Nỗi buồn 'phim nghệ thuật' Việt
1. CGV Art House được CGV lập ra để chiếu các phim nghệ thuật của Việt Nam và Hàn Quốc, với giá vé ưu đãi, mà mở đầu là Cánh đồng bất tận hồi 31/12/2014. Gần đây là các phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Đập cánh giữa không trung, và danh sách dự kiến còn kéo dài. Không có hệ thống này thì hai phim vừa kể tên thật khó để tìm đường ra rạp, dù được nhiều nơi ca ngợi.
Cũng chính hệ thống này tạo nên sự bất ngờ khi mà Đập cánh giữa không trung đã bán được hơn 17.000 vé sau 2 tuần công chiếu, thu về số tiền tuy không nhiều, nhưng là niềm vui chung cho nhiều phía. Bởi nếu tổ chức bài bản hơn, với hệ thống phòng chiếu nhiều hơn, thì việc bán vé với phim nghệ thuật đâu phải là bất khả thi.
Hiện nay CGV Art House mới có ở CGV Parkson Paragon (TP.HCM) với một phòng chiếu chuyên phim Việt Nam, một phòng chiếu chuyên phim Hàn Quốc, và ở CGV Hồ Gươm Plaza (Hà Nội), chiếu xen kẽ phim Việt Nam, Hàn Quốc.
Một cảnh trong Những đứa con của làng. Ảnh: TL
2. Có một dạo chúng ta hay than phim do nhà nước đặt hàng, phim nghệ thuật giá trị như vậy nhưng khó tìm đường ra rạp, do các rạp tư nhân không ủng hộ. Điều này đang thay đổi, vì các rạp tư nhân đã rộng cửa hơn với tất cả các dòng phim, phần còn lại là các phim phải tự cạnh tranh để tìm khán giả.
Câu hỏi, cũng là nỗi buồn chính, đó là tại sao phải chờ đến CGV thì chúng ta mới có được vài phòng chiếu cho phim nghệ thuật nói chung, trong khi chủ trương của nhà nước là muốn làm những phim có giá trị nghệ thuật?
Khán giả đi xem phim nghệ thuật thường khó tính với chất lượng nghệ thuật của phim hơn là chất lượng phòng chiếu (phim của Síu Phạm chiếu bằng máy phóng bình thường cũng có người xem là một ví dụ), nên các rạp sẵn có do nhà nước quản lý đều có thể chiếu dòng phim này. Theo Cục Điện ảnh, tính đến năm 2010, cả nước còn có 72 rạp do nhà nước quản lý, gồm 104 phòng chiếu, với 26.279 ghế ngồi. Nếu có quyết tâm và chiến lược năng động, chỉ cần 5-10% số phòng chiếu này có khung giờ cho phim nghệ thuật Việt Nam thì sẽ đỡ hẩm hiu, mà các rạp cũng đỡ hoang phí.
Cũng cần lưu ý thêm, với hệ thống rạp chiếu áp đảo, CGV, Lotte Cinema (thuộc các nhà thầu Hàn Quốc) đang bỏ túi phần lớn số tiền bán vé tại Việt Nam, mà năm 2014 là xấp xỉ 100 triệu USD. Họ cũng chủ động ủng hộ các hoạt động làm phim bổ ích (như YxineFF), nay còn chủ động tạo sức ảnh hưởng trực tiếp với phim nghệ thuật (trong đó có phim nhà nước), vốn là bản sắc riêng và bảo bối của nền điện ảnh. Thế nên, không buồn sao được.
Những đứa con của làng từng được chiếu tại LHP quốc tế Hà Nội 2014, và sắp tới đây tranh giải tại Cánh diều vàng 2015 vào ngày 12/3/2015. Nhìn một cách sòng phẳng thì Những đứa con của làng là phim có mấy điểm chỉn chu: kịch bản, bối cảnh, diễn xuất, hình ảnh… - tất cả đều vượt sự mong đợi, nhất là so với mức đầu tư còn hạn chế. Với những khán giả thích dòng phim có thông điệp rõ ràng và cách kể chuyện kiểu cũ thì phim này đáp ứng được. Còn với khán giả thích cách kể hiện đại thì phim hơi lạc hậu về thủ pháp và tiết tấu. Giá như cũng với các điểm chỉn chu đó mà đạo diễn chọn cách kể hiện đại hơn thì chắc chắn phim sẽ có được nhiều khán giả hơn nữa. |
Thể thao & Văn hóa