NSND Tường Vi - giọng oanh vàng đã tắt
Vào giờ Mùi (14h) ngày 11/5/2024, NSND Tường Vi đã trút hơi thở cuối cùng tại Đà Nẵng, thọ 86 tuổi. Sự ra đi của bà đã rắc cơn mưa buồn vào làng nhạc ngày đầu Hè.
1. NSND Tường Vi tên khai sinh là Trương Tường Vi sinh tại Tam Kỳ - Quảng Nam ngày 19/8/1938. Bảy năm sau ngày sinh của bà, Hà Nội đã giành chính quyền, chặt đứt xiềng gông nô lệ, khởi đầu cuộc Tổng khởi nghĩa, thành lập nước Việt Nam mới, trong đó có quê hương Quảng Nam của bà.
Suốt cuộc trường kỳ kháng chiến, Tường Vi còn tuổi hoa niên, nhưng đến khi tập kết ra Bắc 70 năm trước, mới có 16 tuổi, Tường Vi đã nhập ngũ và làm y tá. Trong khi chăm sóc thương binh, cô gái xứ Quảng trẻ trung, vui tính luôn luôn ca hát cho mọi người nghe. Lòng yêu ca hát đã đưa cô y tá Tường Vi bước vào làng ca sĩ.
Từ năm 1956, Tường Vi đã thành cô văn công quân đội, có điều khác ở cô ca sĩ này là ngay từ khi gia nhập Đoàn Văn công Quân Đội (nay là Nhà hát Quân Đội), cô đã tập sáng tác ca khúc. Những ca khúc đầu tay của Tường Vi chính là những ca khúc viết về Bác Hồ, tràn đầy âm hưởng Tây Nguyên. Có lẽ vì Đoàn Văn công Tổng Cục Chính trị ở Cầu Diễn thường giao lưu với Đoàn Văn công Tây Nguyên gần khu vực ấy.
Ca khúc Những ngôi sao sáng và Nhớ Bác Hồ đều được viết trong năm 1960. Hồi ấy, với hai ca khúc này, Tường Vi đã được chú ý như một hiện tượng hiếm và lạ trong giới nữ ca sĩ. Nam ca sĩ mà sáng tác ca khúc thì có Mai Khanh, Quốc Hương, Trần Khánh, Trần Thu v.v… Nhưng nữ ca sĩ thì có lẽ Tường Vi là người đầu tiên. Không hiểu sao, dù là người xứ Quảng, Tường Vi lại chọn dân ca Tây Nguyên là nguồn phát triển cảm hứng của mình về Bác Hồ: "Con sông con suối/ Nhớ thương Bác Hồ/ Thương ngôi sao sáng/ Chiếu trên buôn làng…".
Còn bài Nhớ Bác Hồ, Tường Vi viết cùng nhạc sĩ người Tây Nguyên Kpapui. Từ bài dân ca Gia Rai Đêm thao thức, cặp tác giả đã phát triển thành ca khúc này: "Ôi thương nhớ biết bao/ Từ mái tóc pha sương/ Từ trái tim trong sáng của Người/ Tây Nguyên đã đứng lên/ Bước theo Bác Hồ giữ gìn quê hương…".
2. Khi ở Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, Tường Vi được các chuyên gia Nga và Triều Tiên hướng dẫn hát. Từ năm 1962 đến năm 1967, Tường Vi đã tu nghiệp và tốt nghiệp Khoa Thanh nhạc - Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Nhờ thế, Tường Vi đã có kết hợp độc đáo giữa hát và khẩu thuật để diễn tả tiếng chim trong Cô gái vót chông (Hoàng Hiệp - thơ Mô Lô Y Choi) và Cánh chim báo tin vui (Đàm Thanh) rất thành công. Giọng giả thanh tuyệt vời của một trái tim chân thật.
Với giọng nữ cao đặc sắc của mình, Tường Vi còn thành công trong Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ), Người lái đò trên sông Pô Kô (Cầm Phong - Thơ: Mai Trang) v.v… và đặc biệt là Tiếng đàn Ta Lư như ngọn đuốc soi sáng bằng âm thanh của Huy Thục trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Bà đã từng trình bày ca khúc này cho Bác Hồ nghe.
Trong thời gian học tại Nhạc viện Hà Nội, Tường Vi còn học lớp sáng tác do Bộ Văn hóa tổ chức. Bài Quê hương anh là biển cả, bà viết về hải quân đã được giải cuộc thi sáng tác ca khúc do Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam đồng tổ chức. Vào đầu chống Mỹ, mừng không quân ta đánh thắng trận đầu, bà đã viết Phi đội ta xuất kích trở thành bài "Không quân ca" cho đến tận hôm nay.
Nhờ những đóng góp độc đáo của mình, Tường Vi đã trở thành Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa II, khóa III. Giọng oanh vàng Tường Vi đã vang lên trên sàn diễn trong nước và quốc tế như Đức, Ba Lan, Chile, Cuba, Trung Quốc, Iraq, Liên Xô (cũ) v.v… suốt một thời gian dài oanh liệt của dân tộc ta. Năm 1993, Tường Vi đã được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân. Cũng năm ấy, bà nghỉ hưu với quân hàm Trung tá và ca khúc phổ thơ Bác viết về tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào: "Thương nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua/ Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long". Ca khúc cũng đoạt giải thưởng.
3. Cũng ngay sau khi nghỉ hưu, Tường Vi đã lập trung tâm cưu mang, giáo dưỡng các trẻ em bị thiệt thòi ở Hà Nội, sau mở rộng ra cả Đà Nẵng, Quảng Nam. Nhiều ca khúc bà viết cho các cháu đã được giải thưởng trong các liên hoan và được trẻ em hát say sưa như "Đời cho em những lớp nhạc vui", "Trái tim ơi xin đừng buồn", "Ước mơ của bé là hòa bình" v.v…
Từ khi nghỉ hưu và thành lập Trung tâm nói trên, bà hay lên tạp chí Âm nhạc gặp tôi và chia sẻ để tôi viết bài ủng hộ Trung tâm của bà. Trung tâm chính là thái độ sống vì con người của bà. Biết bao đứa trẻ thiệt thòi đã trưởng thành từ Trung tâm của bà để trở thành những công dân có ích cho xã hội. Bà gần như dâng hiến cả cuộc đời mình cho ca hát và cho xã hội, không màng danh lợi, vinh quang. Cuộc tình duyên ngắn ngủi của bà với nhạc sĩ Trần Chương - tác giả ca khúc "Con trâu sắt" nổi tiếng - cũng đã tặng cho bà một người con trai đi theo nghề âm nhạc và cũng thành đạt, có gia đình yên vui với một nữ ca sĩ nổi tiếng cả trong nước và hải ngoại.
Nhiều năm gần đây, vào tuổi già, bà đã về sống tại thành phố Đà Nẵng cho đến ngày 11/5/2024 cũng "tạ mùa đi" bên sông Hàn lộng gió. Tường Vi đi về cõi xa xăm. Giọng oanh vàng lưu danh một thủa đã tắt. Với lòng tiếc thương một tài năng, một người bạn vong niên nhiều năm, những dòng viết này chính là nén tâm nhang thắp trước hương hồn của bà. Xin vĩnh biệt!
Vừa như ngọn đuốc soi nhân quần
Giọng hát Tường Vi vừa xoa dịu
Bao nỗi đau ẩn giấu đời thường
Và có lúc cất lên giai điệu.
Giờ giữa khói hương giữa hoa và rượu
Giọng oanh vàng vào giấc ngàn thu
Còn văng vẳng đâu đây tiếng chim huyền diệu
Của một thời say đắm ước mơ.