Nới chính sách tiền tệ: Yêu cầu từ thực tế?
Giảm lãi suất cho vay là một yêu cầu thực tế từ khó khăn của các doanh nghiệp trong thời gian qua, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ |
Trước yêu cầu thực tế, Ngân hàng Nhà nước vừa có loạt quyết định mới với hướng nới lỏng dần chính sách tiền tệ.
Từ ngày 21/10, thị trường ngân hàng đón nhận một loạt yếu tố tác động mới, tạo điều kiện để có những chuyển động căn bản cả về nguồn vốn, lợi nhuận, thanh khoản và lãi suất…
Cũng từ thời điểm trên, sau tròn 5 tháng “đột ngột” thắt chặt, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có sự nới lỏng nhất định.
5 tháng với nhiều biến động
Sáng ngày 17/5/2008, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo công bố những điều chỉnh mới trong điều hành chính sách tiền tệ. Đó là những điều chỉnh mạnh và tạo bước ngoặt mới về cơ chế và cả diễn biến thực tế trên thị trường.
Cụ thể, từ thời điểm đó (ngày hiệu lực là 19/5), lãi suất cơ bản từ một công cụ xơ cứng trở nên sống động hơn khi trở thành một mực thước để các tổ chức tín dụng căn đo lãi suất cho vay đầu ra. Lãi suất cơ bản đồng Việt Nam từ mức cố định 8,75%/năm nhiều tháng trước đó tăng mạnh lên 12%/năm. Lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng theo đó không được vượt quá 150%, ứng với “trần” 18%/năm.
Cùng với lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, tái cấp vốn cũng lần lượt tăng lên 13% và 11% (một thời gian dài trước đó duy trì ở mức 7,5% và 6%).
Trước đó, ngày 17/3/2008, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phát hành 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc với mục đích hút bớt tiền trong lưu thông, góp phần kiềm chế lạm phát.
Ngày 11/6/2008, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những điều chỉnh đối với các lãi suất chủ chốt: lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam được tăng từ 12%/năm lên 14%/năm; lãi suất tái cấp vốn tăng thêm 2% lên 15%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 11% lên 13%/năm.
Đi cùng với sự điều chỉnh trên, “trần” lãi suất cho vay đầu ra bằng VND của các ngân hàng thương mại được ấn định ở mức 21%/năm và kéo dài cho đến ngày 20/10/2008.
Và cũng đi cùng với sự điều chỉnh đó, lãi suất huy động VND trên thị trường bước vào một đợt sóng dâng cao chưa từng có. Đỉnh điểm cuối tháng 6 có trường hợp đưa lãi suất huy động lên tới 20%/năm, nhiều ngân hàng áp từ 19% đến gần 19,5%/năm.
Tuy nhiên, ngày 26/6/2008, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu phát tín hiệu hỗ trợ các ngân hàng thương mại bằng việc trả thêm lãi suất cho lượng tín phiếu bắt buộc phát hành ngày 17/3 trước đó, nâng từ 7,8%/năm lên 13%/năm.
Sự hỗ trợ này tiếp tục được thực hiện bằng quyết định vào ngày 29/8, trả thêm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc cho các tổ chức tín dụng, tăng từ 1,2% lên 3,6%/năm; bên cạnh việc giữ nguyên lãi suất cơ bản 14%/năm.
Và ngày 25/9, một lần nữa Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng cường sự chia sẻ với các ngân hàng thương mại bằng việc chi thêm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc, tăng từ 3,6%/năm lên 5%/năm; bên cạnh việc mở cơ chế cho phép các ngân hàng sử dụng tín phiếu bắt buộc làm công cụ tham gia nghiệp vụ thị trường mở.
Với những tín hiệu trên, một số bình luận cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt và đã gián tiếp nới lỏng. Việc tăng lãi suất và tạo cơ chế mở cho tín phiếu bắt buộc, tăng mạnh lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc là gián tiếp giảm chi phí vốn cho các ngân hàng, tạo điều kiện tăng cường thanh khoản và quan trọng hơn là gián tiếp kéo lãi suất cho vay trên thị trường xuống, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Sau những điều chỉnh trên, lãi suất huy động và cho vay trên thị trường đã bắt đầu giảm, đặc biệt là lãi suất huy động. Lãi suất cho vay VND từ 20% - 21% đã giảm phổ biến xuống từ 19% - 20%, một số ngân hàng áp 18% và 17,5%/năm cho một số đối tượng. Lãi suất huy động cũng giảm mạnh từ trên 19%/năm hồi tháng 6 xuống phổ biến dưới 17%/năm ở thời điểm này.
Và ngày 20/10, Ngân hàng Nhà nước chính thức phát đi thông điệp dần nới lỏng chính sách tiền tệ với loạt quyết định quan trọng.
Yêu cầu từ thực tế?
4 quyết định đã được ban hành trong ngày 20/10 và bắt đầu áp dụng từ ngày 21/10/2008. Cụ thể, lãi suất cơ bản giảm từ 14%/năm xuống còn 13%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ 15%/năm xuống 14%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 13%/năm xuống 12%/năm; lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc tăng gấp đôi từ 5% lên 10%/năm; 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc được thanh toán trước hạn theo nhu cầu.
Lãi suất cơ bản giảm xuống 13%/năm đồng nghĩa với “trần” lãi suất cho vay tối đa của các ngân hàng hạ xuống 19,5%/năm. Lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu giảm và đặc biệt là lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc tăng mạnh sẽ giúp các ngân hàng giảm bớt chi phí vốn. Tín phiếu bắt buộc được trả trước hạn cũng hỗ trợ thanh khoản, nguồn vốn cho các thành viên trong trường hợp cần thiết…
Sự nới lỏng trên cũng sẽ gián tiếp tạo điều kiện để các nhà băng xem xét tiếp tục giảm lãi suất cho vay đầu ra, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Giảm lãi suất cho vay cũng là một yêu cầu thực tế từ khó khăn của các doanh nghiệp trong thời gian qua, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Yêu cầu này cũng đã có trong những kiến nghị từ các tổ chức, hiệp hội đại diện doanh nghiệp trình lên Chính phủ.
Giảm lãi suất cho vay cũng là một yêu cầu từ chính lợi ích của các ngân hàng thương mại, trong kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm, phục vụ mục tiêu lợi nhuận, bởi lãi suất cho vay quá cao trước đó đã hạn chế nhiều nhu cầu vay vốn. Và dù tăng trưởng tín dụng năm nay có giới hạn 30%, nhưng sau 9 tháng mới chỉ tăng 18,03%, đặc biệt tăng chậm trong 3 tháng trở lại đây.
Tín dụng tăng trưởng thấp có thể cũng là một yếu tố để Ngân hàng Nhà nước xem xét để có những quyết định nới lỏng nói trên. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng khác là lạm phát.
Sau tháng 9 tăng chậm, lạm phát tháng 10 dự báo sẽ thuận lợi, đặc biệt là có tác động từ những đợt giảm giá xăng dầu vừa qua. Bước đầu dữ liệu tại một số địa bàn cho thấy lạm phát đã chính thức giảm nhẹ, thay vì giảm tốc trước đó. Thời gian qua, một số chuyên gia cũng cho rằng việc nới dần chính sách tiền tệ cần bám sát tín hiệu này.
Ở một tín hiệu khác, theo Ngân hàng Nhà nước, việc kìm chế tốc độ tăng của tổng phương tiện thanh toán cũng đã có kết quả. Tính đến 30/9, tổng phương tiện thanh toán ước chỉ tăng 6,29%, thấp hơn nhiều so với mức tăng tới 28,06% của cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, có thể có những nghi ngại về sự nới lỏng nói trên của Ngân hàng Nhà nước, khi cân nhắc các điều kiện và lợi ích; nhưng một lần nữa nhà điều hành cho thấy đã có sự linh hoạt trong sử dụng các công cụ điều tiết thị trường.
(Theo VnEconomy)