NSƯT Trần Ly Ly: 'Làm nghệ thuật, mỗi cá nhân đều phải đi trước'
Ngày 30/6 tới đây, Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2021 (đợt II - đang diễn ra tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) sẽ kết thúc. Và theo chia sẻ của Trưởng ban tổ chức Liên hoan, NSƯT Trần Ly Ly (Quyền Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn), đợt Liên hoan này đã cho thấy những tín hiệu tích cực về chất lượng, cũng như khát vọng làm nghề, của các nghệ sĩ trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa diễn ra.
Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với NSƯT Trần Ly Ly:
* Chị từng chia sẻ rằng mặc dù chúng ta đang trở lại cuộc sống bình thường mới nhưng những khó khăn vẫn còn đó. Vậy không biết, khi tham gia vào Liên hoan năm nay, các đoàn nghệ thuật có gặp những trở ngại gì không?
- Tất nhiên là có chứ. 2 năm dịch vừa qua cũng là thời gian chúng ta được nhìn lại các đoàn nghệ thuật và thấy rằng họ gặp nhiều khó khăn trong làm nghề khi không được đi đâu, không được lên sân khấu biểu diễn. Bản thân các đoàn cũng có nhiều khó khăn khi nguồn thu từ đầu tư rất ít và ngân sách của các tỉnh cũng bị hạn chế do cả nước đều tập trung vào dịch bệnh.
Tuy nhiên, có đến Liên hoan mới thấy, khát khao của những người nghệ sĩ với nghề “bùng cháy” như thế nào. Họ mong muốn được gặp nhau, thể hiện và học hỏi.
Vì thế, con số 22 đoàn tham gia trong đợt 2 cũng là một con số thể hiện được tinh thần nỗ lực của các đơn vị, là một tín hiệu đáng mừng tác động mạnh mẽ trong việc kích cầu nghệ thuật biểu diễn, du lịch cũng như phát triển văn hóa chính trị xã hội.
* Là thành viên trong ban chỉ đạo và là Trưởng ban tổ chức Liên hoan đợt 2, chị đã có những yêu cầu như thế nào đối với các đoàn tham gia lần này?
- Đó là yêu cầu về chất lượng cao, có hướng đi phù hợp với từng đoàn của địa phương và đạt đến độ khó nhất định của nghề. Bởi, đây là cuộc thi của các đoàn chuyên nghiệp, không phải ở các đơn vị văn hóa cơ sở.
Tinh thần chuyên nghiệp hóa cao là điều kiện và cũng là đích đến để các đoàn cân nhắc tạo ra những sản phẩm có giá trị nghệ thuật mà trong đó chứa đựng và bao hàm giá trị tư tưởng nhưng cách thể hiện, nghệ thuật thể hiện phải đạt độ khó.
* Vậy chị đánh giá chất lượng của các đoàn như thế nào?
- Tôi cũng đã nhìn thấy một số đơn vị đảm bảo được chất lượng cao theo tiêu chí trên, như sự tham gia Liên hoan của 2 nhà hát là Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam và Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM.
Đây là 2 đơn vị đều tham gia ở hạng mục mới mở ra ở Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2021 đợt 1, là mảng nhạc vũ kịch và thanh xướng kịch. Để có được hạng mục mới này, các nghệ sĩ cũng đã phải đấu tranh rất nhiều vì trước đó, những nghệ sĩ trong lĩnh vực này làm nghề mà không được trao đổi, không được công nhận.
Vì thế, tiếp nối sự ra đời của hạng mục này từ đợt 1, đợt 2 các đoàn tiếp tục đem đến những phần trình diễn chất lượng, độ khó trong yêu cầu chuyên môn đã được đẩy lên tầm cao hơn. Và đây cũng chính là điểm mới có thể thấy trong suốt Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2021.
* Cũng qua kỳ liên hoan này, vừa ở vai trò nhà quản lý, vừa ở vị trí của một nghệ sĩ, chị có những đúc rút như thế nào cho mình?
- Trước hết, ở vai trò nào tôi cũng thấy sự kiện đã phản ánh được những khát khao mong muốn làm nghề của các anh chị em nghệ sĩ.
Ở góc nhìn của người làm nghề, tôi thấy Liên hoan vui như hội vậy. Chúng tôi đến đây để xem nhau, nhìn ngó nhau, đánh giá và công nhận nhau. Tất nhiên, như vậy vẫn chưa đủ nên chúng tôi mong muốn sẽ có thêm những hội nghị, hội thảo trong các cuộc liên hoan tiếp theo để các ngành nghề liên quan có thêm cơ sở đánh giá về mình.
Về phía quản lý Nhà nước, vai trò của chúng tôi là phải nhìn được bức tranh tổng thể về các đoàn nghệ thuật, từ địa phương đến trung ương; nhận định cách tiếp cận các loại hình nghệ thuật cũng như định hướng của từng đoàn có phù hợp với địa phương của từng đoàn, có cần hỗ trợ gì không?
Cũng trong góc nhìn ấy, chúng tôi phải nhìn ra việc bồi dưỡng, quan tâm đến các đơn vị ra sao để nâng cao đời sống cũng như trình độ về nghệ thuật của các đoàn. Bên cạnh đó, là việc rà soát đội ngũ xem nguồn đang có, có hợp lý không, đầu ra, đầu vào như thế nào.
Phải nói rằng đây là bức tranh rất rộng mà các nhà quản lý ngành phải nắm bắt được để sau này có thể xây dựng được bản đồ nghệ thuật, xây dựng nền công nghiệp văn hóa từ các sự kiện này.
- Khai mạc Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc năm 2021 đợt 2
- Hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên tham gia Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc 2021 (Đợt 2)
- Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc 2021: NSƯT Tấn Minh, Trần Ly Ly giành giải xuất sắc
* Hướng tới một kỳ liên hoan thành công hơn nữa trong tương lai, chị có những chia sẻ như thế nào?
- Tôi nghĩ các đoàn phải tập trung đầu tư hơn nữa. Nghệ thuật luôn có sự tiếp biến với xã hội nên luôn phải hoạt động và phát triển trên tinh thần học hỏi liên tục, không có điểm dừng và sáng tạo là không ngừng.
Khi nhận thức xã hội, cảm quan xã hội thay đổi thì nghệ thuật cũng vậy. Vì thế, độ khó cao, yêu cầu khắt khe luôn được đề ra trong nghệ thuật. Làm nghệ thuật, mỗi cá nhân đều phải đi trước dẫn đầu, đánh giá được xu hướng mới để sáng tạo.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2021 diễn ra từ 17 tới 30/6, quy tụ 22 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên. Mỗi đơn vị đăng ký tham gia một chương trình thuộc một trong các loại hình nghệ thuật: Ca, múa, nhạc hoặc giao hưởng, nhạc vũ kịch, thanh xướng kịch. |
Lam Anh (thực hiện)