Nữ cầu thủ Việt Nam: Mơ ước hạnh phúc và gánh nặng áo cơm
Không phải cầu thủ nữ nào cũng may mắn có được một gia đình yên ấm, hạnh phúc, nhưng cũng không ít nữ tuyển thủ sau khi sinh con vẫn trở lại bóng đá để duy trì kinh tế, nuôi con.
Hạnh phúc mong manh
Năm 2018, đội nữ Sơn La không thể tìm được nhà tài trợ để tiếp tục duy trì đội bóng. Những nữ cầu thủ được phép ra đi tìm cho mình một bến đỗ mới, về làm công nhân hoặc đi lấy chồng. Thế nhưng, chuyện “đang thi đấu thì có em xin về nhà để lấy chồng” tưởng chừng dễ mà lại khó.
Sau 3 năm, thế hệ cầu thủ nữ ấy chỉ mới vài người lấy chồng, số còn lại đi học, về nhà tìm công việc, chuyển sang Hà Nam thi đấu.
Chuyện lấy chồng tưởng chừng là dễ dàng với các cô gái ấy sau sự nghiệp quần đùi áo số tưởng chừng dễ mà lại cực kỳ khó: “Anh tưởng lấy được chồng mà dễ dâu, đá bóng xong về đen nhẻm, tóc tai như đàn ông, ai lấy”.
Quả thực nếu nhìn lại bóng đá nữ thời điểm hiện tại, chuyện cầu thủ nữ lập gia đình không phải chuyện hiếm, nhưng số lượng “ế” cũng tương đối nhiều. Thậm chí, một số HLV ở bóng đá nữ cấp CLB hay đội tuyển quốc gia cũng sắp bước sang tuổi 40 vẫn trong tình trạng “chưa có người yêu”.
Không phải ai cũng may mắn có được một gia đình hạnh phúc sau khi giải nghệ như những nữ tuyển thủ Vũ Thị Thúy, Vũ Thị Nhung, Nguyễn Thị Xuyến, Trần Thị Hồng Nhung… Hay nói cách khác, việc lập gia đình, có một người chồng yêu thương chăm sóc, vài mụn con là tấm HCV quý giá nhất mà cầu thủ nữ mong muốn đạt được.
Một nữ tuyển thủ sau khi giải nghệ lấy chồng chia sẻ: “Em và chồng quen nhau từ mấy năm rồi nhưng suy nghĩ mãi về chuyện lập gia đình. Sau khi SEA Games kết thúc em mới quyết định nghỉ và làm đám cưới. Khi đưa ra quyết định giải nghệ em cũng buồn vì phải xa đồng đội, bạn bè, thầy cô từng gắn bó với mình trong suốt ngần ấy năm bóng đá.
Nhưng suy cho cùng, hạnh phúc gia đình vẫn là trên hết. Đến khi có con, mọi việc dều phải tạm gác lại, tập trung hết vào chăm lo, nuôi nấng cho con. Lúc đó, bóng đá chỉ còn là phụ. Gia đình mới là tất cả. Được chăm sóc con mỗi ngày, được chơi đùa, vui vẻ bên con, bên chồng là hạnh phúc lớn nhất”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng được nếm trải hạnh phúc của việc lập gia đình. Có những nữ cầu thủ sau khi giải nghệ, chuyển sang làm công tác huấn luyện vẫn đau đáu về một mái nhà hạnh phúc.
“Nhiều khi cũng không muốn về nhà ở quê bởi về nhà là bố mẹ giục lấy chồng đi. Nhưng chồng ở đâu để lấy thì bố mẹ không nói.
Cũng có nhiều mối quan hệ, cũng thử mở lòng mình ra lắm nhưng cũng không ai để ý cả nên chắc có lẽ thế nên bây giờ mới vẫn chưa có người yêu”, một HLV nữ chia sẻ.
Hạnh phúc, gia đình, chồng con tưởng chừng như là thứ có thể dễ dàng tìm kiếm nhưng lại là thách thức không hề nhỏ cho những cô gái “quần đùi áo số”.
Nhưng rồi lập gia đình xong, họ làm gì để duy trì kinh tế gia đình, tài chính đâu để nuôi con…? Vô số câu hỏi lại tiếp tục đặt ra và thử thách hạnh phúc của những nữ cầu thủ: “Nghỉ ngang sự nghiệp cầu thủ thành ra nhiều cái phải hy sinh, không bằng cấp, không nghề nghiệp. Coi như mọi thứ lại bắt đầu lại từ đầu”.
Thậm chí, có nữ tuyển thủ, sau khi lấy chồng muốn quay trở lại bóng đá bị chồng và gia đình phản đối. Họ chấp nhận hy sinh cuộc sống gia đình để được là chính mình, được khoác lên bộ quần áo quen thuộc, đem lại vinh quang về cho đất nước, nhưng đổi lại, có khi họ phải gánh chịu vô số thiệt thòi.
Trở lại bóng đá cũng là một lựa chọn về kinh tế
SEA Games 31 chứng kiến sự trở lại của tuyển thủ nữ futsal Đỗ Thị Nguyên (Hà Nam). Cầu thủ sinh năm 1993 sở hữu thể hình cao lớn thuộc biên chế CLB Phong Phú Hà Nam vừa có quãng thời gian nghỉ lập gia đình và sinh con. Đó không phải là trường hợp duy nhất của bóng đá Việt Nam.
Trước đây, tại AFF Cup và SEA Games 2019, bóng đá nữ Việt Nam cũng từng chứng kiến “nữ hoàng tốc độ” bên hành lang cánh phải Vũ Thị Nhung trở lại sau quãng thời gian dài nghỉ để làm nhiệm vụ của một người mẹ, người vợ. Gần đây nhất là sự trở lại của tiền vệ Phạm Hoàng Quỳnh.
Để có quyết định ấy, các nữ tuyển thủ phải đấu tranh bản thân rất nhiều: “Em cũng đắn đo muốn trở lại với bóng đá lắm, nhưng phải đấu tranh tư tưởng để chọn lựa giữa việc xa gia đình, xa chồng con. Rồi khi quay lại có còn được như trước không, tập luyện ra sao, phong độ chắc chắn không được như trước kia.
Chưa kể, đi thi đấu thì hàng tháng trời tập huấn, đá giải xa nhà. Hồi còn chưa có gia đình thì còn được chứ nghĩ đến cảnh con ốm mà mình lại không thể về được lúc đó buồn và sợ lắm. Đó là rào cản lớn nhất mà em không thể nào vượt qua để quay trở lại với bóng đá”.
Thế nhưng, với không ít cầu thủ nữ, trở lại với bóng đá là con đường để tiếp tục duy trì tài chính, có thêm tiền phụ chồng nuôi dưỡng con cái: “Đôi khi cuộc sống sau hôn nhân, sau giải nghệ khó khăn lắm. Nó không phải là màu hồng chỉ 1 túp lều tranh, 2 trái tim vàng như mọi người vẫn thường nghĩ.
Lúc lấy chồng xong công việc chưa ổn định. Sinh con xong kinh tế gia đình phát sinh nhiều khoản hơn, quay lại với bóng đá cũng là một giải pháp. Quay lại đá có giải, có tiền thưởng cũng để trang trải thêm cho cuộc sống gia đình, phụ chồng nuôi con, nhưng đổi lại là xa nhà, xa con và nhiều thứ chẳng nói trước được gì”.
Nếu không trở lại với bóng đá, nhiều cầu thủ nữ rơi vào cảnh chẳng biết làm gì. Không phải ai cũng may mắn có được sự chia sẻ từ chồng, gia đình, bạn bè.
Sau cùng họ vẫn phải vươn lên, tìm cho mình một hướng đi khác, miễn sao có thêm tài chính, kinh tế để cho con cái bằng bạn bằng bè: “Em thì vẫn hơi bấp bênh về kinh tế một chút, nhưng hiện tại em thấy hài lòng khi có một người chồng yêu thương và chăm sóc cho em. Hài lòng khi cậu con trai lớn lên từng ngày, khỏe mạnh, được bố mẹ yêu thương. Thế nên em chưa có ý định sẽ trở lại với bóng đá, ít nhất là vào thời điểm này”.
Hạnh phúc với những cô gái “quần đùi áo số” đôi khi chỉ đơn giản vậy thôi. Họ có thể sẽ trở lại với bóng đá vì đam mê, vì kinh tế bắt buộc, hay vì nhiều lý do khác nhưng có một thứ nếu đã có được họ sẽ giữ thật chặt. Đó là hạnh phúc gia đình. Họ chấp nhận hy sinh đam mê, sự nghiệp vì nó.
Lý do là bởi hạnh phúc là thứ mong manh và đôi khi là rất khó có được đối với họ. Không phải ai cũng may mắn tìm được người mình yêu, được chiều chuộng, có được một gia đình hạnh phúc: “Bóng đá với em là đam mê, nhưng suy cho cùng, hạnh phúc gia đình mới là tất cả”.
Thanh Nhã