Nobel về Văn học năm 2019: Trở lại với giải thưởng 'kép' sau năm 2018 nhiều tai tiếng
(Thethaovanhoa.vn) - Nhằm khôi phục danh tiếng sau một năm trì hoãn trao giải bởi những bê bối liên quan đến Viện Hàn lâm Thụy Điển, giải thưởng Nobel Văn học năm nay sẽ có những thay đổi trong việc lựa chọn ra “tác phẩm xuất sắc nhất theo hướng lý tưởng”. Viện Hàn lâm kỳ vọng Nobel Văn học sẽ được cộng đồng văn học toàn cầu đón nhận.
Ngày 10/10 tới đây, Viện Hàn lâm Thụy Điển sẽ công bố tân chủ nhân của giải Nobel Văn học 2018 - 2019. Đặc biệt, năm nay không chỉ một mà sẽ có tới 2 cái tên được vinh danh, bù lại cho một năm bị hoãn do bê bối chưa từng có trong lịch sử giải Nobel văn học. Dù không có danh sách chính thức, nhưng đã có nhiều cái tên nổi bật đang được giới phê bình đánh giá cao trong “cuộc đua” năm nay.
Năm 2018 “đen tối” của giải Nobel Văn học
Viện Hàn lâm Thụy Điển đã có một năm lao đao bởi những bê bối nội bộ khiến lần đầu tiên giải thưởng Nobel về văn học phải trì hoãn trao giải.
Đầu năm 2018, ông Jean-Claude Arnault (71 tuổi), nhiếp ảnh gia người Pháp, một nhân vật tiếng tăm trong giới nghệ thuật Thụy Điển đã bị cáo buộc quấy rối tình dục đối với 18 phụ nữ ở những mức độ nghiêm trọng khác nhau. Sau đó, Viện Hàn lâm Thụy Điển thừa nhận rằng họ đã được thông báo về cáo buộc tấn công tình dục của Arnault vào năm 1996, nhưng đã “không làm gì với thông tin này”.
Ông Jean-Claude là chồng bà Katarina Frostenson (65 tuổi) - một nữ nhà thơ vốn là thành viên trong Viện Hàn lâm Thụy Điển. Điều đáng nói là Jean-Claude cùng vợ lúc đó đang điều hành một câu lạc bộ văn hóa tư nhân dưới sự tài trợ của Viện Hàn lâm Thụy Điển. Dù không phải thành viên của Viện, nhưng Jean có mối quan hệ mật thiết với cơ quan này và là nhân vật có tiếng trong giới văn sĩ của Stockholm.
Ngoài ra, Jean-Claude còn bị cáo buộc làm rò rỉ tên người chiến thắng Nobel Văn học tới 7 lần, kể từ năm 1996. Tháng 10/2018, ông Jean-Claude Arnault đã bị kết án vì hành vi tấn công tình dục và lĩnh án hai năm tù giam.
Sau tai tiếng của chồng, bà Frostenson và 5 thành viên khác trong tổng số 18 thành viên của Viện Hàn lâm Thụy Điển đã từ chức, xin rút lui khỏi các công việc và vị trí trong Viện dẫn đến thiếu số lượng đại biểu quy định khi cần ít nhất 12 thành viên tham gia bỏ phiếu các hoạt động quan trọng của Viện, khiến việc trao giải phải trì hoãn mất một năm. Vụ việc được xem là lùm xùm lớn nhất của giải Nobel Văn học kể từ khi thành lập năm 1901 đến nay, khiến uy tín của Viện Hàn lâm Thụy Điển sụt giảm nghiêm trọng.
Sau những lục đục nội bộ, giải thưởng Nobel về Văn học năm nay sẽ trở lại với một “cú đúp” khi sẽ xướng tên tới 2 người chiến thắng, bù lại cho một năm bị hoãn do bê bối chưa từng có. Ông Anders Olsson - người đứng đầu Ủy ban giải thưởng chia sẻ rằng, việc lựa chọn người xứng đáng năm nay sẽ không theo những lề lối, quan điểm “thống trị” trong quá khứ, tránh xa bất bình đẳng giới (thiên về nam giới) và ưu tiên người châu Âu.
“Chúng tôi từng có quan điểm thiên về người châu Âu khi lựa chọn chủ nhân của giải thưởng, nhưng bây giờ chúng tôi sẽ tìm kiếm từ khắp thế giới. Trước đây, nam giới được xem trọng hơn, nhưng hiện tại đang có rất nhiều tác giả nữ thật sự tuyệt vời. Vì vậy, chúng tôi hy vọng giải thưởng và toàn bộ quá trình của giải thưởng sẽ được đẩy mạnh và mở rộng phạm vi đánh giá” - ông Olsson cho biết.
Cho đến nay, tiêu chí lựa chọn người thắng giải Nobel Văn học vẫn còn là ẩn số. Tuy nhiên, theo ý chí của Alfred Nobel, giải thưởng thuộc về nhà văn/nhà thơ sáng tạo ra “tác phẩm xuất sắc nhất theo hướng lý tưởng”.
Cuộc cạnh tranh của những tên tuổi “nặng ký”
Sự thay đổi trong tiêu chí đánh giá của giải Nobel Văn học năm nay khiến dư luận hướng sự chú ý đến những nữ tác giả sáng giá. Với giải thưởng trị giá 9 triệu krona Thụy Điển (khoảng 1 triệu USD) luôn là giải thưởng cao quý và giá trị nhất trong lĩnh vực văn chương hiện nay.
Được biết hàng năm, có khoảng 200 tác giả trên toàn thế giới sẽ được Viện Hàn lâm Thụy Điển xem xét. Danh sách rút gọn hơn thường được đưa ra trong tháng 5 và cuối cùng là top 5 nhà văn vào vòng bình chọn cuối cùng. Thông tin chi tiết về danh sách đề cử chỉ được công bố 50 năm sau sự kiện.
Ngoài ra, xét tới việc chỉ có 14/114 người từng thắng giải Nobel Văn học là nữ giới, Ủy ban giải Nobel khẳng định rằng tiêu chí xét giải cần phải được mở rộng hơn nữa để tạo nên sự đa dạng trong các nhân vật được nhận giải.
Trong thời điểm cận kề ngày trao giải, nữ nhà văn người Pháp Maryse Condé (82 tuổi), nữ nhà thơ - nhà văn người Canada - Margaret Atwood (79 tuổi), nữ nhà văn người Nga Lyudmila Ulitskaya (76 tuổi), nhà thơ người Canada Anne Carson (69 tuổi)… đang được dư luận đánh giá cao.
Những cái tên khác hiện cũng đang được giới văn chương quốc tế nhắc tới như những ứng viên nặng ký tại giải năm nay, còn có nhà văn người Hungary - László Krasznahorkai (65 tuổi), nữ nhà văn người Ba Lan Olga Tokarczuk (57 tuổi), nhà văn người Nhật Haruki Murakami (70 tuổi), hay nhà văn người Kenya - Ngugi wa Thiong’o (81 tuổi).
“Khi có hai người thắng giải được xướng lên cùng một lúc, một người sẽ là phụ nữ, và hai người nhiều khả năng sẽ tới từ hai châu lục khác nhau” - nhà báo Fiammetta Rocco của tờ The Economist dự báo.
Nổi bật trong số các ứng cử viên phải kể đến nữ tiểu thuyết gia Margaret Atwood, người đã gây ấn tượng tới nền văn học thế giới với tác phẩm tiểu thuyết ăn khách The Handmaid's Tale (tạm dịch là Chuyện người hầu gái).
Tiểu thuyết kể về một thế giới hư cấu trong tương lai khi một nhà nước cuồng giáo tên Gilead được sinh ra và thống trị nước Mỹ sau một cuộc nội chiến. Tại xã hội này, đàn ông được coi như bề trên, nắm giữ các chức vụ quan trọng trong khi phụ nữ bị biến thành vợ, người hầu, bị cưỡng bức và hành hạ, bị coi như những "chiếc máy đẻ" nhằm duy trì nòi giống của đất nước. Câu chuyện theo dõi hành trình của Offred - một người phụ nữ bị Gilead bắt giữ và biến thành người hầu cho một gia đình. Tác phẩm đã thành công đến mức được dựng thành phim và nhận được rất nhiều lời khen từ các nhà phê bình.
Một cái tên “nặng ký’ không kém là nhà thơ, dịch giả Anne Carson. Sinh ở Toronto (Canada), vị giáo sư về văn học cổ điển nổi tiếng này từng dạy học ở những trường đại học lớn trên thế giới như: ĐH Michigan, ĐH California, ĐH Princeton...
Sau bài thơ dài Kinds Of Water giúp bà nổi tiếng thế giới vào năm 1987, Anne Carson xuất bản khá nhiều, từ thơ đến truyện, truyện thơ, tiểu luận phê bình và tác phẩm dịch. Trong số đó, được chú ý nhất là các tập thơ như Glass, Irony and God (1995), Autobiography Of Red (1998) và đặc biệt tác phẩm mới nhất là NOX (2010). Với những tác phẩm ấy, bà nhận được nhiều giải thưởng văn học quan trọng ở Mỹ cũng như ở Canada. Một số nhà phê bình cho rằng thơ của bà đầy tính sáng tạo, giàu hình ảnh và độc đáo hiếm có.
Các giải Nobel năm nay bắt đầu trao từ ngày 7/10, còn giải Văn học sẽ trao vào ngày 10/10 tới. Hai giải thưởng năm nay của Viện Hàn lâm Thụy Điển sẽ trao cho những tác giả xứng đáng nhất, viết ra những tác phẩm mang tính quảng đại, vì con người theo như ý nguyện của Alfred Nobel.
Những người giành giải Nobel Văn học từ năm 2010 đến nay - 2010: Nhà văn, nhà báo kiêm chính trị gia Mario Vargas Llosa (người Peru). - 2011: Nhà thơ, nhà văn Tomas Tranströmer (Thụy Điển). - 2012: Nhà văn Mạc Ngôn (Trung Quốc). - 2013: Nữ nhà văn Alice Munro (Canada). - 2014: Nhà văn, tiểu thuyết gia Patrick Modiano (Pháp). - 2015: Nữ nhà văn, nhà báo Svetlana Alexievich (Belarus). - 2016: Ca sĩ, diễn viên, nhà biên kịch kiêm nhà văn Bob Dylan (Mỹ). - 2017: Tiểu thuyết gia, nhà biên kịch Ishiguro Kazuo (người Anh gốc Nhật Bản). |
Quỳnh Trang