NSƯT Hoàng Cúc: Khi mẹ chồng là sếp con dâu
Con trai duy nhất của chị vừa lập gia đình. Như là định mệnh, con dâu chị lại chính là diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội, nơi chị đang đảm nhiệm cương vị Phó giám đốc.
Người đẹp Bỉ Vỏ một thuở
Hoàng Cúc mở cửa căn nhà đẹp của mình để đón khách. Chị tươi cười thông báo mới tổ chức đám cưới cho con trai, và những chiếc đèn lồng đỏ vẫn được treo trước cửa nhà như những lời chúc phúc.
Câu chuyện của chị xoay quanh niềm vui của người mẹ được chứng kiến hạnh phúc của con, được nhìn thấy con trưởng thành. Và như một tất yếu, tình yêu gia đình trong chị không thể tách rời với tình yêu sân khấu, một thánh đường, nơi chị đã gửi gắm bao nhiêu giấc mơ của đời sống với mong muốn được tận hưởng những hân hoan mà nó mang lại.
Có chút mỏi mệt trên gương mặt của Hoàng Cúc. Bấy lâu, sức khỏe của chị không được tốt. Căn bệnh Ba-dơ-đô (Basedow) biến chứng vào tim khiến chị phải dùng thuốc hàng ngày. Chị không còn đứng trên sân khấu vui buồn với các nhân vật nữa. Với chị, niềm vui lớn nhất bây giờ là được chăm chút cho gia đình nhỏ của mình, cho con cái.
Con trai duy nhất của chị vừa lập gia đình. Như là định mệnh, con dâu chị lại chính là diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội, nơi chị đang đảm nhiệm cương vị Phó giám đốc. Chị kể: "Khi con trai đem lòng yêu cô bé đang là diễn viên nhà hát của tôi, tôi có nói đùa rằng, thôi anh ơi, trong nhà này, chỉ mình mẹ theo nghiệp diễn là quá đủ rồi".
Hồi con còn nhỏ, chị đã nhận ra tố chất nghệ sĩ ở nó. Nhưng vì thấu hiểu những vất vả, đắng cay của đời người nghệ sĩ, chị đã hướng cho con một công việc khác. Ngày tiễn con đi du học ở Trung Quốc, chị đã khóc một trận "thừa sống thiếu chết" vì nhớ con. Bạn bè ai cũng bảo chị dại, có mỗi một đứa con mà lại để nó xa nhà.
Nhưng chị nghĩ, không cho con đi, nó sẽ không biết thế giới là gì. Vì lẽ đó, những buồn khổ, cô đơn, chị có thể chịu được. Hoàng Linh bây giờ đã là một biên tập viên truyền hình. Chị vui vì con có một công việc tốt. Nhưng khi con trai chọn vợ là một nghệ sĩ thì chị hiểu rằng, ngôi nhà của mình sẽ vẫn là ngôi nhà của nghệ thuật.
Đó là số phận. Để ngày vui của con được trọn vẹn, chị cầu kỳ, tỉ mỉ từng chi tiết, từ việc mời khách, đặt tiệc, trang trí phòng cưới cho con...Chị muốn tự tay làm tất cả, vì chị hiểu đây là ngày trọng đại của con, cũng là cách chị tận hưởng niềm vui của một người mẹ.
Tôi có thể cảm nhận niềm vui lớn lao trên gương mặt chị khi nói về con. Như một cuốn phim được quay chậm, chị có thể mường tượng lại rõ ràng cái ngày con chào đời như thế nào. Rồi những vất vả mà con phải chịu đựng và chia sẻ với chị ra sao.
"Mình nhớ, khi mình mới sinh con được một tháng rưỡi, mình đã phải đi đóng phim. Ngày đó nghèo lắm, hai vợ chồng không đi làm thì không có gì để nuôi con cả. Bộ phim Người tôi yêu quay chủ yếu trong bệnh viện phụ sản. Mình gửi con cho mấy cô bác sĩ, rồi miệt mài với công việc từ sáng đến trưa mới quay lại cho con bú. Có hôm quay lại không biết tìm con ở đâu. Loanh quanh mãi mới gặp được mấy cô y tá đang ẵm cục cưng của mình. Các cô thấy bé khóc đã xin sữa cho bé ăn và ru bé ngủ".
Có lần phải theo đoàn đi diễn ở miền Nam, chị đành để con ở nhà, và con bị viêm phế quản nặng. Mang đi khám, bác sĩ nói con bị suy dinh dưỡng, chị òa khóc. Sân khấu đã lấy quá nhiều thời gian, tâm sức của chị. Những buổi tập, những đêm diễn, những chuyến đi khiến chị không thể ở gần con nhiều. Năm 1985, nhà hát của chị dựng vở Tôi và chúng ta của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ để tham gia Hội diễn sân khấu toàn quốc. Việc tập và duyệt vở kéo dài. Chị mất ăn mất ngủ vì nhân vật của mình.
Sau mỗi buổi tập, chị hớt hải đạp xe về nhà cho con bú, rồi lại đến sàn tập. Thương con đến thắt ruột, nhưng công việc thì không thể bỏ dở. Cũng bởi chị quá đắm đuối với nhân vật của mình. Rồi những ngày con ốm đau trong bệnh viện, chị vò võ chăm con một mình, bằng tất cả tình yêu và sự nhạy cảm của người mẹ.
Ở giai đoạn đất nước khó khăn, ai cũng nghèo, người nghệ sĩ ngoài công việc biểu diễn ra đều phải làm thêm để kiếm sống. Khán giả vẫn nhớ, thời ấy, nghệ sĩ Tiến Đạt mở cửa hàng may complet, nghệ sĩ Minh Vượng mở cửa hàng bán giày và rất nhiều nghệ sĩ mở cửa hàng cho thuê quần áo cưới, trong đó có Hoàng Cúc.
Nghệ sĩ làm kinh doanh đúng là cực chẳng đã. Hoàng Cúc nhớ lại, đã có lúc chị ngồi buồn, thương mình, thương kiếp nghệ sĩ quá. Ai cũng muốn chu toàn với ước mơ sân khấu của mình, nhưng những khó khăn cứ buộc họ phải lao vào đời sống, tất bật ngược xuôi với miếng cơm manh áo. Thời ấy, chị từng chứng kiến, có ông tiến sĩ phải ra đường đạp xích lô.
Nhiều thầy cô giáo phải đi dạy thuê để kiếm thêm thu nhập, nhưng họ đều phải giấu giếm. Vì sự sĩ diện của người trí thức nó lớn quá. Trong mắt nhìn của khán giả, những người nghệ sĩ hàng đêm sắm vai ông hoàng bà chúa trên sân khấu mà mở cửa hàng kinh doanh cũng chẳng nhiều thiện cảm.
Chị biết điều đó và không khỏi đau lòng. Nhưng một lần được đến Pháp, nhìn thấy rất nhiều cô gái xinh đẹp, đang lau cửa kính, Hoàng Cúc mới giật mình nghĩ, những cô gái ấy, họ đẹp, họ không làm nghệ sĩ, họ lau kính giữa thủ đô Paris tráng lệ, thì có sao đâu nhỉ. Chúng ta làm công việc gì nào có quan trọng. Mà quan trọng là công việc ấy nó dệt nên ý nghĩa gì trong cuộc đời chúng ta. Đến hôm nay nhìn con khôn lớn, trưởng thành, chị tự hào là mình đã làm tất cả vì con.
Chị cắt nghĩa: "Những giá trị thật và ảo trong đời khó nói lắm. Nhiều khi chính là những cái ảo đã nuôi những cái thật của mình. Mình làm kinh doanh để có tiền nuôi niềm đam mê sân khấu là thật. Thời đó tất bật thế, mà mình toàn vào những vai chính, những vai để đời. Và nuôi được con. Thực sự mà nói mình gần như phải nuôi con một mình. Nhưng mình nghĩ mình chỉ có một đứa con, chứ hai, ba đứa mình cũng nuôi được. Vì tình yêu và bản năng của người mẹ lớn lắm. Bạn cứ nhìn con gà ấp bóng mà xem. Dìm nó vào nước rồi, nó lại vẫn leo lên cái ổ của nó. Còn những con gà ấp trứng thì luôn biết chính xác lúc nào phải đảo trứng, rồi khi con ra đời, nó có thể chết để bảo vệ đàn con trước nanh vuốt của kẻ thù. Mình nhìn cảnh đó và thấy rằng, với mỗi chúng ta, gia đình quý giá đến nhường nào. Đó chính là giá trị thật của mỗi cuộc đời, và thật bất hạnh cho những ai không thể giữ gìn cho mình những giá trị ấy".
Hoàng Cúc đã nâng niu những giá trị thật ấy, vì những trải nghiệm cuộc đời mách bảo chị rằng, những phù phiếm rồi sẽ mất đi. Người nghệ sĩ miệt mài suốt đời có khi vẫn không thể để lại ấn tượng nào đáng kể trong lòng khán giả, vẫn là tạo ra những giá trị ảo. Chỉ có tình yêu gia đình là thật nhất.
Nó che chở và nâng đỡ chúng ta, là chốn bình yên cuối cùng để mỗi chúng ta có thể trở về nương náu. Sau bao nhiêu thăng trầm, được mất của đời nghệ sĩ, Hoàng Cúc đã gần như dừng bước với nghệ thật. Chỉ còn một năm nữa là chị nghỉ hưu, và chị đã có những chuẩn bị tốt cho mình. Khuôn mặt đẹp một thời của sân khấu và điện ảnh sẽ chỉ là những kỷ niệm đối với chị.
Từ nay son phấn chỉ còn của hai con
Sau ngày cưới của con, chị bàn giao tất cả cho các con với một niềm tin tưởng tuyệt đối, rằng các con sẽ tiếp tục nâng niu, gìn giữ những gì mà mẹ đã tạo nên. "Mình nói với hai con, từ nay nhà này chỉ còn hai đứa "son phấn" thôi, hai con tự ngắm nhau nhé, còn với mẹ, cánh màn nhung đã khép lại rồi, mẹ giũ áo. Mẹ không đòi hỏi hai con mỗi tháng phải làm ra bao nhiêu tiền, vì mẹ hiểu công việc của người sáng tạo. Mẹ chỉ cần các con yêu thương nhau và làm tốt nhất những công việc mà các con yêu thích".
Chị lên kế hoạch học hành cho con dâu, nhất là môn ngoại ngữ. Chị muốn con dâu chị phải là hình ảnh tiêu biểu của những nghệ sĩ trẻ hôm nay, đắm say với nghề và giỏi ngoại ngữ để có thể đi trong lòng thế giới. Chị nhắc con trai không được uống rượu, bia, chăm lo sức khỏe để nhanh chóng có cháu cho chị bế bồng. Hàng đêm, chị ngồi thiền trong căn phòng của mình, trò chuyện với con mèo trắng xinh đẹp đã gắn bó với chị hơn 10 năm qua.
Tôi ngắm nhìn người đàn bà đẹp Hoàng Cúc buổi xế chiều. Chị dường như đã tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn mình, không còn nhiều vướng bận. Cho dù tôi cảm nhận, sự một mình dường như không phải phép lắm với một người đàn bà đẹp như chị. Nhưng đó là lựa chọn của chị và chị an nhiên với sự lựa chọn ấy.
Chị bảo: "Thời gian là lưỡi hái vô tình lắm, như câu danh ngôn của ai đó đã nói, tất cả sinh ra, tất cả thoảng qua, tất cả rồi trở về vô cùng. Mỗi chúng ta đều có thời của mình, và khi nó trôi qua rồi cũng đừng tiếc nuối. Hãy nhường đường cho tuổi trẻ, đó chính là sự tiếp nối cần thiết làm nên cuộc đời. Mình đã gắn bó với sân khấu suốt cuộc đời, đã đi xuyên qua cả những thời kỳ khó khăn tưởng chừng không vượt qua được và một chút cay đắng. Có lần mình đã nghĩ, một dân tộc có một nền văn hóa lâu đời với những tinh hoa thực sự thì người làm nghệ thuật phải được nâng niu như báu vật".
Tôi hiểu những day dứt của chị. Không ai có thể lựa chọn những mất còn của thời cuộc. Trong thời kỳ đất nước khốn khó, những người nghệ sĩ thế hệ chị đã phải chịu quá nhiều gian nan, thiệt thòi, thậm chí là mất mát. Khi đời sống con người chưa đủ no cơm ấm áo, thì những giá trị tinh thần vẫn còn bị xem nhẹ, bị xếp hàng phía sau những tục lụy đời thường là điều dễ hiểu. Hoàng Cúc không buồn, chị chỉ chiêm nghiệm vậy thôi.
Vì với chị, sống là một hành trình dài của những chiêm nghiệm, để thấy yêu hơn mỗi ngày mình đang sống. "Thế giới hôm nay quá nhiều bất ổn. Thiên nhiên nổi giận, xung đột, chiến tranh đe dọa sự an toàn của đời sống tất cả chúng ta mỗi ngày. Vô vi để thấy mỗi sớm tỉnh dậy, được nhìn thấy những người thân yêu của mình đã là một hạnh phúc rồi. Mình thấy rằng, mình đã đi trong đời, làm một người nghệ sĩ và làm một người mẹ tròn vai.
Bởi với mình, cái khó nhất của một người nghệ sĩ là phải biết yêu, vật vã, khổ sở vì đứa "con tinh thần" như là đứa con đẻ của mình. Vì một người mẹ yêu con là vô điều kiện. Người làm nghệ thuật cũng phải có được tình yêu vô điều kiện ấy với những đứa con tinh thần, biết nuôi dưỡng nó để nó có được một đời sống thực sự lâu dài trong công chúng mới là đáng kể.
Mình đã làm tất cả cho một mong muốn là cả hai đứa con của mình đều "đơm hoa kết trái" trong cuộc đời và mình được tận hưởng hạnh phúc của một người sáng tạo"...