Nobel Y học tôn vinh các 'hiệp sĩ' chống giun và muỗi
(Thethaovanhoa.vn) - Giải Nobel Y học, mở màn cho mùa giải Nobel 2015, vừa được trao cho 3 nhà khoa học do các công trình nghiên cứu của họ về bệnh do ký sinh trùng gây ra.
Một nửa giải thưởng được trao cho hai nhà khoa học William Campbell tới từ Ireland và Satoshi Omura từ Nhật Bản. Cùng nhau, họ đã phát hiện ra loại thuốc điều trị bệnh nhiễm trùng, do giun sống ký sinh trong cơ thể người gây ra. Nửa giải còn lại được trao cho nhà khoa học Youyou Tu tới từ Trung Quốc. Bà đã tìm ra loại thuốc mới chống ký sinh trùng gây bệnh sốt rét.
Những phát minh đã giúp đỡ hơn 3 tỷ người
"Các bệnh do ký sinh trùng gây ra đã ảnh hưởng tới cộng đồng dân cư nghèo nhất thế giới, tạo ra một rào cản khổng lồ trong việc cải thiện và nâng cao sức khỏe của con người" - Ủy ban Nobel tại Viện Karolinska danh giá tuyên bố trong thông báo trao giải Nobel Y học.
Theo Ủy ban Nobel, Campbell và Omura đã phát hiện ra avermectin, một loại thuốc đã được dùng để điều trị cho hàng trăm triệu người bị mắc bệnh giun chỉ (bệnh mù sông) và bệnh giun chỉ bạch huyết (phù chân voi).
Về phần mình, Tu phát hiện ra artemisinin, loại thuốc đã giảm mạnh số trường hợp tử vong do sốt rét. Hiện thuốc này cũng được sử dụng phổ biến trong cuộc chiến chống các căn bệnh do ký sinh trùng sống trên muỗi gây ra. Điều đáng chú ý nằm ở chỗ bà là người Trung Quốc đầu tiên được trao giải Nobel Y học.
Khoảng 3,4 tỷ người, với đa số sống tại các nước nghèo, có nguy cơ mắc phải 3 bệnh kể trên. Vì thế có thể thấy phát hiện của các nhà khoa học đã có tác động lớn thế nào. "Hai phát hiện này đã mang tới cho nhân loại các biện pháp mới mạnh mẽ, nhằm chống những căn bệnh đã ảnh hưởng tới hàng trăm triệu người mỗi năm. Tác động của các phát hiện này trong việc cản thiện sức khỏe con người và giảm nỗi khổ đau là không thể đo đếm được" - Ủy ban Nobel tuyên bố.
Omura và Campbell đã có sự đột phá trong hoạt động chống bệnh do giun gây ra sau khi nghiên cứu các hợp chất hình thành từ một số loại vi khuẩn sống trong đất. Từ đây họ phát hiện ra avermectin và sau đó tiếp tục biến đổi nó thành thuốc ivermectin. Loại thuốc này thành công tới mức bệnh giun chỉ và phù chân voi giờ đã sắp bị xóa sổ.
"Các vi khuẩn xứng đáng được tôn vinh hơn tôi"
Omura nói rằng công lao thực sự trong thành tựu của ông phải dành cho tế bào Streptomyces. Loài tế bào này sinh ra các hóa chất rất hiệu quả trong việc tiêu diệt các loại ký sinh trùng.
"Tôi băn khoăn không biết mình có xứng đáng đoạt giải hay không" - ông nói sau khi biết tin nhận giải - "Tôi đã thực hiện tất cả các công việc nghiên cứu của mình dựa trên các vi khuẩn và học hỏi từ chúng. Vì thế tôi nghĩ rằng các vi khuẩn xứng đáng được tôn vinh hơn tôi."
Trong khi đó, Tu đã dùng thảo dược truyền thống để chữa bệnh sốt rét, sau khi các loại thuốc khác như chloroquine và quinine đã giảm dần hiệu quả trong việc chữa căn bệnh. Bà thấy rằng chất trích xuất từ cây thanh cao hoa vàng (artemisia annua) đôi khi hiệu quả trong việc chống bệnh sốt rét, nhưng kết quả không ổn định. Vì thế bà đã đọc lại các cuốn sách cổ về Đông y, gồm cả một bài thuốc có từ năm 350 sau Công nguyên, để tìm dấu vết.
Nhờ đó, bà đã xác định được artemisinin, một loại thuốc chống sốt rét mới, đã phổ biến ở Trung Quốc trước khi đặt chân tới phương Tây. Bà Tu đã làm việc tại Học viện Y học cổ truyền Trung Quốc từ năm 1965.
Ivermectin và thuốc dựa trên artemisinin về sau đều đã được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào nhóm các loại thuốc quan trọng thiết yếu. "Chúng ta giờ đã có các loại thuốc có thể tiêu diệt những ký sinh trùng đó ngay từ giai đoạn đầu trong vòng đời của chúng" - Juleen Zierath, Chủ tịch Ủy ban Nobel nói - "Chúng không chỉ giết các ký sinh trùng mà còn ngăn không cho sự nhiễm trùng lan rộng."
Bất chấp việc thế giới đã kiểm soát tốt bệnh sốt rét trong thập kỷ vừa qua, căn bệnh này vẫn giết khoảng nửa triệu người một năm. Đại đa số các nạn nhân là trẻ em tại những vùng nghèo nhất ở châu Phi.
Ba người đoạt giải sẽ nhận khoản tiền thưởng trị giá 8 triệu crown Thụy Điển (960.000 USD).
Năm ngoái, giải Y học được trao cho 3 nhà khoa học đã phát hiện ra hệ thống "định vị" của não bộ con người.
Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa