‘Nữ vương gạt tàn’ của Đan Mạch: Định nghĩa ‘người thành công luôn có lối đi riêng’ của vị quân chủ khác biệt nhất châu Âu
Nữ vương duy nhất còn lại ở châu Âu - Margrethe II của Đan Mạch nổi tiếng vì cá tính giản dị, độc lập và luôn đặt lợi ích của chế độ quân chủ lên trước gia đình mình.
Vào ngày 28 tháng 9, Nữ vương Margrethe II của Đan Mạch đã gây chấn động thế giới - và thậm chí cả thành viên gia đình bà - khi tuyên bố rằng bốn người con của con trai thứ, Vương tử Joachim, sẽ bị tước bỏ danh hiệu vương thất. Kể từ tháng 1 năm 2023, Felix, Athena, Henrik và Nikolai sẽ được gọi là bá tước và nữ bá tước của Monpezat.
"Với quyết định của mình, Nữ vương mong muốn tạo ra khuôn khổ cho 4 người cháu để có thể định hình cuộc sống của chính họ ở một mức độ lớn hơn nhiều mà không bị giới hạn bởi những cân nhắc và nghĩa vụ đặc biệt liên quan chính thức với Vương thất Đan Mạch", cung điện thông báo.
Cá tính cứng rắn và quyết liệt của người đứng đầu
Quyết định của Nữ vương trùng hợp với một loạt quyết sách tương tự của các Vương thất khắp châu Âu khi xu hướng "tinh gọn hóa" lên cao. Vua Charles III sau khi kế ngôi mẫu thân cũng không hề giấu giếm ý định áp dụng những tương tác tương tự với gia đình mình.
Nhưng đáp lại động thái của bà, Vương tử Joachim cùng vợ đã cùng công khai lên tiếng tỏ vẻ phật ý, nói thêm rằng con gái út Athena của họ bị bắt nạt tại trường học ở Paris vì mất tước vị.
Quan trọng hơn, không phải người dân Đan Mạch nào cũng đồng ý với quyết định này. Trong một cuộc khảo sát công bố hồi đầu tháng 10 với hơn 265.000 người tham gia, có 55% ủng hộ quyết định của bà, 33% phản đối và 12% không có ý kiến.
Mặc dù phù hợp xu hướng, scandal theo sau quyết định này có vẻ không được căn thời gian một cách tinh tế nhất bởi Margrethe II vừa kỷ niệm Đại lễ Vàng 50 năm trị vì.
Không giống như người chị họ Elizabeth kín tiếng, khó đoán của mình, Margrethe II có vẻ ngoài hào hoa và dễ gần. Có biệt danh là "Nữ vương gạt tàn", Margrethe là một "học sinh trọn đời" có học thức cao, nghiện thuốc lá và cao 1m82, nổi tiếng với phong cách ăn mặc sặc sỡ, yêu thích khảo cổ học, thông thạo 5 thứ tiếng và có khả năng nghệ thuật, từng vẽ minh họa cho tác phẩm Chúa Nhẫn, đồng thời thiết kế trang phục và phối cảnh cho các tác phẩm sân khấu châu Âu.
Tính cách dễ mến của Margrethe đã khiến bà trở thành một nhân vật được yêu mến ở Đan Mạch. Nữ vương đã được phát hiện vừa đi ra khỏi một cửa hàng tạp hóa, vừa nhai xúc xích và hào hứng đi tàu lượn siêu tốc.
Nhưng dù là vị quân chủ mang tiếng "kỳ quặc" bên ngoài, thì trong thâm tâm, bà ấy rất giống với Nữ vương Elizabeth II - tận tụy với truyền thống, và trước hết là tận tụy với vương quyền. Thậm chí tác giả và cựu phóng viên Vương thất Trine Villemann, một nhà phê bình gay gắt của gia đình này với những ý kiến gây tranh cãi cho biết: "Margrethe đã tiếp cận triều đại lâu dài của mình với tinh thần trách nhiệm cao độ. Bà ấy thực sự tin rằng vị trí của mình là do Chúa ban cho, và là một người sùng đạo sâu sắc, bà ấy cảm thấy có nghĩa vụ rất lớn".
Từ khoảnh khắc luật kế vị Vương thất Đan Mạch thay đổi để nữ giới cũng có thể lên ngôi, cuộc đời bà đã mãi thay đổi. Bà từng nói với Wolden-Ræthinge: "Ngày 15 tháng 1 năm 1972 là mục đích sống của tôi kể từ năm 13 tuổi. Tôi là của nhân dân! Nhiệm vụ của tôi bây giờ là đất nước của tôi, cho đất nước của tôi, cho những người Đan Mạch của tôi".
Hy sinh tình cảm gia đình, tất cả vì nghĩa vụ
Bà cũng công khai rằng sứ mệnh, không phải gia đình, là trên hết. "Đan Mạch quan trọng với tôi hơn bất cứ thứ gì khác. Tôi thậm chí không dám tơ tưởng đặt cuộc hôn nhân của mình lên trên ngai vàng".
Bận rộn với công việc, Margrethe và phu quân là Vương tế Henrik có rất ít thời gian chăm sóc con cái hàng ngày. Tương tự chị họ, bà có rất ít thời gian chăm sóc cho cả hai Vương tử khi họ còn nhỏ.
Margrethe nhớ lại trên tờ Queen ở Đan Mạch: "Chúng tôi để lại khá nhiều việc nuôi dạy các con và bầu bạn với chúng cho người khác, và kết quả là chúng tôi và các nhóc đã bỏ lỡ rất nhiều".
Đan Mạch quan trọng với tôi hơn bất cứ thứ gì khác. Tôi không nghĩ rằng mình thậm chí còn tơ tưởng đặt cuộc hôn nhân của mình lên trên ngai vàng.
Nữ vương Margrethe II của Đan Mạch
Tuy nhiên, Villemann đã kể rằng việc nghiêm trọng tới mức các con bà gần như bị "bỏ bê". Bà nói: "Cuộc hôn nhân của họ chắc chắn là đầy sóng gió - và từ rất sớm. Trong một cuốn sách, tôi có mô tả một sự việc khi mà Margrethe và Henrik tranh cãi gay gắt trong khi đứa con trai mới sinh Frederik của họ đang ngủ bên cạnh...
Một người hầu gái đi ngang qua và phát hiện ra Vương tử bị bỏ lại một mình. Cô ấy có thể nghe thấy Margrethe và Henrik đang cãi nhau ầm ĩ ở phòng bên cạnh nên cô đã đưa cậu nhóc vào chiếc xe nôi cùng đi dạo quanh Copenhagen. Vài giờ sau, cô trở lại cung điện và phát hiện ra rằng không ai - kể cả cha mẹ của Frederik - nhận ra rằng Vương tử bé đã mất tích".
Các con không phải "nạn nhân" duy nhất. Chồng bà - Vương tế Henrik từng kể vào dịp sinh nhật 50 tuổi của mình trên TV rằng ông gặp khó khăn khi xin tiền tiêu vặt từ vợ để mua thuốc lá. Hơn nữa, theo Villemann, ông rất bất mãn khi không được hưởng lối tôn xưng "bệ hạ" (majesty) như phối ngẫu của các vị vua theo truyền thống.
Vào năm 2017, sự bất mãn của ông lại bùng lên trước công chúng khi trả lời phỏng vấn bất thường cho tạp chí Se og Hør. Trong đó, ông công khai phản đối vợ mình, cho rằng bà không cho ông thấy sự tôn trọng mà một người vợ nên dành cho người bạn đời của mình.
Ông nói: Vợ tôi đã quyết định rằng cô ấy muốn trở thành Nữ vương và tôi rất hài lòng về điều đó. Nhưng là một con người, cô ấy phải biết rằng nếu một người đàn ông và một người phụ nữ đã kết hôn, thì họ bình đẳng". Cũng vì lý do này, ông từ chối việc được hợp tác cùng vợ.
Tuy nhiên, cơn giận dữ của Henrik đã không lay chuyển được người vợ cứng rắn của ông. Khi Henrik qua đời vào ngày 13 tháng 2 năm 2018 - có vợ con bên cạnh - ông vẫn chỉ là một Vương tế. Villemann nói: "Trong một số trường hợp, Henrik đã công khai làm bẽ mặt vợ mình bằng cách thể hiện sự tức giận của mình và - theo ý kiến của tôi - đó là lý do chính mà người Đan Mạch chưa bao giờ thực sự chấp nhận Henrik".
Sau sự ra đi của chồng, sự phân biệt đối với "người thừa kế" và "người thừa" giữa 2 anh em Frederik và Joachim cũng càng rõ rệt thêm. Phóng viên vương thất Kenth Madsen nói với Daily Mail vào tháng trước rằng ông được các nguồn cung điện thông báo rằng Vương tử Joachim đã "cảm thấy bị sỉ nhục và bị phớt lờ trong một thời gian dài".
Villemann phân tích, bản thân việc phân biệt này không đến từ tình cảm mà là lý trí. Frederik là một con người nhạy cảm và thậm chí không muốn vương vị; Joachim thì bất mãn với việc phải làm số 2; nhưng nếu việc bắt cả hai phải tuân theo nghĩa vụ để bảo toàn tương lai của Vương thất, Margrethe chắc chắn sẽ làm thế.
Cũng có những lý do thực tế để tinh giản Vương thất Đan Mạch. "Đan Mạch là một quốc gia nhỏ và không đủ lớn cho hai anh em và những gia đình đông con", Villemann nói, "Đơn giản là không có đủ nghĩa vụ cho quá nhiều thành viên. Năm 2016, cung điện thông báo rằng chỉ có con cả của Thái tử Frederik, Vương tôn Christian, mới được nhận tài trợ công.
Tôi còn được biết rằng cung điện đang theo đuổi một kế hoạch theo đó đứa con lớn thứ hai của Frederik, Vương tôn nữ Isabella, cũng nhận được tiền công, và việc tước bỏ tước hiệu của các con Joachim là một phần của kế hoạch đó vì cung điện có thể lập luận rằng chế độ quân chủ đang tinh giản. Điều trớ trêu ở đây là không một đứa con nào của Joachim kỳ vọng sẽ nhận được tài trợ công, và tước hiệu của họ sẽ biến mất nếu khi họ kết hôn với một thường dân".
Dù lý do là gì, một điều không thể phủ nhận rằng để đổi lại sự ủng hộ to lớn của đa số công chúng, Nữ vương đã hy sinh rất nhiều trong tình cảm gia đình, hay thậm chí là tạo ra tranh cãi. Kết quả của những động thái của bà chỉ có thể để thời gian trả lời.
Nguồn: Vanity Fair