NSƯT Chí Trung: Đạo diễn không thể túm tóc mình nâng lên…
(Thethaovanhoa.vn) - “Nghĩa là không dựng một vở diễn cổ điển chỉ để lấy số, rồi tự hào rằng mình đã từng có những thành tích “khủng” trong hành trang làm nghề” – Chí Trung giải thích với Thể thao &Văn hóa (TTXVN) về chuyện “túm tóc”.
- NSƯT Chí Trung: Xem bóng đá ở Việt Nam khổ nhưng vẫn... 'nghiện'
- NSƯT Chí Trung: GS Xoay làm kịch bản cho 'Táo cười đón Xuân'
- NSƯT Chí Trung: 'Đã ra khỏi nhà là phải chắc thắng!'
Chí Trung nói:
- Trước Quan thanh tra, chúng tôi cũng đã nghĩ tới những lựa chọn khác. Bởi, dù dựng kịch cổ điển, lãnh đạo Nhà hát vẫn thống nhất rằng đó phải là một vở hài kịch. Nhưng nâng lên đặt xuống, tôi thấy những kịch bản của Moliere, Chekhov đều khó hợp với khán giả bây giờ.
Đã nhiều lần, tôi nói rằng mình là người của thị trường. Và “người của thị trường” thấy sẽ lãng phí vô cùng nếu bỏ ra vài tháng để dựng một vở kịch cổ điển, rồi diễn vài buổi thì xếp vào kho. Trong cảnh chợ chiều, sân khấu đang cần đỏ đèn ở phòng bán vé, chứ phải đỏ đèn trong lòng chúng tôi, trong lời khen ngợi của bạn nghề.
Khán giả hiện nay không dễ cười vì những câu chuyện tận đâu đâu. Khó lòng bắt họ tới xem một vở kịch theo kiểu “nghe nói rằng hay”, rồi ra cửa rạp thì ngơ ngác nhìn nhau được. Bây giờ, những gì diễn ra trên sân khấu cần mang cho họ chút suy ngẫm và liên tưởng tới cuộc đời thực ở quanh mình. Tôi từng chọn dựng những Lời thề thứ 9, Mùa hạ cuối cùng… cũng vì lý do ấy. Và Quan thanh tra cũng không phải ngoại lệ, bởi 2 chữ “tham nhũng” bây giờ đã len lỏi vào từng câu chuyện trên giường ngủ, từng bữa cơm cuối ngày của mỗi chúng ta.
* Nhưng, lần đầu dựng một vở kịch cổ điển, anh cũng thấy… hồi hộp chứ?
- Tôi khắt khe hơn. Khắt khe, tới mức “gây thù chuốc oán” với khá nhiều anh em trong khi tập vì những đòi hỏi của mình (cười). Đó là điều đã được cảnh báo từ khi khởi dựng, trước gần 50 diễn viên trong đoàn. Hôm đó, tôi bảo rằng mình có một thói quen rất xấu: kịch bản nào thấy hay, thấy thích, thì luôn hết lòng.
Và mong mọi người cũng cùng chia sẻ sự yêu thích, để cùng hết lòng như vậy. Đa phần, diễn viên lần này là những gương mặt trẻ. Tôi đưa họ vào Quan thanh tra để tất cả hiểu rằng dựng một vở kịch cổ điển thì vất vả và tốn công sức thế nào so với những tiểu phẩm hài ngắn như trước đây.
Sự hồi hộp mà bạn hỏi cũng có phần nào. Hôm “chạy” thử , anh em báo chí muốn vào xem. Tôi nói thật: “Vào, thấy hay thì viết, còn chưa ổn thì bảo tớ, chứ đừng vội chê trên báo”. Xem vở, thấy yên tâm thì lại nảy ra một băn khoăn khác: biết đâu, khi mang ra diễn, vở lại không được ổn như bây giờ? Giống như trong bóng đá, huấn luyện viên có cố bằng giời thì cũng bó tay, nếu cầu thủ của mình tự dưng mất phong độ…
Cảnh trong vở “Quan thanh tra”
* Hình như đây không phải lần đầu anh nói về sự giống nhau giữa một đạo diễn sân khấu và một HLV bóng đá….
- Bởi, tôi tìm được ở những HLV mà mình yêu thích một số đức tính đặc biệt: biết tính toán để tiến/lùi từng trận, biết gầm lên những lúc cần thiết (cười) - và quan trọng nhất, luôn biết rằng diễn viên/cầu thủ mới là những người trực tiếp làm nên thành công của một vở diễn hoặc một trận đấu, chứ không phải là mình.
Như đã từng nói với nhiều người, tôi tự nhận mình là một nhà quản lý bẩm sinh, một diễn viên có chút thành công, và một đạo diễn với hành trang ít ỏi. Nhưng, như đã nói, tôi cũng luôn cố gắng nâng niu chút hành trang ít ỏi đó bằng việc hết lòng dốc sức cho những gì mà mình yêu thích, thay vì chạy theo một số cái tên trong kịch bản.
* Vậy, nếu tự nhìn lại năm 2015 vừa qua, “HLV” Chí Trung sẽ nói gì về công việc cũng như cuộc sống của mình?
- Tử vi nói rằng 2015 là một năm “đại phát” của tôi. Chẳng biết phát về đường gì, nhưng tôi có những niềm vui lớn của người đạo diễn, khi lần lượt dàn dựng những Ai là thủ phạm, Phát điên vì tiền hay chương trình Tưởng niệm những nạn nhân của tai nạn giao thông tại Thanh Hóa vừa qua. Cùng với đó là sự ổn định trong công việc tại nhà hát, là hạnh phúc trong gia đình khi các con đang trưởng thành, khi chuẩn bị cùng vợ bước sang năm thứ 30 của cuộc hôn nhân mà ơn giời, vẫn cảm thấy yêu nhau (cười).
Nhưng, đi kèm với những may mắn ấy cũng là chuyện sức khỏe của bản thân đi xuống, là những lo lắng phát sinh theo tuổi tác của bậc cao niên trong gia đình. Cũng là tất yếu thôi, bởi cuộc sống luôn có sự song hành như thế.
* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Hãy cùng chờ Táo quân 2016 |
Cúc Đường (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa