán bộ bám sát địa bàn, chuẩn bị đầy đủ các vật tư, phương tiện, lực lượng và phương án để sẵn sàng chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra.
TTXVN