Nữ biên kịch Reni Nguyễn: 'Trong đại dịch, trái tim luôn chịu thử thách khốc liệt nhất'
(Thethaovanhoa.vn) - Là câu chuyện xuyên suốt và sâu lắng về tình người trong bối cảnh Covid-19, kịch bản phim Bản mệnh thiên thần (15 tập) của Reni Nguyễn đang được đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chuẩn bị bấm máy, dự kiến công chiếu trong năm 2022.
Chia sẻ cùng Thể thao và Văn hóa (TTXVN), nữ biên kịch Reni Nguyễn nói: “Khi viết kịch bản phim truyện hoặc kịch bản chương trình truyền hình, các ý tưởng đến với tôi thường là tình cờ, hoặc là do mình dành nhiều thời gian trải nghiệm. Đề tài phim về bối cảnh Covid-19 lại rất khác, nó như có sức nặng thôi thúc mình chấp bút ngay từ Tết Nguyên đán 2020 với việc chỉnh sửa, bổ sung, thu thập tài liệu liên tục trong hơn 500 ngày qua”.
*Nghĩa là kịch bản về Covid-19 này đã được phát triển từ một ý tưởng có rất sớm?
- Năm 2019 - 2020 tôi có 2 kịch bản thuyết trình tại workshop Script to Screen film, chủ trì bởi Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) và Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA), cùng Autumn Meeting thực hiện. Trong đó, kịch bản của năm 2020 mang tên Mission 2020 (Sứ mệnh 2020), nói về Covid-19. Khi chấp bút viết, tôi nghĩ dịch bệnh này chỉ tồn tại trong năm 2020, không ngờ đến năm 2021 thì thật sự trở thành đại dịch.
Tôi bị cuốn hút với việc kểnhững lát cắt cuộc sống được xâu chuỗi với nhau qua đại dịch, điểm chung là “âm thầm” và “bất ngờ”. Dự án phim Bản mệnh thiên thần của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh sẽ là câu chuyện nhiều góc nhìn và đầy bất ngờ hơn ý tưởng ban đầu trong Mission 2020.
Lúc chấp bút đến khi hoàn thành bản thảo đầu tiên, người viết, đạo diễn cùng tổ chế tác làm việc trực tuyến. Người quanh quẩn trong khu vùng đỏ, vùng cam; người làm tình nguyện viên; người trải qua cảm giác nhiễm Covid-19 là thế nào… đều có đủ cả. Chúng tôi chia sẻ câu chuyện mình chứng kiến và cảm nhận. Nếu không có “độ lùi” trong sản xuất phim, thì không có cơ hội chính mình trải qua những ngày tháng đi vào lịch sử này.
* Câu chuyện phim được kể lại thông qua hồi ức của một nhân vật chuyển hàng, người từng chuyển tro cốt của nạn nhân đại dịch về với vòng tay người thân. Nếu bỏ qua tính thời sự và sự kiện, phim sẽ khai thác, khám phá những điều gì?
- Phim thuộc thể loại tâm lý xã hội, không khai thác sâu về chuyên môn y khoa, mà tái hiện những câu chuyện trong cuộc chiến chống Covid-19. Có 3 yếu tố mà nghệ thuật ưu ái vô cùng, hầu như luôn có mặt, đó là sự sống và cái chết, tình yêu, thiên nhiên. Bởi lẽ đó là “cái cốt” tác động đến tâm tư và mộng tưởng của trái tim. Biết đâu trong phim này, thiên nhiên cũng là một nhân vật chính.
Băn khoăn giữa sự sống và cái chết cũng là câu hỏi mà phim muốn khám phá. Thanh niên và người có tuổi, cùng một câu hỏi này sẽ có nhiều giải đáp khác nhau, cộng với trải nghiệm và tính cách khác nhau dẫn đến hành động khác nhau. Sẽ rất thú vị nếu ta kết nối họ với nhau trong cùng mộtbộ phim.
* Vậy thì những tình huống khốc liệt của phim có phải là ranh giới giữa sự sống và cái chết, giữa bão thông tin và nỗ lực vượt qua bất ổn tâm sinh lý để hồi sinh?
- Không phải. Chỉ trái tim bị đem ra thử thách mới là tình huống khốc liệt nhất. Ví như cô bé mang theo chú chim cưng vào phòng máy lạnh, chú chim thoát khỏi lồng rồi bay loạn xạ, đập vào cánh cửa. Đó là một tình huống khốc liệt. Hay như một thai phụ, vừa đi làm mỗi ngày, vừa muốn bảo vệ cho em bé lớn dần trong bụng. Bác sĩ không chỉ phẫu thuật kê đơn, mà còn rất để tâm cổ vũ tinh thần của bệnh nhân. Người bệnh thích đoán già đoán non tâm trạng của bác sĩ… Các ý nghĩa này thể hiện trong phim Bản mệnh thiên thần.
Trong phim, các nhân vật kể về những ngày khởi đầu khi họ đối mặt với virus viêm phổi chưa được đặt tên. Tình huống mỗi phút giây nhận cập nhật mới của thế giới về diễn biến dịch, phát hiện của con người về virus và hành động để tạm biệt nó, đó là “bão thông tin”, cần trí tuệ và sự quả cảm để xử lý. “Trời ơi, SARS đã quay lại!” là một câu cảm thán của nhân vật trong phim. Nhưng tình huống nhân vật trải qua thì hoàn toàn mới.
* Còn những tình huống nào sẽ tạo nên những lát cắt về sự đồng cảm, hy sinh?
- Hồi còn nhỏ, những năm đầu 1990, khi nghe tiếng pháo Giao thừa, bà ngoại hối mẹ đưa tôi từ trên gác xuống dưới đất cho an toàn, dù mẹ nói “chỉ là pháo bông thôi mà”. Tôi nhớ đến bà khi viết kịch bản này, tưởng tượng nếu bà còn sống, chứng kiến đại dịch này, thì sẽ phản ứng thế nào. Sự ám ảnh và tính cố hữu trong mỗi người đều có lý do/câu chuyện của nó.
Trong hẻm, những ngày giãn cách xã hội, tâm trạng các ông bà hàng xóm thay đổi theo từng buổi. Buổi sáng thờ ơ, buổi chiều lại sốt vó như lúc tin vào lời đồn sự cố máy tính Y2K năm 2000 vậy. Trong Bản mệnh thiên thần, tình thương - sự lắng nghe là sợi dây kết nối giữacác thế hệ, dẫu cách biệt vài thập niên, tạo nên nỗi niềm đồng cảm, hy sinh.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
Học đạo diễn nhưng đang hành nghề biên kịch Reni Nguyễn tên trong giấy tờ là Nguyễn Thị Lan Chi, học đạo diễn điện ảnh - truyền hình tại Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM.Từng sản xuất chương trình truyền hình, quảng cáo, viết chương trình tại kênh Let’s Viet trong các năm 2016 đến 2018. Đồng tác giả kịch bản phim truyền hình Sao đổi ngôi (31 tập) và phim điện ảnh Trạng Quỳnh. Tác giả kịch bản chuỗi phim ngắn Sống để yêu thương và các chương trình truyền hình như Khi trái bóng lăn, Món quà bất ngờ… Đồng tác giả cuốn du ký Khơi lửa sông Nile (2020). |
Như Hà (thực hiện)