NTK Nguyễn Tiến Doãn: Y phục phải thể hiện văn hóa thương hiệu
Thể thao & Văn hóa đã trò chuyện với NTK Nguyễn Tiến Doãn, người từng đảm nhận vai trò giám đốc sáng tạo nhiều dự án về nhận diện thương hiệu bằng y phục.
NTK Tiến Doãn chia sẻ việc thiết kế đồng phục cho một hãng hàng không quốc gia phức tạp hơn nhiều, chứ không chỉ đơn thuần là chuyện trang phục đó xấu hay đẹp.
* Đối với trang phục Áo dài - nhận diện thương hiệu Vietnam Airlines đang "nóng", ý kiến của anh thế nào?
- Vì tôi chưa được chạm vào y phục đó nên rất khó đánh giá cụ thể. Tuy nhiên có một điểm tôi chưa hiểu là tại sao lại phân biệt tiếp viên phục vụ khách thương gia mặc áo vàng, tiếp viên phục vụ hành khách phổ thông mặc áo xanh. Thay vì thế, tại sao không thiết kế một màu áo dành riêng cho tiếp viên trưởng – người chịu trách nhiệm các vấn đề giải quyết các khiếu nại của chuyến bay, để hành khách dễ nhận diện hơn?
Nói về đồng phục cho một thương hiệu nào đó thì đầu tiên phải thỏa mãn được câu hỏi: Chúng tôi là ai? Chúng tôi từ đâu đến? Chúng tôi như thế nào? Chúng tôi có mặt tại đây/ thời điểm này để làm cái gì? Bên cạnh đó quan trọng nhất là người sử dụng y phục có chung một tư duy: chúng ta là một tập thể.
Loại trang phục này theo tôi đầu tiên phải kết hợp ít nhiều yếu tố truyền thống, văn hóa riêng của chính thương hiệu đó nhưng phải có khuynh hướng hiện đại. Nó phải mang yếu tố văn hóa đặc trưng của Việt Nam, không trùng lắp hay tương tự bất kỳ quốc gia nào, một thương hiệu nào cùng ngành hoặc một thương hiệu nào đó lân cận, ngay cả nét đồng dạng thì cũng tránh. Phải để y phục thở cùng hơi thở với văn hóa thương hiệu thì y phục đó mới có cảm xúc…
* Đối với ngành hàng không thì y phục chuyên dụng khác biệt với các ngành khác như thế nào? Khi thiết kế trang phục này điều quan trọng nhất là gì?
- Hình ảnh một tiếp viên hàng không khác hoàn toàn với một hình ảnh một cán bộ ngân hàng, và hình ảnh một cán bộ ngân hàng khác hoàn toàn với một nhân viên bán hàng. Văn hóa tại môi trường làm việc khác nhau dẫn đến tính cách y phục phải khác nhau.
Người làm trang phục cho thương hiệu đó sẽ phải hiểu về tổ chức, về con người nơi đó, hiểu rõ khát vọng, mong muốn của những nhà hoạch định chiến lược của doanh nghiệp, tổ chức đó. Ví dụ người ta muốn xây dựng hình ảnh người đàn ông, người phụ nữ của Vietnam Airlines như thế nào. Khi trả lời câu hỏi đó thành thật nhất thì sẽ được một hình tượng mẫu, dựa vào hình mẫu này sẽ có được khung đường nét của y phục.
* Một bộ y phục như thế nào được cho là đúng và đẹp?
- Thỏa mãn hết tất cả hoặc càng nhiều càng tốt về văn hóa thương hiệu và tất nhiên rằng văn hóa thương hiệu đó không thể nào nhảy ra khỏi văn hóa địa phương, hay quốc gia mà thương hiệu đó sinh ra.
* Có nhiều người cho rằng màu sắc của bộ đồng phục mới của Vietnam Airlines hơi nhạt nhòa. Ý kiến của anh thế nào?
- Màu sắc trên y phục phải đủ sức mạnh để gọi, nhận diện ra nhau từ xa, và không nhầm lẫn, nhạt nhòa trong một không gian rộng. Đủ ấm để tạo thân thiện, đủ hãnh diện khi người dùng nó, đủ khích lệ cho người dùng để hoàn thành nhiệm vụ. Đủ để nhớ là một điều rất cần thiết.
Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa