NSƯT Thanh Thúy: 'Tôi nhiệt tình showbiz, nhưng đứng ngoài chiêu trò'
(Thethaovanhoa.vn) - NSƯT - ca sĩ Thanh Thúy (sinh 1977) và NSƯT Quế Trân (1981) vừa tái đắc cử Đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021. Thanh Thúy có những chia sẻ thẳng thắn với Thể thao & Văn hóa (TTXVN) nhân dịp này, nhưng không bó hẹp trong phạm vi của "nghị trường" và tư cách của một "nghị viên".
- Thanh Thúy đem nhạc đỏ đến với Dấu ấn tháng 5
- Thanh Thúy hát… bolero
- Ca sĩ Thanh Thúy “bước qua bóng tối” của… anh trai
“Ở nhiệm kỳ 2011- 2016 tôi đã hoàn thành tốt vai trò đại biểu. Bản thân tôi luôn ý thức phải làm tròn nhiệm vụ của người đại diện cho tiếng nói của cử tri, là cầu nối giữa cử tri với các cơ quan quản lý nhà nước. Với những nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của cử tri, mình phải quyết liệt đeo bám để có câu trả lời một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề chưa thể giải quyết ngay, vẫn nằm trong lộ trình thực hiện của HĐND” - Thanh Thúy bắt đầu câu chuyện.
Năng nổ ở nghị trường
* Trong các phát biểu và đóng góp ý kiến ở nhiệm kỳ trước, khía cạnh văn hóa - văn nghệ chiếm tỷ lệ như thế nào trong sự quan tâm của chị?
- Tôi là thành viên của Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND, tham gia hoạt động trên các lĩnh vực thuộc phạm vi này. Tôi có điều kiện tham gia nhiều cuộc khảo sát, giám sát, các buổi làm việc trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, các vấn đề dân sinh…
Quá trình ấy giúp tôi tiếp cận những vấn đề còn tồn đọng của đời sống xã hội một cách thực tế hơn, qua đó thực hiện việc tham gia góp ý kiến hoặc hoạt động chất vấn trên nghị trường được hiệu quả hơn.
Một số vấn đề tôi dành sự quan tâm nhiều đó là văn hóa - nghệ thuật; là diễn biến phức tạp của việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm; là ô nhiễm môi trường; là vấn đề giáo dục mầm non...
Trên lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, tôi nhiều lần thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, tồn đọng cần khắc phục, cũng như ý kiến việc xây dựng hoàn chỉnh các thiết chế văn hóa và việc thu ngắn khoảng cách về thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, giữa các nhóm dân cư trên địa bàn thành phố.
* Nếu HĐND TP.HCM khóa IX muốn các đại biểu tiến cử vài “hạng mục” cụ thể để xây dựng các dự án hỗ trợ, phát triển đời sống văn hóa - văn nghệ, chị sẽ đề cập đến những vấn đề gì?
- Tôi rất quan tâm những giải pháp hiệu quả trong việc giúp cho thanh thiếu niên có những kiến thức nền tảng về nghệ thuật dân tộc, dân ca các vùng miền, tạo cho các em “gu” thẩm mỹ, việc thưởng thức nghệ thuật một cách chọn lọc, qua đó giáo dục nhân cách sống cho các em.
Thứ hai, tôi cũng quan tâm việc xây dựng những công trình văn hóa nghệ thuật mang tính biểu trưng của TP.HCM, xứng tầm với sự phát triển của một trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước.
Ngoài ra, khi đi tiếp xúc cử tri, nghe nhiều tâm tư, bức xúc về sự biến tướng - thiếu kiểm soát của các chương trình nghệ thuật, sự sa sút nhân cách của một số văn nghệ sĩ, bản thân tôi rất buồn, muốn góp phần chấn chỉnh điều đó. Tôi thường xuyên gặp gỡ giới làm nghệ thuật, nghe các anh chị tâm sự về nghề, về cuộc sống, tôi rất muốn chia sẻ. Tôi mong các cấp chính quyền, cơ quan ban ngành thành phố có những sự đầu tư nhiều hơn nữa cho nền văn hóa - nghệ thuật thật đúng tầm.
“Nghiệp lính” đã chọn
* Quan điểm của chị thế nào về việc ngày càng có nhiều người trong giới văn hóa - văn nghệ muốn chạy theo bề nổi hoặc các vụ scandal để nổi tiếng? Trong khi nhiều người có thực tâm, thực tài lại đôi khi phải chịu phận lép vế, lận đận?
- Quá trình hội nhập giúp cho chúng ta tiếp cận nền công nghiệp giải trí của thế giới, tốt có nhưng tiêu cực cũng có. Khi chúng ta tiếp thu một cách thiếu chọn lọc những giá trị văn hóa mới cộng với việc thiếu nền tảng văn hóa dân tộc thì hệ lụy của nó thật khôn lường. Thực tế đã chứng minh điều đó.
Công nghệ lăng xê, “nhào nặn” ra một ngôi sao giải trí được tiếp thu một cách nhanh chóng. Gần như hiện nay các nghệ sĩ trẻ muốn nổi tiếng thật nhanh mà không thông qua con đường rèn luyện một cách nghiêm túc, kết quả là chúng ta đã chứng kiến những vấn nạn của văn hóa - nghệ thuật gây bức xúc cho nhiều người.
Còn việc những nghệ sĩ có tâm với nghề, có tài năng nhưng không phát triển đúng mức thì do nhiều nguyên nhân, trong đó không loại trừ nguyên nhân thị hiếu một bộ phận khán giả còn dễ dãi, chuộng những giá trị giải trí đơn thuần.
Việc quản lý một cách chặt chẽ và tạo ra môi trường biểu diễn nghệ thuật thuận lợi, giúp cho các nghệ sĩ có điều kiện tốt nhằm phát huy tài năng cũng là một trong những nhiệm vụ cần phấn đấu của đại biểu HĐND. Thiết nghĩ, cũng cần những giải pháp quyết liệt và những biện pháp chế tài đối với những sai phạm để môi trường văn hóa - nghệ thuật được lành mạnh, công bằng hơn.
* Chị quan niệm như thế nào về chữ “danh” trong giới văn hóa - văn nghệ?
- Không chỉ với lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, mà phàm đã sinh ra trên đời thì ai cũng muốn tạo dựng cho mình danh vị. Cái danh đó theo ta suốt cuộc đời, thậm chí lưu truyền mãi. Nghệ sĩ ai cũng muốn được nhiều người biết đến, điều đó là hiển nhiên. Tuy nhiên, không phải ai cũng chọn cách nổi tiếng bằng mọi giá. Mỗi người có quan niệm khác nhau về sự nổi tiếng và cống hiến cho xã hội.
* Hỏi câu vừa rồi vì chị có đầy đủ các tố chất để thành một người của giới showbiz - giải trí, nhưng có vẻ như chị lại chọn cho mình một thế đứng riêng, một đường đi riêng. Có ý kiến cho rằng Thanh Thúy từ chối nổi tiếng kiểu showbiz, còn chị thì nói sao?
- Tôi nghĩ rằng “nghiệp lính” đã chọn tôi. Tôi từ nhỏ đã say mê ca hát và thường chọn những ca khúc trữ tình cách mạng, những bài dân ca để ngân nga - cũng do ảnh hưởng từ ba mẹ mình. Lớn lên, tôi vào quân đội cũng từ truyền thống gia đình và tình yêu của mình với màu áo ấy. Tôi vẫn nhiệt tình tham gia những hoạt động của showbiz nhưng thường đứng ngoài những chiêu trò. Đơn giản vì nó không phù hợp với tôi.
Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa