Nữ hoàng Phương Chi chọn trang phục truyền thống thi quốc tế: Dã man quá!
(Thethaovanhoa.vn) - “Dã man quá!” là những lời mà nhà nghiên cứu y phục Trần Quang Đức thốt lên khi nhìn và đọc thông tin về bộ trang phục truyền thống mà người đẹp Đặng Phạm Phương Chi sử dụng để tham gia cuộc thi Nữ hoàng Du lịch Quốc tế 2016.
- Trang phục dân tộc lố bịch xâm chiếm Hoa hậu Hoàn vũ 2015
- 10 trang phục dạ hội đẹp nhất cuộc thi Hoa hậu thế giới 2015 vướng chỉ trích
Vì sao “dã man quá”?
Mới đây, thông tin về bộ trang phục truyền thống mà người đẹp Đặng Phạm Phương Chi sử dụng để tham gia cuộc thi Nữ hoàng Du lịch Quốc tế 2016 được đăng tải trên trên một số báo mạng đã gây ra những tranh cãi về tính truyền thống của bộ trang phục này.
Chiếc áo có dáng dấp của một minijube với phần hông được làm phồng, không có tay áo, phủ bên ngoài là áo khoác lưới tay loe rộng.
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức không ác cảm gì với bộ trang phục này, lời anh thốt ra là bởi đọc những thông tin mà người làm ra bộ trang phục thuyết minh về ý tưởng thiết kế. Anh cũng không bình luận gì thêm về bộ trang phục này.
Bộ “Vương triều”(phải) Đặng Phạm Phương Chi dùng để thi Nữ hoàng Du lịch Quốc tế 2016 và bộ “Long vũ khúc” của Nguyễn Thị Loan mặc tại Miss World 2014 đều nằm trong bộ sưu tập Hoàng Gia của NTK Võ Việt Chung
Bởi đi kèm với hình ảnh về Phương Chi và chiếc áo là phần chia sẻ trên trang Zing.vn, nhà thiết kế Võ Việt Chung, người đã làm ra bộ trang phục này: “Theo chia sẻ của nhà thiết kế, Vương triều là hình ảnh về vẻ đẹp sang trọng và vương giả còn lưu lại về một thời hoàng kim của lịch sử, giữa những quyền uy vẫn lưu lại sự mơ mộng như những câu chuyện kể về nơi này. Võ Việt Chung cho biết sự kết hợp này bắt nguồn từ những thời kỳ hưng thịnh của các vương triều, những cảm hứng từ kiến trúc và hoa văn… Đó là phong cách baroque xứ Sicily khảm đá quý tạo thành họa tiết trên nền vải dệt hoa văn, là hình ảnh cúc đại đóa trên chiếc áo thường triều của vua Khải Định”.
Rất tình cờ, một thiết kế khác của nhà thiết kế này cho người đẹp Nguyễn Thị Loan đi thiMiss World 2014 cũng có chiếc áo khoác lưới không khác áo khoác lưới của bộ Vương triều nói trên. Và nó được gọi tên là Long vũ khúc.
Chia sẻ về chiếc Long vũ khúc hồi đó, nhà thiết kế Võ Việt Chung cũng nói rất hoa văn, rằng: “Bộ áo dài này là câu chuyện kể về cội nguồn, về những triều đại phong kiến Việt Nam và những nét đẹp tồn tại vĩnh cửu qua mấy nghìn năm lịch sử dân tộc. Hai màu đỏ - vàng là màu trên quốc kỳ Việt Nam, còn chiếc áo lưới choàng ngoài thường được mặc trong những nghi thức long trọng ở cung đình xưa”.
Và chia sẻ của Võ Việt Chung
Hỏi Võ Việt Chung về tính truyền thống và sự giống nhau của 2 chiếc áo khoác lưới trong 2 bộ trang phục này, anh cho biết: “Áo khoác lưới được làm bằng chất liệu độc quyền chỉ tôi mới có, tôi đặt làm riêng ở Ấn Độ. Lưới này được dệt bằng vàng, rất quý và hiếm nên tôi sử dụng lại khi thực hiện các mẫu trang phục. Mặt khác, trang phục của Phương Chi nằm trong bộ sưu tập Hoàng gia mà tôi đã mang đi trình diễn tại Mỹ.
Đây là trang phục hiện đại có kết hợp với yếu tố truyền thống chứ tôi không gọi đó là trang phục truyền thống. Tôi cũng nghĩ rằng các người đẹp đi thi cũng nên sử dụng các bộ trang phục hiện đại kết hợp với truyền thống chứ đừng cứ chỉ áo dài cho khỏi nhàm chán”.
Những tranh cãi về tính truyền thống trong các bộ trang phục truyền thống của các người đẹp ở những cuộc thi sắc đẹp không chỉ diễn ra ở Việt Nam, với trang phục truyền thống của người Việt Nam. Mỗi cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ diễn ra, cư dân các nước trên thế giới đều tranh luận về trang phục của người đại diện dân tộc họ.
Phạm Hương tại Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2015
Mới nhất, tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2015, trang phục của các hoa hậu Venezuela, Malaysia, Guyana cũng bị chỉ trích ngay sau khi xuất hiện hình ảnh trên một số trang báo. Hoa hậu Phạm Hương của Việt Nam cũng không tránh được dị nghị khi mặc bộ áo dài với chiếc mũ dát vàng nặng chịch.
Hoa hậu đến từ Nhật Bản, đất nước có bề dày về văn hóa, sự chỉn chu đỉnh cao và cũng là nền thời trang phát triển bậc nhất, mà cũng không tránh được chỉ trích khi mang đến cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2009 bộ trang phục mà theo dư luận thì có kiểu dáng thô tục, “giống như váy áo của gái ở bar rẻ tiền”. Phản ứng dữ dội của dư luận đã khiến Hoa hậu Hoàn vũ Nhật Bản Emiri Miyasaka năm đó cùng ê-kíp phải chỉnh sửa lại bộ váy áo.
Thiết nghĩ, các người đẹp Việt khi chọn váy áo đi thi quốc tế cứ tự nhiên chọn những thứ họ thấy phù hợp. Các nhà thiết kế cũng vậy, họ cứ việc sáng tạo những bộ trang phục bay bổng cho người đẹp đi thi. Nhưng xin đừng khoác lên các bộ cánh đó những lời thuyết minh quá hoa mỹ về tính truyền thống hay dân tộc. Bởi việc đi tìm cho đúng tính truyền thống, dân tộc của những bộ trang phục Việt vẫn chưa bao giờ có hồi kết và còn rất nhiều sự tranh cãi ngay trong cả giới nghiên cứu.
Dương Vân Anh
Thể thao & Văn hóa