Nỗi niềm bóng đá nữ Việt Nam
Dẫu không nhận được nhiều sự quan tâm và chú ý, chức VĐQG 2022 của CLB nữ TP.HCM I vẫn lấp lánh theo cách của riêng mình. Trong một giải đấu ẩn chứa nhiều biến động, chúng ta hẳn sẽ có những câu chuyện cần được khai thác đằng sau chức vô địch này.
CLB TP.HCM I quả thực đã gặp những bất lợi nhất định về mặt lực lượng ở mùa giải năm nay, khi đội trưởng Huỳnh Như lên đường xuất ngoại, ngôi sao Chương Thị Kiều gặp phải chấn thương. Tuy vậy, họ vẫn là những người xuất sắc về đích đầu tiên.
Bản thân HLV Đoàn Thị Kim Chi cũng bày tỏ sự bất ngờ với chức vô địch thứ 4 liên tiếp của đội nhà. Nhà cầm quân họ Đoàn cho rằng, việc bảo vệ thành công ngôi vương là thành quả đáng tự hào nhưng đồng thời cũng là sự bất ngờ, bởi bản thân CLB TP.HCM I vốn đã yếu đi nhưng các đối thủ cũng không hề mạnh lên.
Nói TP.HCM I yếu cũng không hoàn toàn đúng, khi họ vẫn sở hữu một dàn cầu thủ chất lượng và dày dặn kinh nghiệm chinh chiến, chỉ là, so sánh với những mùa giải trước tất nhiên sẽ có đôi chút thua thiệt. Tuy vậy, các đối thủ khác cũng không thể căn cứ từ cơ sở đó để tạo ra những sự cạnh tranh sòng phẳng cho ngôi vương. Tiêu biểu như Hà Nội I khi giải đấu từ lâu được xem là cuộc đua “song mã” giữa TP.HCM I và Hà Nội I. Cả 2 đều đang nắm giữ kỷ lục vô địch nhưng chính từ sự thống trị này đã phản ánh xu hướng 1 chiều của giải đấu.
Khán giả liệu có yêu thích xu hướng đó hay không? Họ có thực sự muốn thưởng thức những trận đấu mà đa phần đã biết trước kết quả ngay từ khi nó chưa bắt đầu. Nhìn vào số lượng các đội nữ tham gia tranh tài, tổng cộng chỉ có 7 đội nhưng số đại diện từ TP.HCM và Hà Nội đã chiếm quá phân nữa càng khiến cuộc chơi này suy cho cùng vẫn là của riêng hai đầu cầu Nam- Bắc. Thực trạng về chuyên môn lẫn sự cạnh tranh đang là vấn đề đáng lưu tâm với các giải đấu nữ, khi họ không thể mang lại độ hấp dẫn và kịch tính cần thiết thì đòi hỏi đâu ra mối quan tâm đến từ khán giả.
Vấn đề không chỉ gói gọn ở cấp CLB mà còn ở mặt trận ĐTQG. Chúng ta có một thế hệ các cô gái vàng chinh phục tất cả các danh hiệu khu vực và đoạt vé tham dự World Cup. Thế nhưng, những giá trị họ nhận được chắc chắn không thể so sánh với cầu thủ nam, dù cho vượt trội về thành tích. Tất nhiên, góc nhìn dành cho bóng đá nữ đã có những biến chuyển ở những năm trở lại đây nhưng trên thực tế, nó vẫn hoàn toàn chưa đủ. Các trung tâm đào tạo trẻ vẫn còn ít, nguồn thu nhập cho các cầu thủ nữ thật sự bấp bênh và thiếu ổn định. Chưa kể, sự cọ xát về chuyên môn đến từ giải VĐQG là không cao càng khiến tiềm năng cầu thủ có xu hướng bị kìm hãm.
Tất cả đều dẫn đến những tiền đề không tốt để tạo dựng sức mạnh ở ĐTQG, nơi chưa ai nguôi ngoai sau thất bại tại AFF Cup nữ 2022. Cứ tiếp tục tình cảnh như hiện tại, cộng với sự vươn lên mạnh mẽ từ các thế lực trong khu vực như Thái Lan, Philippines…, không ai dám chắc bóng đá nữ Việt Nam có thể duy trì vị thế dẫn đầu khu vực được bao lâu.
Bóng đá nữ Việt Nam muốn hướng đến sự phát triển bền vững nhưng lại chưa có những bước đi mang tính chiến lược lâu dài. VFF và các địa phương cần thể hiện sự quan tâm và trân quý bóng đá nữ nhiều hơn, xem họ như “quốc sản” bởi những giá trị họ mang lại không hề thua kém so với bóng đá nam. Hy vọng, một thực tại mới tốt hơn trên mọi phương diện sẽ đến với bóng đá nữ Việt Nam.
Huy Tâm