Nỗi lo bạo lực của nước chủ nhà ở EURO 2024
Bóng đá Đức đang căng thẳng, với những phản ứng mạnh mẽ của các cổ động viên từ trong đến ngoài sân cỏ, khiến nhiều người lo ngại về sự kiện EURO 2024.
Chỉ nửa năm trước khi ngày hội bóng đá châu Âu khai mạc, có rất nhiều vấn đề đang chờ chủ nhà Đức giải quyết dứt điểm vì sự an toàn của người hâm mộ và khách du lịch.
Những đồng xu chocolate và pháo sáng
Trong bối cảnh mọi giải đấu đều thương mại hóa, hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp Đức (DFL), đơn vị đại diện cho 36 CLB thuộc Bundesliga 1 và 2, đặt mục tiêu thu về khoảng 1 tỷ euro từ việc bán cổ phần bản quyền truyền thông vào năm tới. Theo kế hoạch, các câu lạc bộ bỏ phiếu cho phép một nhà đầu tư nắm cổ phần. Thỏa thuận dự kiến được hoàn tất trong tháng Ba tới, trước khi bán bản quyền truyền thông cho thị trường Đức giai đoạn 2025-2029.
Đây là điều không còn xa lạ với các giải bóng đá châu Âu, vốn ngày càng coi trọng việc sắp xếp thời gian phát sóng ra thế giới, nhằm giúp tăng doanh thu cũng như phạm vi tiếp cận toàn cầu. Tuy nhiên, mục tiêu kiếm tiền bị phản đối mạnh mẽ từ người hâm mộ. Các nhóm cổ động viên trên toàn nước Đức cam kết cùng nhau phản đối kế hoạch của DFL trong việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Một trong các giải pháp là tất cả biểu tình trong im lặng kéo dài 12 phút đầu mỗi trận đấu ở vòng 15.
Mọi chuyện đi xa hơn trong trận Gladbach tiếp Werder Bremen hôm 15/12. Bên cạnh biểu ngữ thể hiện sự không đồng tình trên khán đài Borussia-Park, sau khi 12 phút biểu tình im lặng trôi qua, khán giả chủ nhà còn ném những đồng xu chocolate bọc vỏ vàng xuống sân. Thời điểm ấy, Bremen đang dẫn 1-0. Trận đấu bị gián đoạn 5 phút để nhân viên và các quan chức cùng dọn dẹp sân.
Cũng trong đêm thứ Sáu tuần trước, trận đấu giữa chủ nhà Paderborn và Hansa Rostock bị gián đoạn đến 2 lần. Sự kiện thể thao bị che mờ bởi màn đốt pháo sáng của các cổ động viên Rostock tại khu khán đài cho đội khách, khiến cảnh sát phải can thiệp. Sau lần gián đoạn đầu tiên, ước tính 150 cổ động viên đội khách tụ tập và ném đồ vật vào lực lượng an ninh. 8 nhân viên bảo vệ và 12 cảnh sát bị thương. Một sĩ quan cảnh sát phải vào viện. Ngoài ra, hai xe cảnh sát cũng như quầy phục vụ ăn uống, thiết bị vệ sinh và kiểm soát ra vào bị hư hỏng.
CEO của Paderborn, Martin Hornberger, lên tiếng: "Trong 22 năm làm việc, tôi chưa bao giờ trải qua điều gì như thế này. Mọi thứ có thể phá hủy đều bị phá hủy. Tôi thấy hình ảnh từ camera. Đó là chiến tranh, không còn là bóng đá và văn hóa cổ động viên nữa". Thiệt hại vật chất hơn 100 nghìn euro. Hansa Rostock sau đó thể hiện lập trường trên trang chủ: "Với 2 lần gián đoạn, thiệt hại đáng kể về tài sản và xô xát dẫn đến một số chấn thương, Hansa Rostock tạo ra một bức tranh đáng xấu hổ ở Paderborn. Câu lạc bộ vô cùng hối tiếc vì sự cố và lên án hành vi sai trái nghiêm trọng của cổ động viên. Chúng tôi thành thật xin lỗi về sự việc này".
Một ngày sau, trận Bochum thắng Union Berlin cũng xuất hiện tình trạng ném đồng xu chocolate xuống sân. Takuma Asano, người mở màn chiến thắng 3-0, đã nhặt một đồng xu lên ăn và khen ngon (!).
Xung đột ngoài sân cỏ
Trước khi xuất hiện những vấn đề với DFL, bóng đá Đức cũng gây ngạc nhiên cho thế giới bằng làn sóng phản đối liên quan đến EURO 2024. Văn hóa cổ vũ ở Đức vốn rất được khen ngợi, nhưng lần này người hâm mộ đưa ra các biểu ngữ phản đối giải đấu vào mùa Hè năm sau. Tình trạng này xuất hiện từ trước lễ bốc thăm EURO tổ chức ở Hamburg. Mối quan hệ không tốt giữa cổ động viên và cảnh sát được cho là nguyên nhân dẫn đến sự căng thẳng bên ngoài sân bóng.
Hôm 25/11, ít nhất 200 người - gồm cổ động viên, cảnh sát và nhân viên quản lý sân - bị thương trong vụ bạo lực nghiêm trọng bên sân của Frankfurt. Sau cuộc xung đột được cho là giữa nhóm ultra quá khích với người hâm mộ và lực lượng an ninh, cảnh sát bị tấn công bằng chai lọ, hàng rào kim loại và pháo. Phản ứng từ phía cảnh sát là những đòn tấn công liên tục bằng dùi cui cũng như bình xịt hơi cay. Trước nữa, trận St Pauli và Hannover ở Bundesliga bị ảnh hưởng khi cảnh sát chống bạo động giải tán tranh chấp giữa các cổ động viên. Hơi cay sử dụng vô tội vạ khiến 32 người bị thương.
Phía sau các xung đột, cổ động viên và cảnh sát sử dụng mạng xã hội để giải thích theo cách khác nhau. Mỗi bên đều tự bảo vệ mình. Phía người hâm mộ cho rằng cảnh sát đang cố phô trương sức mạnh khi chuẩn bị cho EURO 2024. Đổi lại, phía an ninh cho rằng chỉ "tự vệ bằng cách sử dụng bình xịt hơi cay và dùi cui".
Tranh cãi đúng sai còn tiếp tục. Trong mọi trường hợp, nếu hai bên không xuống thang, bầu không khí EURO 2024 sẽ bị ảnh hưởng khi ngày khai mạc đang đến gần.
Ngọc Linh