Nữ nhiếp ảnh gia Khánh Phan: 'Tôi muốn những bức ảnh biết nhảy múa'
(Thethaovanhoa.vn) - Mấy năm gần đây, Khánh Phan là nữ nhiếp ảnh gia gây ấn tượng khá tốt trong giới làm nghề, vì đã chụp được những tác phẩm có cảm xúc.
Hầu hết các ảnh chụp từ drone (thiết bị bay không người lái) của chị đã được xuất bản trên các tạp chí của nhiều nước và trực tuyến. Việc chụp ảnh thể loại dailylife (đời sống thường nhật) bằng drone vốn rất khó, ngay cả ở các nước phát triển, nên các tác phẩm của Khánh Phan càng gây ấn tượng mạnh.
Trong gần 40 giải thưởng lớn nhỏ đã nhận, Khánh Phan cho biết chị xúc động nhất là khi đoạt giải ở hạng mục Travel trong Sonyworld Photography Awards 2021. Chị là nữ nhiếp ảnh gia Việt Nam đầu tiên và duy nhất - tính đến thời điểm này - thắng một hạng mục trong giải Open, nên tiểu sử đã được xuất hiện chính thức trên trang nhà của Hiệp hội Nhiếp ảnh thế giới Worldphoto.org.
Nhân Ngày phụ nữ Việt Nam (20/10), nhiếp ảnh gia Khánh Phan có cuộc trò chuyện cùng báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
* Rất nhiều ảnh chị chụp bằng công cụ drone rất đẹp. Vậy thì việc chụp bằng drone có những điều gì là thú vị, bất ngờ? Những điều gì là thách thức?
- Drone là một công cụ khác với máy ảnh cầm tay, được nhiều nhiếp ảnh gia ưa chuộng trong những năm gần đây. Với góc nhìn từ trên cao thì sẽ dễ dàng khai thác những góc nhìn lạ mắt mà bao năm qua máy ảnh cầm tay chưa có thể làm được. Ngày trước, các nhiếp ảnh gia sử dụng những cây sào dài để đưa máy ảnh lên cao, hoặc trèo lên cây, leo lên các tòa nhà để tìm kiếm những góc ảnh lạ, độc đáo.
Hiện nay drone đã giúp các nhiếp ảnh gia tiếp cận dễ dàng hơn với những góc ảnh đẹp, lạ. Tuy nhiên, chụp ảnh bằng drone có nhiều hạn chế. Những bức ảnh chụp từ drone rất khó lấy được cảm xúc của người xem, vì với góc quá cao, việc focus (tập trung) vào chủ thể rất khó, việc lấy bố cục, màu sắc cũng không dễ dàng. Các nhiếp ảnh gia phải thực sự kỹ lưỡng và kỳ công để tạo ra những bức ảnh chụp từ drone đẹp và gây được cảm xúc cho người xem.
* Nhiều phụ nữ e ngại việc tiếp xúc với kỹ thuật mới. Vậy trong các khó khăn của việc chụp bằng drone mà chị vừa nói, việc làm chủ kỹ thuật để đạt đến nghệ thuật có phải là khó nhất không?
- Trong những điều kiện ánh sáng, thời điểm và địa hình khác nhau thì việc làm chủ thiết bị là một lợi thế. Là phụ nữ, nhưng tôi đam mê công nghệ và thường tận dụng những tính năng khác nhau của máy ảnh và drone để sáng tác. Ngoài ra tôi cũng nhận làm KOL (viết tắt của "key opinion leader" - trong trường hợp này có thể hiểu là người dùng sức ảnh hưởng của mình để giúp quảng bá thương hiệu ra công chúng - PV) cho các hãng điện thoại có chức năng chụp ảnh chuyên nghiệp.
Trong nhiếp ảnh thì cảm xúc là quan trọng nhất, nên việc thể hiện được cảm xúc qua bố cục, màu sắc, ánh sáng là những ưu tiên hàng đầu. Muốn làm được điều đó thì phải nắm vững kỹ thuật để tạo ra được bức ảnh như ý.
* Ngoài ánh sáng - bố cục - khoảnh khắc, chị có quan tâm đến câu chuyện, thông điệp, nữ tính mà bức ảnh muốn chạm đến không? Tại sao?
- Tôi là một nhiếp ảnh gia du lịch, nên sẽ đi sâu vào khai thác những nét văn hóa làng nghề, lễ hội của du lịch Việt Nam. Vì vậy câu chuyện văn hóa trong bức ảnh là rất quan trọng. Tôi muốn tạo ra những bức ảnh biết nhảy múa và phát ra âm thanh, những bức ảnh biết kể chuyện. Để người xem ảnh trên thế giới muốn đến thăm Việt Nam ngay sau khi xem ảnh của tôi.
Việt Nam là một đất nước có nền văn hóa độc đáo, đa sắc màu. Con người Việt Nam cần mẫn, chăm chỉ và trân quý truyền thống tốt đẹp của dân tộc thông qua việc gìn giữ các giá trị xưa, trong đó có văn hóa làng nghề và lễ hội. Đó là cách chúng ta biết ơn tổ tiên khi đã để lại cho những di sản vô giá. Tôi muốn khoe với bạn bè thế giới về một Việt Nam xinh đẹp, một điểm đến đáng để tới ít nhất một lần trong đời.
* Nhìn từ bên ngoài, nhiếp ảnh có vẻ là công việc nhẹ nhàng, lãng mạn, nhưng thực tế thì khá nặng nhọc, phải di chuyển và xa nhà khá nhiều. Được biết chị đến với nghệ thuật rất tình cờ, vậy sao lúc ấy không chọn viết văn, vẽ tranh… để được ở nhà cho mát mẻ, mà lại chọn nhiếp ảnh, lại là ảnh chụp ngoài thực địa?
- Nhiếp ảnh chọn tôi và khiến tôi say mê, nên hầu như tôi không được chọn gì khác ngoài việc phải thật chăm chỉ với nhiếp ảnh. Đây là cái duyên mà không phải muốn là được. Có lúc, những bức ảnh cứ nhảy múa trong đầu tôi và những ước mơ bay bổng cùng nhiếp ảnh đã giúp tôi vượt lên trên nghịch cảnh. Thực hiện ước mơ, mang những đứa con tinh thần của mình vươn xa.
- Việt Nam đạt hai bằng Danh dự tại cuộc thi nhiếp ảnh FIAP 2021
- Festival Nhiếp ảnh trẻ năm 2021 có chủ đề tự do
- Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đạt giải vàng cuộc thi ảnh quốc tế TIFA
* Sau vài trăm bức ảnh đã chụp và gần 40 giải thưởng lớn nhỏ đã nhận được. Con đường mà chị dự định sẽ đi tiếp với nhiếp ảnh là gì?
- Tôi là người có tính cách linh hoạt và đam mê khám phá những điều mới lạ. Tôi không bó buộc bản thân vào một thiết bị cụ thể. Tôi sẽ tiếp tục đi đến những vùng đất mới, khám phá văn hóa làng nghề và chụp những bức ảnh mong muốn.
Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu của tôi vẫn là chăm sóc gia đình và sẽ tiếp tục xây dựng ước mơ cho riêng mình. Vinh quang trong nhiếp ảnh chỉ là động lực để giúp tôi tiếp tục đam mê, nó không định hướng đam mê của tôi. Niềm vui từ việc ghi lại những điều xinh đẹp trong cuộc sống qua nhiếp ảnh mới là quan trọng nhất. Ta thực sự không làm được điều gì lớn lao khi bản thân chưa thực sự hạnh phúc, tôi luôn nghĩ vậy.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.
Như Hà (thực hiện)