NSƯT Thanh Loan: Mãi là 'Ni cô Huyền Trang' của 'Biệt động Sài Gòn'
(Thethaovanhoa.vn) - Chị đã thành công trong việc xây dựng hình tượng nữ biệt động Sài Gòn trung kiên, gan góc mà vô cùng đằm thắm, dịu dàng. Bộ phim đã để lại ấn tượng khó quên đối với người yêu điện ảnh Việt Nam nhiều thế hệ. Niềm hạnh phúc không nhỏ khi vai diễn ni cô Huyền Trang của Thanh Loan được khán giả yêu mến lấy tên nhân vật trong phim đặt tên cho con sau khi xem phim Biệt động Sài Gòn…
Đây là bộ phim đầu tiên và duy nhất (tính đến thời điểm này) của điện ảnh Việt Nam tái hiện những chiến công của đội biệt động Sài Gòn trước 1975.
Một vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng
Phim Biệt động Sài Gòn (1982, kịch bản: Lê Phương - Nguyễn Thanh, đạo diễn: Long Vân, quay phim: Nguyễn Quang Tuấn, nhạc sĩ: Hoàng Hiệp) là bộ phim hấp dẫn về các chiến sĩ biệt động nằm giữa nội thành Sài Gòn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Phim được làm trong thời gian 4 năm, có độ dài 4 tập với tên gọi: Điểm hẹn (1984), Tình lặng (1985), Cơn giông (1985) và Trả lại tên cho em (1986). Phim ngợi ca tinh thần chiến đấu ngoan cường, những cuộc đấu trí căng thẳng, đòi hỏi sự thông minh, sự hy sinh của những chiến sĩ hoạt động bí mật trong lòng địch.
Biệt động Sài Gòn là bộ phim ghi nhận một thành tựu lớn của điện ảnh Việt Nam những năm 1980 về nghệ thuật dàn dựng, diễn xuất và đồng thời đây là bộ phim điện ảnh ăn khách trong lịch sử điện ảnh Việt Nam về đề tài chiến tranh cách mạng. Kể từ khi công chiếu (năm 1982) đến nay, sau gần 40 năm (1982-2020) bộ phim vẫn vẹn nguyên cảm xúc lâu bền trong lòng công chúng.
Làm nên thành công cho bộ phim phải kể đến một dàn diễn viên nổi tiếng hội tụ ở hai miền Bắc - Nam, như: Anh Thái, Hà Xuyên, Bùi Cường, Robert Hải, Hai Nhất, Thương Tín, Thúy An… Trong số dàn diễn viên đó, tôi giữ mãi ấn tượng diễn viên đóng vai ni cô Huyền Trang về cả diễn xuất và ngoại hình. Một vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng, rất Á Đông của nữ diễn viên điện ảnh cứ neo mãi trong tâm khảm tôi từ thời thơ bé.
Tôi ao ước một ngày được tận mắt nhìn thấy cô thôn nữ có đôi mắt to tròn biết nói, dung dị, kín đáo trong chiếc áo cánh nâu non mà cuốn hút đến lạ kỳ… Mong ước gặp người trên màn ảnh đã thành hiện thực khi tôi về Hà Nội công tác và trở thành một người bạn của chị. Chị là NSƯT Nguyễn Thị Thanh Loan.
Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Thị Thanh Loan sinh ngày 21/1/1951 tại Thủ đô Hà Nội trong gia đình đông con, không ai làm nghệ thuật. Con đường đến với điện ảnh với chị là một cơ duyên sau khi chị tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Quân đội và trở thành diễn viên Đoàn văn công Tổng cục Chính trị. Rời đoàn văn công quân đội, Thanh Loan chuyển công tác sang làm phát thanh viên của Truyền hình Quân đội - Công an; Phó Giám đốc Điện ảnh Công an… và hiện chị là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội.
Cơ duyên điện ảnh bện bám theo chị đã gần nửa thế kỷ.
Chị chạm ngõ điện ảnh năm 1973 trong bộ phim Người về đồng cói của đạo diễn Bạch Diệp. Sau vai Riêng - cô xã viên đội trưởng sản xuất, vẻ đẹp mặn mà cùng lối diễn xuất tự nhiên, hồn hậu, chị đã lọt tầm ngắm của nhiều đạo diễn điện ảnh. Những vai diễn ghi dấu ấn của chị trong nền điện ảnh nước nhà là: Vai Lê trong Bài ca ra trận (đạo diễn Trần Đắc, 1973), cô giáo Mai trong Người chưa biết nói (đạo diễn Bạch Diệp, 1979), cô giáo trong phim Tuổi thơ (đạo diễn Nguyễn Xuân Chân, 1979), kỹ sư Khuê trong Bản đề án bị bỏ quên (đạo diễn Nông Ích Đạt, 1980), Mai trong Phương án ba bông hồng (đạo diễn Văn Hòa, 1981), Thúy Loan trong Trời xanh qua kẽ lá (đạo diễn Khôi Nguyên, 1985), cô giao liên trong Bí mật thành phố cấm (đạo diễn Quốc Long, 1990)…
Ni cô Huyền Trang - vai diễn ấn tượng nhất
Trong tất cả những vai diễn của chị, khán giả ấn tượng nhất là vai ni cô Huyền Trang trong phim Biệt động Sài Gòn (1982). Đây là bộ phim màu 4 tập đầu tiên của điện ảnh Việt Nam.
Hai chị em tôi đã ngồi nói chuyện với nhau rất lâu về vai diễn này. Đôi mắt to tròn đượm buồn nhìn xa xăm như trở lại vai diễn đã theo chị gần nửa thế kỷ.
“Năm ấy, chị đang là phát thanh viên Truyền hình An ninh. Nhân chuyến công tác vào TP.HCM, chị gặp đạo diễn Long Vân và họa sĩ Nguyễn Trịnh Thái. Đúng lúc đó đạo diễn Long Vân đang rốt ráo tìm diễn viên đóng vai ni cô. Phim đã quay gần xong một tập, nhưng đạo diễn vẫn chưa tìm được được người vào vai thích hợp. Khi gặp chị, đạo diễn nhìn chị rất lâu rồi mời ngay chị đóng vai ni cô Huyền Trang. Chị xúc động và cũng lo lắng lắm. Những vai diễn trước đó của chị em thấy đấy, đạo diễn cứ như “đo ni đóng giày” cho chị vào những nhân vật cô giáo, xã viên hợp tác xã, giao liên, kỹ sư… nói chung toàn là nhân vật hiền lành, thuần hậu, chất phác. Nhưng vai diễn một chiến sĩ biệt động trong vỏ bọc một ni cô phải nói là rất khó. Sẽ là một thách thức với chị. Nhưng dù khó đến mấy chị cũng không thể không nhận lời vai diễn quá đẹp và ý nghĩa này…” - nghệ sĩ Thanh Loan chia sẻ.
Nhận lời rồi thì hóa thân vào vai diễn thế nào cũng là một khó khăn, thách thức với nghệ sĩ Thanh Loan: “Trước hết, chị vào chùa tu tập học các nhà sư cách sinh hoạt, đi đứng, nói năng, tụng kinh, gõ mõ, khấn vái, bê tráp… thuần thục đúng chất con nhà Phật… Thử sức cảnh bị tra tấn bằng điện mặc dù chưa bao giờ biết cảm giác bị điện giật thế nào. Rồi tập chèo ghe, ngâm mình trong sông nước Nam Bộ…”.
Tôi hình dung phân đoạn chị đi chân trần khất thực giữa nắng nóng Sài Gòn; cảnh bị quay điện tra khảo gồng mình, nghiến răng. Chính phân đoạn đó đã tạo nên dấu ấn riêng, xúc động nhất trong suốt bộ phim và công chúng nhớ chị nhiều nhất chính ở phân cảnh đó. Sống chết với nghề, hóa thân thành công vào vai diễn để đời này với chị là một hạnh phúc không dễ gì có được. Chị có cơ hội được giao lưu, học hỏi với những bạn diễn tâm huyết 2 miền. Chị cảm phục cháu Vân Dung - con gái đạo diễn Long Vân đã vào vai cô bé bán báo bị tra tấn bằng mấy chục con rắn rất xuất sắc. Bộ phim đã để lại ấn tượng khó quên đối với người yêu điện ảnh Việt Nam nhiều thế hệ.
Cùng diễn viên Hà Xuyên từ miền Bắc vào đóng phim, 2 chị có niềm hạnh phúc không nhỏ khi vai diễn ni cô Huyền Trang và Ngọc Mai được khán giả yêu mến lấy tên nhân vật trong phim đặt tên cho con sau khi xem phim Biệt động Sài Gòn…
Bộ phim quay trong thời gian dài 4 năm. Thanh Loan phải thu xếp rất khéo léo để vừa hoàn thành nhiệm vụ của vai diễn, vừa hài hòa công việc gia đình. Rất may, chị có người chồng là Giáo sư - Tiến sĩ toán học rất ủng hộ, chia sẻ với sự nghiệp nghệ thuật của vợ. Cho đến bây giờ, anh vẫn vậy, luôn tôn trọng mọi sở thích, tạo điều kiện cho niềm đam mê điện ảnh của chị. Với chị, để có một gia đình yên ấm, hạnh phúc thì cần sự đồng cảm, chia sẻ, cộng hưởng từ cả 2 phía.
Tôi quý chị ở sự chân thành, hồn nhiên, không giấu giữ và luôn tự biết mình. Phải nói chị đã quyết định đúng khi thay đổi những vai diễn trước đó vốn đã định hình trong lòng công chúng về một Thanh Loan diễn hiền lành, đằm thắm, dễ mến, tươi mới… Ở một số trường đoạn, chị đã diễn tả chiều sâu nội tâm bằng đôi mắt đầy biểu cảm. Đôi mắt của chị là lực hút mạnh mẽ. Đôi mắt đầy nội lực tiềm ẩn. Chị đã thành công trong việc xây dựng hình tượng nữ biệt động Sài Gòn trung kiên, gan góc mà vô cùng đằm thắm, dịu dàng. Vai diễn của chị đã góp phần thể hiện phẩm chất của người phụ nữ miền Nam thành đồng nói riêng và phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang nói chung.
Với những người trong nghề được tham gia bộ phim Biệt động Sài Gòn là một vinh dự lớn lao không dễ gì có được. Cuộc đời nghệ sĩ còn có hạnh phúc nào hơn khi bộ phim đã thực sự có đời sống trong lòng công chúng và tạo nên một dấu ấn đặc biệt trong dòng chảy lịch sử của điện ảnh nước nhà.
NSƯT Thanh Loan chia sẻ: “Mỗi lần xem lại bộ phim này, không riêng chị mà cả gia đình vẫn luôn rưng rưng xúc động về một thời kỳ hào hùng của dân tộc với những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm hy sinh, không tiếc tuổi thanh xuân bảo vệ Tổ quốc vì một nền tự do, độc lập với một tình yêu Tổ quốc nồng nàn: Tình yêu tổ quốc là đỉnh núi bờ sông/ Đến lúc tột cùng là dòng huyết chảy (Xuân Diệu)…”.
Giải thưởng lớn nhất của “Biệt động Sài Gòn” Bộ phim được nhận Bằng khen của Ban Giám khảo, Giải quay phim khá nhất cho 2 tập phim tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ VII (năm 1985), nhưng có một Giải thưởng lớn nhất thuộc về công chúng, nhất là vào dịp ngày 30/4 hàng năm bộ phim Biệt động Sài Gòn được công chúng chờ đón. Gần 40 năm nay, bộ phim vẫn vẹn nguyên cảm xúc cho khán giả nhiều thế hệ. |
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng