Nữ doanh nhân tưởng mẫu mực hóa siêu lừa: Bỏ túi 7.500 tỷ đồng nhờ đánh trúng 2 đối tượng, hơn 6.000 nạn nhân 'dính bẫy' suốt chục năm
Được yêu mến với sự nghiệp vừa làm bác sĩ, vừa làm doanh nhân chăm chỉ từ thiện nhưng người phụ nữ này lại khiến nhiều người mất đến cả chục tỷ đồng vì những mánh khoé tinh vi.
Câu chuyện về nữ doanh nhân lừng danh một thời ở Trung Quốc Tiêu Anh Hà đến nay vẫn luôn được nhắc đến, nhưng không còn gắn với danh xưng mỹ miều như “Ngôi sao doanh nhân”, “Lãnh đạo hàng đầu” nữa mà là một kẻ lừa đảo.
Làm thế nào mà Tiêu Anh Hà, người sinh ra trong gia đình có truyền thống y học cổ truyền lại có thể lừa 6.000 người số tiền 2,2 tỷ NDT (~7.500 tỷ đồng) trong suốt chục năm mà không bị ai nghi ngờ?
Bỏ nghề Y khởi nghiệp
Tiêu Anh Hà sinh năm 1952, có cha là thầy thuốc y học cổ truyền nổi tiếng. Tiêu Anh Hà thừa hưởng tài năng từ cha mẹ, 25 tuổi đã được thăng chức làm y tá trưởng ở bệnh viện, 13 năm sau trở thành Chủ tịch liên đoàn lao động bệnh viện. Tốc độ thăng tiến và danh hiệu trong sự nghiệp đều vượt xa các đồng nghiệp.
Năm 40 tuổi, người phụ nữ này ghi danh vào Đại học Y học cổ truyền Trung Quốc Hắc Long Giang và trở thành sinh viên lớn tuổi nhất trong lớp. Tốt nghiệp xong, Tiêu Anh Hà trở thành bác sĩ. Chồng Tiêu Anh Hà cũng là bác sĩ dạ dày nổi tiếng. Con đường sự nghiệp 2 vợ chồng đều là ao ước của nhiều người.
Chân dung Tiêu Anh Hà. Ảnh: Toutiao
Năm 1998, Tiêu Anh Hà bất ngờ từ bỏ công việc ổn định trong ngành Y trong sự ngỡ ngàng của mọi người để thành lập Công ty TNHH công nghiệp Anh Hà Cáp Nhĩ Tân, tập trung nghiên cứu và phát triển thực phẩm hữu cơ tốt cho sức khoẻ.
Là người có đầu óc kinh doanh, Tiêu Anh Hà nắm bắt được thị trường ngách, những hướng đi mới nhưng đầy triển vọng, tích cực đầu tư về mọi mặt nên công việc kinh doanh ngày càng khởi sắc. Tiêu Anh Hà còn tham gia các hoạt động từ thiện, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ công chúng.
Người phụ nữ này xây dựng thành công hình tượng ngôi sao trong ngành, có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội với câu chuyện khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng truyền cảm hứng. Tiêu Anh Hà giành nhiều giải thưởng cấp tỉnh và cấp quốc gia, danh tiếng của công ty cũng từng trở thành niềm tự hào của cả tỉnh Hắc Long Giang. Cả gia đình Tiêu Tiêu Anh Hà đều tham gia vào bộ máy công ty, ngày càng giàu có và nâng cao cả địa vị xã hội của họ.
Lừa đảo thành công chỉ nhờ đánh trúng tâm lý nhà đầu tư muốn giàu nhanh
Năm 2009, vầng hào quang của Tiêu Anh Hà cuối cùng cũng biến mất khi người phụ nữ này bị bắt giam vì gây quỹ bất hợp pháp. Số lượng nạn nhân ở riêng Cáp Nhĩ Tân đã lên đến hơn 6.500 người, với tổng số tiền là 2,2 tỷ NDT.
Việc lừa đảo của Tiêu Anh Hà đã bắt đầu từ khi người phụ nữ này tăng vốn điều lệ từ 2 triệu NDT lên 37 triệu NDT rồi lại 85 triệu NDT để kêu gọi đầu tư. Tiêu Anh Hà còn làm sai lệch dữ liệu bán hàng để tạo doanh số bán hàng ảo, khiến nhà đầu tư nôn nóng “rót tiền”, mua cổ phiếu. Cùng với đó là việc quảng bá sản phẩm rầm rộ qua TV, tạp chí nhằm phủ sóng thương hiệu.
Trên thực tế, không có sản phẩm nào của công ty Tiêu Anh Hà sinh lãi, ngay cả những sản phẩm mang lại lợi nhuận cao cũng đơn giản là không tồn tại. Những bài phát biểu hùng hồn trước công chúng về trách nhiệm của công ty với xã hội, câu chuyện kinh doanh hay ưu điểm sản phẩm vượt trội của sản phẩm hữu cơ của Tiêu Anh Hà thực chất đều là dối trá.
Từ khi bắt đầu kinh doanh, Tiêu Anh Hà đã áp dụng 10 cách gây quỹ bất hợp pháp khác nhau nhưng có chung bản chất: hứa hẹn lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư và trả phí giới thiệu cao sau khi nhà đầu tư giới thiệu khách hàng mới thành công.
Hai đối tượng Tiêu Anh Hà nhắm tới là những người phụ nữ trung niên vốn quan tâm đến các sản phẩm sức khoẻ nhưng dễ bị lừa, không có ý thức phòng bị và người trẻ. Họ đều có chung mong muốn làm giàu nhanh, muốn có tiền trong chốc lát đã bị hình tượng doanh nhân mẫu mực của Tiêu Anh Hà và món hời được quảng cáo “đầu tư ít, lãi cao” làm mờ mắt.
(Ảnh minh hoạ)
Tiêu Anh Hà còn thành lập 1 công ty ở Mỹ, chuyển tiền qua bên thứ 3, sau đó lấy danh nghĩa công ty Mỹ rót tiền trở lại để trở thành “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”. Khi các nhà đầu tư kéo đến đòi hoàn tiền thì nhân viên phụ trách lễ tân của công ty vẫn rao giảng rằng công ty đang bàn bạc hợp tác đầu tư dự án với Úc.
Vụ lừa đảo của Công ty Anh Hà thực chất là một kiểu Ponzi điển hình (tên gọi của một kiểu mô hình đa cấp dùng tiền của người đến sau để trả lãi suất cao cho người đến trước). Có người đã mất 12 triệu NDT đầu tư vào công ty của Tiêu Anh Hà. Nhiều người ví cám dỗ do công ty Tiêu Anh Hà dựng lên giống như một chiếc lưới đánh cá khổng lồ, mà thứ dễ khiến các nạn nhân sa bẫy nhất chỉ đơn giản là sự thiếu hiểu biết và lợi nhuận cao.