NSƯT Giang Châu được đề nghị truy tặng NSND: Những dấu ấn 'Giang Châu'
(Thethaovanhoa.vn) - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã ký Tờ trình số 898/TTr-TTg đề nghị Chủ tịch nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND) cho 84 cá nhân và danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) cho 307 cá nhân.
Trong các nghệ sĩ được đề nghị truy tặng danh hiệu NSND có Trần Ngọc Châu tức NSƯT Giang Châu - người nghệ sĩ tài danh của sân khấu cải lương vừa ra đi vào tháng 5 vì bạo bệnh.
Danh hiệu đến lúc này có phần muộn màng, nhưng cũng là cần thiết cho một nghệ sĩ với nhiều dấu ấn đặc biệt, nhất là khi trước đó, NSƯT Giang Châu (cùng hai tên tuổi lớn thuộc “thế hệ vàng” của sân khấu cải lương là NSƯT Minh Vương và NSƯT Thanh Tuấn) từng bị loại khỏi danh sách vì… thiếu huy chương.
- Lấy ý kiến 84 trường hợp được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân
- Lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu 'Nghệ sĩ Nhân dân', 'Nghệ sĩ Ưu tú' lần thứ 9
Từ thiếu niên lái tàu có giọng ca thiên phú…
Sinh năm 1952 tại Bến Tre, ở tuổi thiếu niên đã phải học nghề lái tàu rong ruổi khắp miền sông nước để phụ giúp gia đình nghèo khó, nhờ giọng ca thiên phú, cậu bé Ngọc Châu được chủ tàu cũng là một nghệ nhân đờn ca tài tử yêu thích và chỉ dạy thêm. Sẵn máu nghệ sĩ, thêm nhiều cơ duyên đưa đẩy, cũng nhằm… trốn quân dịch, khoảng cuối thập niên 1960, Ngọc Châu khăn gói theo đoàn hát.
Với nghệ danh Giang Châu, ông tạo những dấu ấn đầu tiên trên sân khấu các đoàn Hương Mùa Thu, Hoa Mùa Xuân, Thanh Hương - Hùng Minh… Dù chỉ là vai phụ, nhưng giọng ca đặc biệt của Giang Châu đã ít nhiều gây được chú ý.
Nhiều thính giả nhận xét Giang Châu có giọng ca “rộng xài” vì làn hơi vang, mạnh, cách thể hiện đầy phóng khoáng phù hợp với đa dạng các vai chính diện lẫn phản diện, vai kép, vai lão lẫn vai hài. Cùng với phong cách ca vọng cổ hơi dài và vọng cổ hài rất độc đáo, đến nay, Giang Châu vẫn là một trong những danh ca được khán giả mộ điệu yêu mến nhất.
Nếu trước năm 1975, Giang Châu được biết đến như một “kép ca” lôi cuốn khán giả bởi chất giọng thiên phú thì sau năm 1975, trên sân khấu các Đoàn Cải lương Sài Gòn 1, Sài Gòn 2, Đoàn 284… tiềm năng nghệ thuật của Giang Châu được khai thác toàn diện với những vai diễn mang đậm dấu ấn cá nhân, chinh phục khán giả không chỉ qua giọng ca đặc biệt mà còn ở lối diễn xuất linh hoạt và có chiều sâu.
Là một trong những nghệ sĩ được xếp vào hàng đa dạng bậc nhất của sân khấu cải lương với hàng trăm nhân vật đủ dạng tính cách, trong đó có những vai diễn mà cho đến nay số đông khán giả vẫn nghĩ “chưa ai qua được Giang Châu”, như: Trần Hùng (Tìm lại cuộc đời), Thừa (Tiếng hò sông Hậu), Thái Ngọc (Khách sạn hào hoa), Tâm (Tô Ánh Nguyệt), Thân (Đoạn tuyệt), Trùm Sò (Ngao Sò Ốc Hến)…
… đến những dấu ấn khó phai trong lòng khán giả
Khán giả mộ điệu cải lương trong thập niên 1980 - 1990 khó mà quên được hình ảnh anh thương phế binh Trần Hùng với cuộc đời bị vùi dập đến tận cùng trong vở cải lương Tìm lại cuộc đời trên sân khấu Đoàn Cải lương Sài Gòn 2.
Cảm xúc uất ức, bi phẫn, bất lực của con người bị chà đạp trong xã hội bạo tàn đã được Giang Châu thể hiện xuất sắc trong từng ánh mắt từ ngỡ ngàng đến bi phẫn rồi tuyệt vọng, từng cái gằn giọng đến nhấn thoại, từng tiếng nấc đến cười khan…
Đặc biệt, câu ngâm: “Rớt tú tài anh đi Trung sĩ/ Em ở nhà lấy Mỹ sinh con/ Mai này yên chuyện nước non/ Anh về anh có Mỹ con anh bồng” qua giọng ngâm tê tái và đầy day dứt của người nghệ sĩ gần như được khán giả nằm lòng.
Dù qua nhiều bản dựng được thể hiện bởi nhiều nghệ sĩ có nghề thì trong lòng đại bộ phận khán giả câu ngâm này “đau” nhất vẫn chỉ qua giọng Giang Châu.
Đến nay, Tìm lại cuộc đời vẫn là một trong những vở cải lương kinh điển của nền sân khấu cách mạng và Trần Hùng với sự hóa thân của Giang Châu là một trong những nhân vật có sức tố cáo nhất trong các tác phẩm về cuộc chiến tranh phi nghĩa mà đế quốc Mỹ mang đến Việt Nam.
Tương tự, với vai Trùm Sò (Ngao Sò Ốc Hến), Giang Châu đã đưa nhân vật đến đỉnh cao tiếng cười trào lộng, trở thành nhân vật được yêu thích bậc nhất trong vở cải lương ăn khách bậc nhất sau ngày đất nước thống nhất.
Trước đó, vai diễn gắn liền với tên tuổi NSND Út Trà Ôn, việc nhận vai đem đến cho Giang Châu áp lực không nhỏ và thực tế ông đã không thành công ở những suất hát đầu. Nhận thức phải đem lại sức sống mới cho nhân vật, Giang Châu đã trao đổi với đạo diễn - NSND Ba Vân về việc tìm tòi, phá cách cách diễn mới.
Tiếng khóc như tiếng kéo đờn cò, cách xử lý câu vọng cổ nghe ai oán mà cũng thật hài hước của Trùm Sò - Giang Châu khi từ nguyên cáo trở thành bị cáo vì nhà quan “nắm kẻ có tóc chớ ai nắm kẻ trọc đầu” đã góp phần làm nên lớp diễn “cười ra nước mắt” tố cáo bọn tham quan ô lại vô cùng đặc sắc được khán giả yêu thích đến tận hôm nay. Rất lâu về sau, câu vọng cổ bi - hài của nhân vật Trùm Sò này vẫn giúp Giang Châu rất nhiều trong công cuộc mưu sinh khi sân khấu cải lương rơi vào khủng hoảng.
Nếu Trần Hùng gần như là vai diễn “của riêng Giang Châu” thì với Trùm Sò, người nghệ sĩ đã phải nỗ lực sáng tạo để khẳng định dấu ấn cá nhân, vượt qua cái bóng quá lớn của người đi trước. Lao động nghệ thuật đó của NSƯT Giang Châu là bài học cho lớp nghệ sĩ trẻ hôm nay trên con đường khẳng định “cái tôi nghệ thuật”.
Cũng khác với Trần Hùng hay Trùm Sò, vai Thừa của Tiếng hò sông Hậu - người nông dân quê mùa, cục mịch nhưng bộc trực, khảng khái, sẵn sàng đứng lên chống bạo tàn - gần như Giang Châu không cần diễn vì bước ra là đã thấy nhân vật như chính con người mình. Cách ca diễn chính hiệu “anh Hai Nam Bộ” cùng giọng ca hào sảng, Giang Châu tiếp tục “đóng đinh” trong lòng khán giả mộ điệu một vai diễn mang đậm dấu ấn cá nhân…
Với một nghệ sĩ, có được một vai diễn “để đời” đã là hạnh phúc thì Giang Châu chắc chắn là một trong những người hạnh phúc nhất khi ông sở hữu nhiều vai diễn đặc sắc đi vào lòng khán giả mộ điệu bao thế hệ, mà lạ là chỉ toàn vai “kép phụ”.
Thế nhưng, cuộc đời riêng tuổi xế chiều của người nghệ sĩ tài danh lại không hề an ổn. Sân khấu cải lương rơi vào khủng hoảng trong nhiều năm, không còn “thánh đường” biểu diễn, theo thời thế, Giang Châu cũng phải đi “hát đám”.
Nhưng dù sao vẫn còn có “tri âm”, vẫn còn người thưởng thức giọng ca của mình cũng là niềm vui. Giang Châu chỉ thực sự “ngã quỵ” khi Thế Sơn, người con trai thứ hai, đột ngột qua đời ở tuổi 29 vào năm 2013 (người con đầu của ông cũng đã mất sớm) trong khi đang là một diễn viên đầy triển vọng của sân khấu kịch TP.HCM.
Rất nhiều khán giả cho rằng Thế Sơn đã thừa kế được phong cách diễn xuất đa dạng, nét duyên hài “tỉnh rụi” của Giang Châu. Sự ra đi của Thế Sơn là cú sốc rất lớn đối với gia đình Giang Châu, vợ ông quy y, bản thân ông sức khỏe sa sút và đến năm 2017 thì gặp tai biến thoái hóa não, mất dần trí nhớ và qua đời vào tháng 5/2019.
Nghệ sĩ của nhân dân Lúc sinh thời, Giang Châu quan niệm hạnh phúc lớn nhất của người nghệ sĩ là tình cảm, sự ghi nhận của khán giả, bao năm qua đi khán giả vẫn nhắc “Trùm Sò - Giang Châu” là đủ. Dù không kịp đón nhận danh hiệu NSND trước lúc rời “cõi tạm”, nhưng trong lòng khán giả mộ điệu cải lương, từ lâu Giang Châu đã là “nghệ sĩ của nhân dân”! |
Ninh Lộc