NSND Thúy Mùi: 'Không có chuyện giỗ sân khấu ngoài đường'
Tuần trước, Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã được tổ chức tại phố đi bộ Hồ Gươm (ngày 3/9) và nhận về ít nhiều ý kiến trái chiều, khi sự kiện này còn gắn với ngày giỗ tổ sân khấu (ngày 12/8 âm lịch sau đó). Trong các ý kiến đó, “nặng nhất” có lẽ là lên tiếng về chuyện giỗ tổ sân khấu ngoài đường.
Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (Hội NSSKVN), về vấn đề này.
* Đã có ý kiến cho rằng cách tổ chức vừa qua của Hội NSSKVN là “mang tổ nghề ra đường”. Hoặc, có đại biểu than phiền rằng muốn dâng hương nhưng không thể tìm thấy bàn thờ tổ tại sự kiện. Chị có thể giải thích về những điều này?
- Mọi năm, Hội NSSKVN vẫn tổ chức ngày giỗ tổ - và cũng là Ngày Sân khấu Việt Nam kể từ năm 2011 - vào 12/8 âm lịch. Đã lễ giỗ tổ, mặc nhiên chúng tôi sẽ tổ chức trang trọng tại rạp với đầy đủ nghi thức tế tổ. Anh chị em nghệ sĩ khi tổ chức lễ giỗ tổ tại nhà riêng cũng vậy. Không có chuyện giỗ sân khấu ngoài đường.
Tuy nhiên, năm 2022 này là thời điểm kỷ niệm 65 năm thành lập Hội NSSKVN. Chúng tôi không có điều kiện và kinh phí để tổ chức 2 sự kiện quy mô lớn nối tiếp nhau. Lễ kỷ niệm là phần hội, được tổ chức tại phố đi bộ Hồ Gươm. Vài hôm sau, vào ngày giỗ tổ, chúng tôi làm mâm cúng dâng lên ngai lễ tại trụ sở hội. Anh chị em trong BCH vẫn tề tựu, thành kính dâng lễ, đón đại diện các đoàn qua trụ sở hội thắp hương. Sang năm, việc tổ chức Ngày Sân khấu Việt Nam lại diễn ra bình thường như thông lệ.
* Vậy, đâu là lý do để Hội NSSNVN chọn tổ chức lễ kỷ niệm tại phố đi bộ?
- Sân khấu luôn cần khán giả. Và cũng như mọi loại hình sân khấu, chúng tôi luôn muốn các hoạt động của hội được đông đảo khán giả biết tới, từ đó tiếp tục khơi nguồn cho sự hào hứng và lòng yêu nghề của nghệ sĩ. Với quan điểm ấy, một ngày hội quy tụ đông đảo các nghệ sĩ là cơ hội rất tốt để quảng bá cho hình ảnh, cũng như sức hút của sân khấu.
Bởi thế, sức lan tỏa của chương trình không nên dừng lại ở 600 khách mời. Tôi muốn trong dịp nghỉ lễ, hàng ngàn khán giả ở phố đi bộ Hồ Gươm sẽ có dịp tận mắt chứng kiến những nghệ sĩ - mà nhiều người trong số họ chỉ thường được biết tới qua màn ảnh nhỏ - và cùng chia sẻ niềm vui trong ngày Hội NSSKVN tròn tuổi 65.
* Chị có gặp khó khăn gì trong việc vận động 600 nghệ sĩ tham dự chương trình, cũng như trong khâu tổ chức?
- Chương trình tất nhiên không thể xin kinh phí nhà nước. Và chuyện vận động tài trợ cũng vô cùng khó, bởi các doanh nghiệp đều vất vả trong giai đoạn hậu Covid-19. Việc tổ chức chỉ được quyết định vào giờ chót, khi chúng tôi có chút hỗ trợ từ một số bè bạn thân thiết và yêu nghệ thuật.
Nói thật, kinh phí hạn hẹp nên anh chị em tham gia chương trình chỉ có món quà duy nhất cầm về là cặp bánh Trung Thu - cũng từ một nguồn tài trợ. Lúc đặt vấn đề, tôi rất xúc động khi nghe các trưởng đoàn nói: Chị ơi, đừng bận tâm chuyện không có thù lao. Sân khấu 65 năm mới có một lần, việc đến thì phải chung tay góp sức, chứ sao lại quay lưng. Đây cũng là trách nhiệm và tâm nguyện của bọn em, để các bác các cụ trong nghề còn nhìn vào.
Không có nhiệt tâm của các nghệ sĩ, chương trình không thể diễn ra. Thậm chí, anh chị em bảo nhau rằng không có tiền thì ai góp được gì thêm cho lễ kỷ niệm cứ góp. Vậy nên, nhiều đơn vị biểu diễn góp màn hình LED, góp âm thanh, ánh sáng, khói lạnh. Rồi, phần áo dài trình diễn cho các nghệ sĩ cũng là do nhà thiết kế Việt Hùng ủng hộ, anh gấp rút thiết kế các mẫu áo dài gắn với ý tưởng về sân khấu chỉ trong nửa tháng...
- NSND Thúy Mùi: Hà Nội là khái niệm gắn với chiều sâu
- Đạo diễn NSND Thúy Mùi: Hồ Gươm là nơi ‘trời cho’ để tổ chức lễ hội đường phố
* Cuối cùng, cũng đã có ý kiến băn khoăn về việc chương trình có phần chúc mừng các nghệ sĩ lão thành, nhưng lại không nhắc tới những nghệ sĩ cao tuổi đã qua đời?
- Trong chương trình, ứng với 65 năm thành lập hội, chúng tôi mời 65 nghệ sĩ cao tuổi tham dự, đa phần đều ở tuổi ngoài 70. Họ xuất hiện trên xe xích lô, được các nghệ sĩ trẻ tặng hoa, rồi cùng anh em đi diễu hành. Thật ra, kế hoạch là các cụ được rước một vòng quanh hồ, nhưng khán giả quá đông nên lộ trình phải rút ngắn bớt (cười). Thực hiện nghi thức chúc mừng ấy, chúng tôi đơn giản muốn các cụ cùng chia sẻ niềm vui, đồng thời nhận lời chúc cố giữ gìn sức khỏe để tiếp tục đóng góp cho sân khấu.
Việc tri ân những nghệ sĩ đã mất là một câu chuyện khác. Họ là những cây đa cây đề của sân khấu và cần được tôn vinh bằng những hình thức đủ trang trọng, nghiêm túc, tại những sự kiện riêng, trong không gian đặc thù. Thậm chí, việc tôn vinh ấy cần được Hội NSNKVN phối hợp với các cơ quan quản lý thực hiện. Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục làm công việc này trong thời gian tới. Tôi nghĩ, nếu mọi người cùng hiểu như vậy thì mọi khúc mắc sẽ trở nên rất nhẹ nhàng hơn.
* Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện!
“Tổ chức lễ kỷ niệm tại phố đi bộ Hồ Gươm, tôi cũng muốn chuyển tới khán giả một thông điệp: Sân khấu đang nỗ lực hàng ngày hàng giờ để có thể gần họ và hiểu họ hơn trong cuộc sống hôm nay” - NSND Thúy Mùi. |
Cúc Đường (thực hiện)