Nối liền quần thể Yên Tử - Ngọa Vân: Kết nối hành trình về 'Thánh địa' của Thiền phái Trúc Lâm
(Thethaovanhoa.vn) - Đó không chỉ là câu chuyện của một con đường mà là đích đến của một ý tưởng được hình thành từ nhiều năm qua: kết nối toàn bộ các di tích liên quan tới Thiền phái Trúc Lâm, dọc theo cánh cung Đông Yên Tử.
Cụ thể, thông tin từ thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) cho biết: cuối tháng 5 này, trục đường Ngọa Vân – Hồ Thiên với chiều dài 8,8 km sẽ được thông xe. Cộng cùng đoạn đường từ Hồ Thiên – khu di tích Yên Tử (Uông Bí) đã hoàn thành, đây chính là trục đường "hành hương" kết nối Yên Tử với am Ngọa Vân, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập diệt.
Thánh địa từng bị lãng quên
Cũng cần nhắc lại: theo phân cấp hành chính, am Ngọa Vân và cụm di tích nhà Trần (nơi có lăng mộ của 7 vị vua thuộc vương triều này) thuộc quản lý của thị xã Đông Triều. Trong khi đó, khu vực Đông Yên Tử (thường được gọi là Yên Tử) thuộc về thành phố Uông Bí – dù cả 2 khu vực này đều thuộc dãy Yên Tử và cùng gắn chặt với lịch sử phát triển của dòng Thiền phái Trúc Lâm.
Thậm chí, trong hồ sơ đang được xây dựng để đệ trình UNESCO cho danh hiệu Di sản Văn hóa Thế giới, 2 cụm di tích này (cùng khu Tây Yên Tử của Bắc Giang) cũng được nhắc tới với mối quan hệ mật thiết, khi vừa là trung tâm Phật giáo thời Trần, vừa là nơi vua Trần Nhân Tông tu tập trong những năm cuối đời.
Những nghiên cứu khảo cổ học và lịch sử hiện có đã xác định rõ: Nếu Yên Tử (Uông Bí) là địa điểm Trần Nhân Tông tu hành trong một thời gian dài sau khi xuất gia thì khu vực Am Ngọa Vân hiện tại chính là nơi Phật Hoàng "an nhiên nhập Niết Bàn theo thế sư tử nằm" vào đêm 16/12/1308 (tức ngày 1/11 Âm lịch).
Như chia sẻ của Đại Đức Thích Quảng Hiếu, người vừa tổ chức chuyến hành hương tới Ngọa Vân cho 4000 Phật tử của chùa Tân Hải (Hà Nội), vào cuối tuần trước, am Ngọa Vân với Phật giáo Việt Nam cũng có vai trò giống như Thánh tích Kushinagar bên Ấn Độ.
"Nhìn vào hành trình tu tập và nhập diệt của Phật Hoàng, những chuyên gia về khảo cổ, tôn giáo và văn hóa cũng đều đồng ý với nhận định rằng am Ngọa Vân có vị trí như "thánh địa" của Thiền phái Trúc Lâm" – ông Vũ Văn Tuấn, Trưởng Ban quản lý cụm di tích nhà Trần tại Đông Triều, nói.
Theo các di chỉ để lại, khu vực này từ thời Trần đã từng được xây dựng và mở rộng thành một quần thể chùa tháp lớn với những chùa Quỳnh Lâm, khu Đá Chồng, Hồ Thiên, Bắc Mã... Thế nhưng, ở bối cảnh mà nhiều di tích chỉ còn là phế tích, khu vực am Ngọa Vân đã từng bị quên lãng một thời gian dài và chỉ được tìm đến bởi các chuyên gia khảo cổ và... nhà báo.
Mọi chuyện chỉ dần thay đổi, khi quần thể am Ngọa Vân và khu lăng mộ các vua Trần liền kề được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2013.
Kết nối để phát triển
Việc trùng tu các di tích tại quần thể Ngọa Vân đã được bắt đầu từ 2012. Theo đó, một số hạng mục quan trọng nhất đã được bảo tồn và tôn tạo như: am Ngọa Vân, Phật Hoàng tháp (nơi lưu giữ xá lị của vua Trần Nhân Tông), Đoan Nghiêm tháp. Kèm theo đó, dựa trên các di chỉ khảo cổ cũ, chùa Ngọa Vân đã được phục dựng ở độ cao 500m so với mực nước biển.
Đặc biệt, từ năm 2016, thời điểm Ngọa Vân bắt đầu tổ chức hội Xuân, hệ thống cáp treo tại đây (do công ty cáp treo Tâm Đức đầu tư) đã đi vào vận hành với chiều dài hơn 2.000m và công suất tối đa 2300 khách/giờ cho phép đưa khách lên am Ngọa Vân trong 10 phút so với 2 tiếng bằng đường bộ.
Lượng khách tới am Ngọa Vân mỗi năm kể từ thời điểm ấy lần lượt là 10 vạn người (năm 2016), 20 vạn người (năm 2017) và 19 vạn người (3 tháng đầu năm 2018). Tăng mạnh, nhưng vẫn khá khiêm tốn nếu nhìn sang mức du khách mà Yên Tử đang đón nhận.
Nhưng, như nhận xét của ông Vũ Văn Tuấn, bài toán "đón khách" của cụm di tích am Ngọa Vân không nằm ở việc cạnh tranh với Yên Tử. Ngược lại, việc kết nối với cụm di tích Yên Tử chính là cơ hội để không gian này phát huy giá trị của mình.
"Đường xong, khách từ Yên Tử tới am Ngọa Vân chỉ mất nửa thời gian so với việc đi vòng theo quốc lộ 18 như trước. Nhưng, điều quan trọng nằm ở việc 2 không gian này có mối gắn bó mật thiết, và càng phát huy giá trị khi được kết nối với nhau" – ông ói.
Theo lời ông, trong thời gian qua, nhiều du khách tới thămYên Tử cũng đã nghe nói về am Ngọa Vân, nhưng khó ghé thăm vì trái với lịch trình. Còn sắp tới, với đường mới và những hệ thống cáp treo đang có, khách hành hương và Phật tử hoàn toàn có thể chỉ trong một ngày lần theo dấu chân vua Trần Nhân Tông về Yên Tử rồi dừng lại ở "Thánh địa" am Ngọa Vân – đúng như hành trình cần có trong một chuyến hành hương để chiêm bái trọn hành trình tu tập rồi nhập tịch của Phật hoàng.
Vượt qua sự quản lý về hành chính để kết nối và "đánh thức" toàn bộ không gian rộng lớn của quần thể di sản, cách tiếp cận ấy không mới trên thế giới, nhưng vẫn là điều đáng để quan tâm nếu nhìn vào thực trạng khai thác di sản hiện có...
Ngoài 5 điểm di tích đã và đang được trùng tu tại đây như am Ngọa Vân, khu Thái Miếu nhà Trần, chùa Quỳnh Vân, 15 điểm di tích còn lại của quần thể đã được lên kế hoạch để đầu tư và tôn tạo đồng bộ trong khoảng thời gian từ 2018 – 2020. |
Sơn Tùng