Nữ Thủ tướng 8X của New Zealand: Đưa con đi họp tại Liên Hợp Quốc, bứt phá hình ảnh người mẹ truyền thống
Nữ Thủ tướng trẻ tuổi của New Zealand đã truyền cảm hứng cho những người mẹ khắp thế giới nhờ cách nuôi con độc nhất của mình.
Hồi tháng 9/2018, nữ Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã làm nên lịch sử khi là lãnh đạo thế giới đầu tiên đưa con gái mới sinh đến một cuộc họp chung của Liên Hợp Quốc.
Là một trong những nữ nguyên thủ quốc gia được truyền thông săn đón nhiều nhất, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho thế giới thấy rằng không gì là không thể kể cả khi bạn là một người mẹ.
Bà nhậm chức ở tuổi 37 và là một trong những nữ Thủ tướng trẻ nhất thế giới cũng như Thủ tướng trẻ nhất của đất nước trong 150 năm qua.
Trở thành nữ lãnh đạo hiếm hoi trên thế giới sinh con khi đang tại nhiệm (nếu không tính cố Nữ vương Elizabeth II, người còn lại là cố Thủ tướng Benazir Bhutto của Pakistan), Ardern đã chào đón con gái của mình, Neve Te Aroha Ardern Gayford, vào ngày 21/6/2018. Bà đã nghỉ sinh con trong 6 tuần và thậm chí còn thông báo rằng nửa kia của mình, Clarke Gayford sẽ là một người cha nội trợ.
Vào tháng 3/2019, Ardern đã có lập trường mạnh mẽ khi lên án bạo lực súng đạn trong hai vụ tấn công vào Nhà thờ Hồi giáo Christchurch cướp đi sinh mạng của gần 51 người. Và trong vòng vài ngày, bà ấy xác nhận một cuộc cải cách trong luật súng của đất nước.
Trong đại dịch COVID-19, Ardern đã nêu gương trên toàn thế giới. Bà không chỉ áp đặt các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt và phong tỏa toàn quốc mà còn tuyên bố rằng mình và nội các sẽ tự cắt giảm 20% lương do ảnh hưởng kinh tế. Bà tiếp tục tái đắc cử Thủ tướng năm 2020.
Vào tháng 1/2022, Ardern đã hủy bỏ kế hoạch tổ chức đám cưới của chính mình vì đất nước đang chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm biến chủng Omicron và bản thân bà cũng phải cách ly sau khi nhiễm virus.
Hiện, bà Jacinda Ardern đang có chuyến thăm 3 ngày (14-17/11) đến Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Từ nữ Thủ tướng trẻ nhất lịch sử đất nước...
Jacinda Ardern sinh ngày 26/7/1980 tại Thành phố Hamilton, New Zealand. Là con thứ hai trong gia đình có 2 cô con gái, Ardern trải qua những năm đầu tiên ở Murupara, một thị trấn nhỏ nổi tiếng là trung tâm hoạt động của băng đảng Maori, nơi việc nhìn thấy "những đứa trẻ không có giày dép hoặc không có gì để ăn cho bữa trưa" đã truyền cảm hứng cho bà để cuối cùng tham gia chính trị.
Cha bà - một sĩ quan thực thi pháp luật chuyên nghiệp, người sau này (2014) trở thành cao ủy của chính phủ New Zealand tại đảo Niue - đã chuyển gia đình đến Morrinsville, phía đông nam Auckland trên Đảo Bắc của New Zealand, nơi Ardern theo học tiểu học và trung học. Bà trúng tuyển vào Đại học Waikato năm 1999.
Ngay cả trước khi lấy bằng cử nhân về Nghiên cứu Truyền thông (2001), Ardern đã bắt đầu "chập chững" tham gia chính trị với Đảng Lao động New Zealand. Năm 1999, ở tuổi 19, bà gia nhập đảng và với sự giúp đỡ của một người dì, đã tham gia vào các chiến dịch tái tranh cử đầu tiên của các thành viên khác.
Sau khi tốt nghiệp, Ardern đảm nhiệm vị trí nghiên cứu cho một Nghị sĩ Lao động khác, Phil Goff. Kinh nghiệm này tiếp tục dẫn tới vị trí trong ban tham mưu của Thủ tướng Helen Clark, người phụ nữ thứ hai nắm giữ vai trò lãnh đạo New Zealand, đồng thời cũng là hình tượng anh hùng và cố vấn chính trị của Ardern sau này.
Năm 2005, Ardern bắt tay vào một "trải nghiệm ở nước ngoài", một chuyến công tác dài tới Anh, đây là một nghi thức truyền thống dành cho người trẻ thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu ở New Zealand.
Tuy nhiên, thay vì làm việc trong một quán rượu hoặc nhà kho ở London và sau đó đi du lịch khắp châu Âu như nhiều người cùng trang lứa, Ardern đã làm việc 2 năm rưỡi trong văn phòng nội các của Thủ tướng Anh Tony Blair, với tư cách là phó giám đốc của Cơ quan Điều hành Quy chế Cải thiện (Better Regulation Executive) với trách nhiệm chính là cải thiện cách thức mà chính quyền địa phương tương tác với các doanh nghiệp nhỏ.
Năm 2007, bà được bầu làm chủ tịch của Liên minh Thanh niên Xã hội Quốc tế (IUSY), một vị trí đã đưa bà tới các điểm đến như Algeria, Trung Quốc, Ấn Độ, Israel, Jordan và Lebanon.
Năm 2008, ở tuổi 28, Ardern vào Hạ viện với tư cách là thành viên trẻ nhất nhờ được chọn làm ứng cử viên của Đảng Lao động cho chức nghị sĩ của quận Waikato. Trong bài phát biểu đầu tiên của mình, bà đã kêu gọi đưa ra hướng dẫn bắt buộc bằng ngôn ngữ Māori trong các trường học ở New Zealand. Bà cũng đặc biệt quan tâm đến các vấn đề khí hậu.
Sự nghiệp chính trị của Ardern cũng không trải toàn hoa hồng. Vào các năm 2008, 2011 và 2014, bà đều thất bại trong cuộc đua vào vị trí nghị sĩ đại diện cho địa phương; 2 lần sau là trước một ngôi sao khác - Nikki Kaye, chỉ hơn bà 5 tháng tuổi.
Cuối cùng, vào năm 2017, bà trở thành lãnh đạo của Đảng Lao động sau khi lãnh đạo và phó lãnh đạo đảng này đều từ chức. Chỉ vài tháng sau khi Ardern giành vị trí lãnh đạo Đảng, sự ủng hộ dành cho Đảng này tăng chóng mặt trước khi bà đắc cử Thủ tướng và nhậm chức vào tháng 10.
Sự lạc quan lôi cuốn, sức mạnh và sự thực tế của bà đã nhanh chóng tiếp thêm năng lượng cho các cử tri - đặc biệt là phụ nữ và những người trẻ tuổi. Ardern kêu gọi giáo dục đại học miễn phí, giảm nhập cư, hợp pháp hóa việc phá thai và tạo ra các chương trình mới để xóa đói giảm nghèo ở trẻ em.
Bà cũng trở thành một biểu tượng nữ quyền sau khi trả lời câu hỏi về vấn đề sinh con ở lao động nữ. Khi được hỏi liệu các nhà tuyển dụng có quyền biết ứng viên có kế hoạch sinh con hay không, bà phát biểu:
“Đối với những phụ nữ khác, việc nói rằng phụ nữ phải trả lời câu hỏi đó tại nơi làm việc là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được trong năm 2017. Phụ nữ có quyền quyết định về thời điểm họ sinh con. Điều đó không nên là căn cứ liệu họ có được giao việc hay có cơ hội việc làm hay không”.
Tới người mẹ đưa con vào phiên họp của Liên Hợp Quốc, tạo nên lịch sử
3 tháng sau khi con chào đời, nữ Thủ tướng đã gây sốt khi đưa cô bé đến cuộc họp tại Liên Hợp Quốc hôm 23/9/2018.
Tờ Guardian đưa tin, thời điểm đó bà Ardern đã xuất hiện bên nửa kia và con gái trong Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Nelson Mandela. Bà chơi đùa với con khi chuẩn bị cho bài phát biểu trước Hội nghị.
Trong khi bạn đời phát biểu, ông Clarke Gayford bế con và cùng chăm chú quan sát trong vị trí hậu phương. Trong chuyến đi tới New York của gia đình nhỏ, ông chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc bé.
Trả lời câu hỏi so sánh giữa việc lãnh đạo đất nước và chăm con suốt chuyến bay 17 tiếng từ Today, bà cho biết “2 việc cũng khó ngang nhau” và tinh tế gửi lời xin lỗi tới các hành khách cùng chuyến bay.
Đó cũng không phải lần duy nhất cô con gái nhỏ của nữ Thủ tướng "chiếm spotlight" của mẹ. Trong một phiên livestream trên Facebook hồi tháng 11 năm ngoái để nói về việc sửa đổi các quy định hạn chế do dịch Covid-19, một tiếng nói không ai ngờ vang lên: "Mẹ ơi!".
"Con phải đi ngủ rồi chứ cưng", bà mẹ 41 tuổi quay sang, thân mật hỏi con - trước khi cô con gái tinh nghịch đáp lại không hề nao núng: "Không ạ", và trước sự bất lực được đồng cảm bởi hàng triệu bậc cha mẹ phải làm việc online trong đại dịch, bà ngượng ngùng xin lỗi mọi người trước khi dặn con đi ngủ và quay lại với công việc.
Nói về vai trò gia đình của mình, bà Ardern không quên nhắc tới nửa kia như một động lực mạnh mẽ và vững chắc để tiếp tục tiến bước cả trên chính trường.
“Tôi có người bạn đời có thể sát cánh bên tôi, nhận lấy phần lớn lao trong trách nhiệm chung, vì anh ấy cũng là phụ huynh - chứ không phải một người trông trẻ”.
Dù cuộc sống riêng tư của nữ Thủ tướng được giữ kín khỏi ánh đèn công chúng, Ardern luôn làm rõ rằng, bà chưa bao giờ hối hận khi trở thành một người mẹ tại nhiệm và thậm chí có phần tự hào về việc đó.
“Tôi có thể tham dự buổi họp báo bất thường với một chút vết dơ (trên quần áo) vì tôi sẽ không che giấu sự bất hoàn hảo của việc làm cha mẹ. Tôi không nghĩ bất cứ ai cần làm vậy”.
Chính đức tính thẳng thắn đó của Ardern có lẽ phần nào càng khiến câu chuyện của bà truyền cảm hứng cho những người mẹ trên khắp thế giới. Quan trọng hơn, bà sẵn sàng chia sẻ khía cạnh đời thực của câu chuyện ấy, không phải như một “siêu nhân” 2 vai 2 thế giới, mà đơn giản là như một người mẹ như bao người khác.
“Tôi từ chối được coi là một kiểu nữ siêu nhân nào đó vì, theo ý tôi, các nữ siêu nhân là những người có thể tự mình cáng đáng. Tôi vẫn có nửa kia, một người cha nội trợ. Tôi sẽ làm nhiều hết sức có thể, nhưng tôi có cả một ngôi làng quanh mình và có rất nhiều người không có được điều đó”.
Trong khi tất cả chúng ta đều có 24 giờ như nhau và đôi khi còn bị nhấn chìm bởi chỉ 1 vai trò duy nhất, Ardern tồn tại ở đó như một tấm gương mẫu mực cho phụ nữ trẻ rằng họ có thể mơ lớn và giữ khát vọng luôn cháy bỏng; Đúng, bạn không cần phải có tất cả, cũng không cần phải là một người phụ nữ của gia đình để được xã hội chấp nhận, nhưng nếu bạn muốn, không gì có thể ngăn bạn làm được.
Tổng hợp