NSND Trà Giang: Bỏ nỗi buồn vào việc vẽ, chứ không vẽ nỗi buồn
(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm Mùa Xuân hồi 10/1/2016 vốn được dự kiến sẽ là triển lãm cá nhân cuối cùng của NSND Trà Giang, vì lý do tuổi tác. Thế nhưng, với sức vẽ vẫn còn bền bỉ, vào lúc 10h ngày 18/1 Trà Giang lại khai mạc triển lãm cá nhân Qua miền Tây Bắc tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, với 30 tác phẩm, chủ yếu vẽ phong cảnh và hoa.
1. Khoảng10 năm trước, trong một cuộc trò chuyện về việc vẽ, Trà Giang cho biết: “Tôi không phải là họa sĩ, chỉ đơn giản là người vẽ tranh cho mình, vẽ để tìm kiếm sự bình an, hạnh phúc. Tôi thấy mình thật may mắn khi vẽ, được đắm mình trong màu sắc, thiền trong màu sắc”.
Quan niệm của Trà Giang hiện nay cũng vậy, bà nói rằng cứ vẽ là thấy hạnh phúc, là quên được nỗi buồn, sự cô đơn.
Khi Trà Giang học vẽ được một thời gian thì chồng bà - NSƯT Nguyễn Bích Ngọc - qua đời, con gái - nghệ sĩ dương cầm Bích Trà - thì đi học ở xa. Bà buồn và cô đơn, mà phim cũng đã nghỉ đóng, nên chỉ còn biết gởi gắm vào giá vẽ.
Ấy vậy mà tranh của bà bức nào cũng ấm áp, trong trẻo, lạc quan… “Tôi chỉ biết vẽ hoa và phong cảnh, mà không nỡ vẽ cảnh úa tàn, rũ rượi, nên chỉ biết vẽ sự tươi vui thôi. Tôi bỏ nỗi buồn vào trong việc vẽ, chứ không biết vẽ nỗi buồn đó lên tranh. Với lại tôi nghĩ rằng chỉ con người mình mới hay buồn, nếu muốn vẽ nỗi buồn thì hãy vẽ các thân phận người, chứ thiên nhiên, phong cảnh, hoa… thì chỉ để giải tỏa nỗi buồn mà thôi” - Trà Giang nói.
Khác với hai triển lãm cá nhân trước đây, Qua miền Tây Bắc như kể lại chuyến trải nghiệm gần đây của Trà Giang khi về thăm lại vùng đất Tây Bắc mà bản thân từng gắn bó. Có đến 14 bức vẽ thể hiện điều này.
2. Bà kể, khi được đạo diễn Nguyễn Thanh Vân và nhà quay phim Lý Thái Dũng mời đi cùng trong một cuộc chọn cảnh cho phim, bà đã xem đó là dịp để củng cố lại những hình ảnh và hình dung của bản thân. Khi về nhà, xem lại hình đã chụp, rồi chắt lọc lấy những hình ảnh có tính biểu tượng của Tây Bắc để đưa vào từng bức tranh. Bà nói: “Tôi thích mô tả hiện thực, nhưng lại không thích bê nguyên xi, mà chỉ chọn lựa những hình ảnh mà bản thân thấy cần, nên phong cảnh dù nhìn thấy quen mà chưa hẳn y như thật”.
Người xem có thể cảm nhận điều này qua các bức tranh như: Mây lang thang, Mây xuống núi, Chiều Tây Bắc, Thanh bình, Thăm lại Tây Bắc, Bản Xín Chải - Sa Pa, Thung lũng đỏ, Đèo Pha-đin, Nắng sớm, Người đàn bà Mông đi trong sương, Trước gió, Bông cải sau hè… Trà Giang cũng tâm tình rằng bà ngại vẽ người lắm, vì vẽ thấy khó, nên thường gởi gắm cái lòng và câu chuyện qua phong cảnh.
“Con người Tây Bắc có cá tính riêng, nét đẹp riêng, với nỗi buồn man mác trên gương mặt, tôi đã thử diễn tả điều này bằng phong cảnh, hy vọng người xem cũng sẽ nhận ra”.
Trà Giang đến với hội họa khá tình cờ, khi đã bước vào tuổi nghỉ hưu, nhưng bà đã tiến bộ khá nhanh. Không chỉ có ưu điểm về nắm bắt ánh sáng, mà cảtrong việc làm chủ chất liệu sơn dầu, bố cục, cách tạo hình, sự tỉa tót…, bà cũng khá thuần thục, tự tin. Dù Trà Giang không nhận mình là họa sĩ, nhưng những tác phẩm của bà thì cho thấy ngược lại.
Lần này, như rút kinh nghiệm, Trà Giang không khẳng định đây sẽ là triển lãm cá nhân lần cuối nữa. “Bây giờ tôi cứ nhẩn nha vẽ, không áp lực vẽ nhiều hay ít, không áp lực triển lãm gì cả, khi nào thấy phù hợp thì trưng bày thôi. Trong nhiều việc riêng, tôi đã cảm nhận rõ sự chậm chạp và mệt mỏi, nhưng khi vẽ, tôi lại thấy nhẹ nhàng, thư thái, nên cứ vẽ thôi. Đôi khi nhìn vào một phong cảnh mới chụp thì bao nhiêu ký ức lại hiện về, tôi vẽ là vẽ cả cái ký ức đó, như vẽ Tây Bắc năm 2017 mà thật ra là vẽ cả thời tuổi trẻ mình qua đây đóng phim” - Trà Giang.
Triển lãm Qua miền Tây Bắc sẽ kết thúc vào ngày 28/1, các tác phẩm cũng sẽ được bán ngay trong đợt trưng bày này.
Như Hà