Nửa thế kỷ vẫn 'Tiếng chổi tre'
1. Rất nhiều người thú nhận với tôi rằng, vì bài thơ này mà họ từ tốn hơn vào mỗi buổi chập tối trên đường về nhà gặp chị lao công loẹt xoẹt quét đường. Cây chổi tre của chị hất bụi tung tóe phố phường. Đôi khi, vào những đêm đông “khi cơn giông vừa tắt”, cái chổi dài nghêu của chị còn phất cả bùn lên yếm xe hay gấu quần người đi đường.
Ai cũng hiểu và thấm thía rằng, nếu ai cũng chọn phần việc nhẹ nhàng thì lấy ai quét đường, quét phố.
Nhưng mấy chục năm sau khi bài thơ ra đời (6/1960), nghe thằng cu ngồi rỉ rả như ve sầu học thuộc lòng bài Tiếng chổi tre, tôi cứ băn khoăn không biết đến bao giờ, thủ đô rộng bậc nhất thế giới của chúng ta mới hết tiếng chổi tre - cái công cụ quét đường thô sơ nhất thế giới đó. Thay vào đó là xe hút bụi và xe rửa đường như ở các đô thị văn minh?
2. Nhưng mà, đến khi đó, chưa chắc các chị lao công đã vui. Tôi từng nghe thấy một suất đẩy xe rác, thuộc phiên chế của đội vệ sinh môi trường ở quê tôi đều phải con ông, cháu cha ở xã mới vào được, và nghe xì xầm chạy vào cũng không phải là dễ. Khi viết Tiếng chổi tre, hẳn Tố Hữu không nghĩ rằng, cái nghề đó cũng là một mơ ước với nhiều người bây giờ, thậm chí còn bị ganh tị.
Nhưng Tố Hữu viết bài đó không chỉ để ca ngợi chị lao công. Bài thơ trong SGK hiện nay bị lược mất một đoạn so với thời chúng tôi học (xin chép theo trí nhớ):
“Sáng mai ra/Gánh hàng hoa/Xuống chợ/ Hoa Ngọc Hà/Trên đường rực nở/Hương bay xa/Thơm ngát/ Đường ta...”.
Và một giá trị mà bài thơ mang lại, có lẽ ngoài hình dung của tác giả, đó là đóng đinh vào ký ức biết bao thế hệ về một làng hoa nổi tiếng của Thăng Long - Hà Nội xưa: làng hoa Ngọc Hà.
Phố Ngọc Hà ngày nay, chúng ta vẫn đi, và đó là con phố duy nhất ở nội thành có đến mấy cái gương cầu lồi vì quanh co, gấp khúc. Nhưng làng hoa Ngọc Hà thì không còn nữa. Google cho tôi biết rằng, giờ chỉ còn mỗi một gia đình bám trụ với nghề.
Hà Nội trong quá trình đô thị hóa đã nuốt chửng khá nhiều những làng lúa, làng hoa từ Ngọc Hà tới Nhật Tân, tới làng Vòng... Âu đó cũng là chuyện thường tình. Nhưng xét ra, giá trị hữu hình của bất động sản, về lâu dài, không thể sánh được với những giá trị vô hình (phi vật thể) của di sản; tất nhiên là phải biết khai thác.
3. Giờ chúng ta chỉ biết tiếc nuối khi nhớ lại cái không khí tưng bừng, rộn ràng, thơm tho, trong sáng tột cùng trong câu thơ “Sớm mai ra/Gánh hàng hoa/Xuống chợ/Hoa Ngọc Hà...”.
Càng tiếc nuối hơn khi xem lại bức ảnh lịch sử của nhiếp ảnh gia Văn Bảo chụp cô gái Ngọc Hà tưới hoa trên bờ hồ có xác máy bay Mỹ. Vẻ đẹp của chiến tranh và hòa bình, của súng và hoa một thời lại phải có thêm dòng chú thích thì thế hệ trẻ mới hiểu được, rằng từng có một làng hoa như thế.
Và để cho người lớn khỏi nuối tiếc, trẻ con khỏi hỏi đi hỏi lại khi học bài Tiếng chổi tre thì có lẽ việc cắt đi đoạn trên trong SGK bộ mới cũng là hợp lý.
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần