Nữ tiến sĩ, phượt thủ và chuyện ‘đàn bà thì phù phiếm’
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 15/7 tại Đường sách TP.HCM, có buổi giao lưu và ra mắt sách Đàn bà thì phù phiếm (Saigon Books và NXB Phụ nữ ấn hành) của nữ tiến sĩ Hà Thanh Vân.
Tiến sĩ Hà Thanh Vân là một nhà khoa học nghiên cứu về văn học và văn hóa, giảng viên đại học. Gặp Hà Thanh Vân ngoài đời, khó quên về mái tóc của chị được nhuộm màu rất ấn tượng. Thế nhưng Hà Thanh Vân là tác giả của nhiều công trình, bài viết có tính chất hàn lâm.
Lâu nay nhiều người vẫn mặc định rằng, tiến sĩ hay nhà khoa học thường sống khép kín trong bốn bức tường làm… con mọt sách. Thế nhưng, Hà Thanh Vân còn được biết đến như một “phượt thủ” đi nhiều, viết khỏe, đa dạng về mọi đề tài.
Chị cũng được biết đến là một người am hiểu tâm lý, tính cách con người với những bài viết mang tính chất “tư vấn tình cảm” trên Facebook cá nhân được nhiều bạn trẻ yêu thích, đặc biệt là nữ giới. Cuốn sách Đàn bà thì phù phiếm tập hợp những bài viết như vậy.
Đàn bà thì phù phiếm gồm ba phần: Đàn ông và đàn bà và… tập hợp những tản văn sắc sảo, đôi khi như là những “lưỡi dao” phẫu thuật đi sâu vào thế giới đàn ông, đàn bà để từ đó bóc tách ra nhiều câu chuyện, nhiều vấn đề bất ngờ, thú vị. Trong mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà, thoạt nhìn, bạn đọc không tránh khỏi cảm giác lạc vào mê hồn trận bởi vô số vấn đề, vô số câu chuyện giữa hai giới.
Chẳng hạn, cùng một vấn đề “ngoại tình”, nhưng tác giả lại chỉ ra: “Ở phụ nữ, ngoại tình tư tưởng là kết quả của một quãng đời sống nhàm chán bên người chồng, người yêu chính danh. Còn ở đàn ông, ngoại tình tư tưởng là sự mở đầu của một công cuộc chính phục mới, biến ngoại tình tư tưởng thành ngoại tình thể xác” - Phụ nữ ngoại tình tư tưởng, đàn ông ngoại tình thể xác.
Trong phần Tình là tình chát gồm những “khảo sát” bề mặt cũng như tầng sâu về thế giới mạng, trong đó có thế giới tình, mà người viết lẫn người đọc nhiều phen phải giật mình thốt lên, như câu nói ai oán nổi tiếng của nhân vật Lý Mạc Sầu trong Thần điêu Đại hiệp của nhà văn Kim Dung: “Hỏi thế gian tình ái là chi?”.
Phần cuối Phù phiếm truyện gồm những bộc bạch mang tính hài hước, đôi khi là tự giễu nhại chính mình: phụ nữ thường rất phù phiếm, nhưng nếu không phù phiếm thì có còn là phụ nữ nữa không? Hà Thanh Vân khẳng định: “... phù phiếm là một nhu cầu tự thân và không ai có quyền ngăn cấm. Phụ nữ chỉ không nên phù phiếm khi sự phù phiếm ấy làm ảnh hưởng đến những người xung quanh. Sự phù phiếm của phụ nữ làm cho cuộc đời họ đẹp hơn, nhiều màu sắc tươi sáng hơn” - Là phụ nữ rất nên phù phiếm.
Đọc tản văn của Hà Thanh Vân, bạn đọc có thể tìm thấy bóng dáng, tâm tình của chính mình trong đó. Cách viết không áp đặt, phán xét, mà từ những tương tác trên mạng xã hội đã cung cấp cho chị cái nhìn đa chiều với những cảnh huống đời thường và nhiều chiều kích tâm lý vốn được ẩn giấu. Hà Thanh Vân cũng cho thấy trong một thế giới mà ngày càng đa diện thì con người ta cũng trở nên đa tính cách và đa nhiệm. Nhưng giá trị cốt lõi nhất của con người vẫn là yêu thương nhau.
Nhà văn Trần Nhã Thụy nhận xét: “Tác giả không tỏ ra là người thật thà, nhưng luôn thể hiện mình là người chân thật, dám nói ra những điều tưởng chừng khó nói nhất, sợ bị người đời “uýnh giá” nhất. Quả thật, lâu lắm rồi tôi mới đọc được một tập sách mà tinh thần tự giễu lại mạnh và liên tục đến như vậy. Phải chăng khi biết tự giễu, tự biếm thì con người ta cũng đang dần trưởng thành và tự hoàn thiện chính bản thân mình hơn(!)”.
Trước Đàn bà thì phù phiếm, tiến sĩ Hà Thanh Vân từng xuất bản một số tác phẩm nghiên cứu như: So sánh loại tiểu thuyết tài tử giai nhân ở các nước phương Đông thời kỳ trung đại (Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên) - NXB Khoa học xã hội, 2010; Văn học trẻ TP.HCM 1975 - 2010 - NXB Văn nghệ TP.HCM 2012 và 19 tác phẩm nghiên cứu viết chung khác.
Bình Lợi