Nối dài khát vọng sáng tác cho thiếu nhi, của thiếu nhi
Từ 89 tác phẩm/chùm tác phẩm dự thi, Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 3 - 2022 đã chọn ra 11 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo với đa dạng đề tài, thể loại cho đến lực lượng sáng tác. Điều này phần nào đã khẳng định sức lan tỏa của giải thưởng sau 3 năm tổ chức.
Để có những hình dung rõ nét hơn về bức tranh toàn cảnh của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 3 - 2022, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với PGS-TS Ngô Văn Giá - thành viên Hội đồng giám khảo.
* Với vai trò thành viên Hội đồng giám khảo, xin ông cho biết một số đánh giá về mặt bằng chung của các tác phẩm lọt vào chung khảo năm nay?
- Vòng chung khảo năm nay vắng bóng các tác phẩm thuộc một số loại hình nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, phim ảnh, v.v… Thế nhưng, năm nay mảng văn chương lại có sự “phát lộ” mạnh mẽ, với 11 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, gồm đa dạng các thể loại như truyện dài, truyện ngắn, thơ và truyện tranh.
Trong khi đó, số lượng và tính chất của người viết dự giải cũng khá đa dạng. Có tác giả là phụ huynh, người viết “có nghề” hay tác giả là trẻ em chỉ mới 9 tuổi. Các tác giả cũng trải rộng ở nhiều khu vực, có tác giả miền Nam, miền Bắc; có người sống ở đô thị, nông thôn; có tác giả nước ngoài sống ở Việt Nam và có cả tác giả người Việt Nam sống ở nước ngoài.
Xét mặt bằng chất lượng các tác phẩm lọt vào vòng chung khảo năm nay so với các năm trước khá “vững” và có những điểm sáng. Đáng chú ý, một số tác phẩm là kết quả của một dự án. Tác giả của những bộ sách lên ý tưởng và tập hợp những người cầm bút trẻ, đó là những họa sĩ nhí, những dịch giả nhí cùng tham gia vào quá trình sáng tác. Những dự án này hay ở chỗ kêu gọi được trẻ em, truyền được cảm hứng cho trẻ em hoạt động như chủ thể sáng tạo.
* Như ông chia sẻ, năm nay lọt vào vòng chung khảo chiếm đa số là các tác phẩm thuộc mảng văn học, cụ thể hơn là văn xuôi. Cá nhân ông, ấn tượng với những tác phẩm nào?
- Trước tiên, phải kể đến tác phẩm Chiếc dép thất lạc của một tác giả nước ngoài sống ở Việt Nam. Có lẽ đây là một tác giả gắn bó với Việt Nam, rất yêu Việt Nam, nhưng sâu đậm hơn là tình yêu với trẻ thơ. Tác giả sáng tạo câu chuyện về chiếc dép thất lạc với tứ truyện hay như một “tứ thơ”. Người viết vừa giữ được tâm hồn trẻ thơ trong sáng, vừa mang vào truyện đầy tính sáng tạo, mà nghệ thuật viết cũng rất “cao cường”. Đây là một tác phẩm duyên dáng, tuy mỏng nhưng hàm ẩn với một tứ truyện thông minh, và giàu chất nhân văn.
Lọt vào trong chung khảo cũng có 2 truyện dài khá thành công. Đó là tập truyện Cơ Bản là Cơ Bản của tác giả Huy Thông và bản thảo tập truyện Đu đưa trên ngọn cây bàng của tác giả Nguyễn Hoàng Diệu Thủy.
Trường hợp của Huy Thông với tập truyện Cơ Bản là Cơ Bản quý ở chỗ, tác giả nói bằng kỷ niệm tuổi thơ, đưa bối cảnh Covid-19 vào truyện một cách rất “ngọt”, không bị gượng. Văn phong của tác giả hồn nhiên, nhưng cũng rất “hoạt” với điểm nhấn là chất liệu văn hóa.
Trong khi đó với Đu đưa trên ngọn cây bàng của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, tác giả đã kể lại những câu chuyện tuổi thơ theo cách riêng. Trong truyện, tác giả đã dựng lại được một thế giới đầy ắp những kỉ niệm của một tuổi thơ thời bao cấp, với tất cả chất hồn nhiên, trong trẻo và đáng yêu. Để rồi, qua truyện cũng thấy được đời sống của một thời nghèo khó đã qua diễn ra như thế nào. Văn phong của tác giả đẹp, duy trì được giọng văn vừa hồn nhiên, vừa tinh tế, mà cũng rất cá tính theo suốt tác phẩm. Mỗi mẩu chuyện nhỏ, tác giả rất biết cài cắm các chi tiết đặc sắc để cuốn hút người đọc.
Những tác phẩm này hay các tác phẩm khác trong vòng chung khảo, dĩ nhiên không thể đòi hỏi sự toàn bích, nhưng bước đầu đã thấy được những điểm sáng đáng ghi nhận. Các tác phẩm đã nói được bằng tiếng nói trẻ thơ, có khả năng hấp dẫn trẻ thơ, và đánh động được tâm can của người lớn. Như vậy, đã là thành công.
* Ông có nhắc đến một số điểm sáng đáng ghi nhận của các tác phẩm lọt vào vòng chung khảo của giải Dế Mèn năm nay. Xin ông nói rõ hơn về điều này?
- Trước tiên, nhìn vào lực lượng người viết dự giải có thể thấy viết cho trẻ thơ vẫn là niềm mơ ước của bất cứ ai, bất cứ người cầm bút nào. Nhìn rộng hơn, khát vọng viết cho trẻ thơ của chính trẻ thơ, và của người lớn vẫn là khát vọng thường trực và đau đáu. Đây là điều may mắn và đáng quý. Giải thưởng đã góp phần kích hoạt, khích lệ những mơ ước, khát vọng này.
Thứ hai, khi viết cho trẻ thơ, các tác giả không còn viết theo lối áp đặt. Thay vào đó, là lối viết về cơ bản đã “thanh toán” được chất “giáo huấn”. Những người viết đã khai thác, huy động được con người trẻ thơ trong chính mình để cất tiếng. Nhờ vậy, khiến truyện tự nhiên, gần gũi với thế giới tâm hồn, cách cảm, cách nghĩ, cách quan sát của trẻ thơ đối với đời sống.
Thứ ba, những người viết ít nhiều đã có ý thức hoặc bằng những cảm thức tinh tế hướng ngòi bút vào các vấn đề sinh thái, môi trường, cụ thể hơn là thiên nhiên với loài vật, cỏ cây, hoa lá. Năm nay, dự giải có rất nhiều tác giả trở về với thiên nhiên, với không gian sinh thái, như để thầm nói với bạn đọc trước nhất là với những đứa trẻ rằng, thiên nhiên chính là bầu bạn, là mái nhà che chở, nuôi dưỡng tâm hồn, và giúp con người cảm thấy yêu và gắn bó hơn với đời sống này. Những tác phẩm như Cá Linh đi học, Nếu một ngày chúng tớ biến mất, Cơ Bản là Cơ Bản v.v… là ví dụ.
Ngoài ra, dự giải năm nay về cơ bản rất ít những bản thảo thô, chủ yếu là các bản thảo đã được xuất bản thành sách, hoặc bản thảo đã trải qua khâu biên tập. Ngay cả chùm truyện ngắn của tác giả nhí 9 tuổi, đọc cũng rất dễ chịu. Qua đây, có thể thấy khả năng làm chủ tiếng Việt, ý thức gìn giữ và sáng tạo tiếng Việt của các tác giả khá tốt. Đây cũng là một trong những điểm thành công của giải thưởng năm nay.
- Trao giải Dế Mèn và đấu giá nghệ thuật 'Vì mái trường cho em': Nghệ thuật 'vị tương lai'
- 7 vật phẩm được đấu giá trực tiếp tại Lễ trao giải Dế Mèn tối ngày 31/5
- Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 3 - 2022: Người hóa phép cho cá linh bay
* Ở mùa giải năm nay, đáng chú ý có một số tác phẩm do các em thiếu nhi chỉ mới 9-12 tuổi sáng tác, đã lọt vào chung khảo. Qua đây, ông đánh giá như thế nào về năng lực sáng tác, rộng hơn là khả năng sáng tạo của trẻ em?
- Trẻ em luôn luôn là một tiềm năng. Vấn đề ở đây là người lớn cần kích hoạt, tổ chức và trao cho chúng môi trường, cơ hội, phương tiện, trao cho chúng tư thế được phát ngôn, được lên tiếng chắc chắn sẽ có nhiều thành tựu sáng tạo. Ví dụ, chùm truyện ngắn của tác giả An Băng (9 tuổi) có 2 truyện nói về loài cây, 2 truyện nói về loài vật. Tác giả đã thể hiện một trí tưởng tượng phong phú, không bắt chước, mà hoàn toàn là những quan sát thật, và ngẫm nghĩ, tưởng tượng để trao cho các nhân vật một đời sống hết sức sinh động. Giọng kể cho thấy được năng khiếu và một tấm lòng tự nhiên của trẻ thơ.
Hay bộ sách tranh Covid trong mắt trẻ thơ (7 tập) cũng là một ví dụ đáng nói. Đây là tác phẩm của một dự án, trong đó trẻ em tham gia cùng với người lớn trong vai trò là họa sĩ minh họa hoặc dịch thuật để tạo ra những cuốn sách tranh hoàn chỉnh. Đây là mô hình cần được phát triển và nhân rộng. Mô hình này hay ở chỗ đánh thức “tiềm lực” trong mỗi đứa trẻ. Cũng cần nó thêm, đây cũng là một mô hình mới xuất hiện ở giải thưởng năm nay, và cần được quan tâm.
*Xin cảm ơn ông!
Dế Mèn nên “chăm sóc” cho tác phẩm ngay từ bản thảo “Điểm son nổi bật của giải thưởng năm nay là những dự án có sự tham gia của trẻ em vào quá trình sáng tạo tác phẩm. Từ sự phát hiện này, rất cần thêm những người thạo về nghề viết để tổ chức những dự án sáng tác ở nhiều mức độ, đa dạng các hình thức khác nhau. Có như vậy, phong trào sáng tác nghệ thuật của thiếu nhi, cho thiếu nhi và vì thiếu nhi mới có điều kiện tốt để phát triển. Cần nói thêm, góp mặt vào vòng chung khảo năm nay phần lớn là các tác giả mới, nhất là những cây bút nhí, cũng như những dự án sáng tác có sự tham gia của thiếu nhi. Để lực lượng này có điều kiện phát triển nên có sự quan tâm kịp thời, giúp nuôi dưỡng niềm đam mê, để họ thấy không đơn độc và được chờ đợi. Từ đây, chắc chắn sẽ có những trường hợp “bật lên” thành những tác giả theo đuổi nghề viết, đam mê sáng tạo thành công trong tương lai. Mặt khác, để giải thưởng có thêm những tác phẩm chất lượng trong những năm tới nên chăng có thêm việc đầu tư, “chăm sóc” ngay từ bản thảo? Nếu có bản thảo thực sự triển vọng, tiềm năng, ban tổ chức có thể đầu tư để tác giả nâng cấp, và hoàn thiện tác phẩm. Thực tế này đã có ở nhiều giải thưởng, cuộc thi sáng tác khác”. (Nhận xét của PGS-TS Ngô Văn Giá) |
Công Bắc (Thực hiện)