Nỗ lực khẳng định vị trí của dòng tranh Kim Hoàng trong dòng chảy chung của tranh dân gian Việt Nam
Ngày 9/8, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội), Nhà xuất bản Thế giới, Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội tổ chức ra mắt cuốn sách “Tranh dân gian Kim Hoàng” của nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa.
Cuốn sách được ra đời song song với việc triển khai Dự án khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng (triển khai từ năm 2016 đến nay) do nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội chủ trì. Dự án có sự tham gia của nhiều nghệ nhân, nhà sưu tầm tranh dân gian Việt Nam, các họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử mỹ thuật, nhiếp ảnh gia…
Cuốn sách “Tranh dân gian Kim Hoàng” gồm 4 chương với hàng trăm ảnh mầu minh họa, tài liệu tham khảo và trích dẫn. Thông qua cuốn sách, người đọc có thể hiểu thêm về nguồn gốc của dòng tranh Kim Hoàng, ngắm nhìn toàn cảnh làng Kim Hoàng từ trên cao cho tới cận cảnh từng họa tiết chạm khắc trong đình làng; hiểu thêm về nghề sản xuất giấy làm tranh ở Việt Nam nói chung và sản xuất giấy, mực in, tô tranh Kim Hoàng nói riêng. Cuốn sách cũng đề cập tới Dự án khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng.
Bên cạnh đó, cuốn sách cũng miêu tả và có nhiều hình ảnh sinh động mô tả quá trình khôi phục tranh, in tranh, những giao lưu, triển lãm giới thiệu tranh Kim Hoàng với công chúng trong nước và quốc tế; những khó khăn khi bảo tồn và hướng phát triển dòng tranh này trong đời sống hiện đại...
Cuốn sách "Dòng tranh dân gian Kim Hoàng" ra đời là một nỗ lực để khẳng định vị trí của dòng tranh Kim Hoàng trong dòng chảy chung của tranh dân gian Việt Nam.
Theo nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa, nhắc đến tranh Tết, người ta thường nghĩ ngay đến tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống. Ít ai biết, Kim Hoàng cũng là một dòng tranh nổi tiếng xứ Kinh Kỳ xưa mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, tranh Kim Hoàng dường như đứng trước nguy cơ thất truyền, nếu không có sự phục hồi kịp thời và phát huy giá trị của di sản.
Tranh dân gian Kim Hoàng hình thành từ nửa sau thế kỷ XVIII, xuất xứ từ làng Kim Hoàng (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) từng là một làng quê nổi tiếng với nghề làm tranh, sánh ngang cùng Đông Hồ, Hàng Trống.
- Mở cửa Không gian trưng bày mỹ thuật đương đại tại Bảo tàng Mỹ thuật
- Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khai trương trưng bày 'Sưu tập tranh cổ động'
Giống với một số dòng tranh khác, tranh Kim Hoàng có những chủ đề quen thuộc với đời sống người dân nông thôn và cũng có những thể loại như tranh Tết, tranh thờ… đáp ứng những nhu cầu đa dạng, từ trang hoàng nhà cửa nhân dịp Tết đến, Xuân về, cầu cho phúc lộc đầy nhà, cho đến xua đuổi tà ma, giữ nhà yên ấm.
Theo nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa: “Khác với 30 dòng tranh dân gian Việt Nam khác, dòng tranh dân gian Kim Hoàng gần như biến mất kể từ lần xuất hiện vào Tết năm 1947. Câu chuyện của tranh dân gian Kim Hoàng không chỉ là lịch sử tranh dân gian Kim Hoàng, kỹ thuật sản xuất tranh... mà là câu chuyện phục hồi lại một dòng tranh dân gian. Công sức của tất cả các nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, các họa sĩ và nhân dân làng Kim Hoàng đã tạo nên một kỳ tích. Sau 75 năm biệt tăm, dòng tranh dân gian Kim Hoàng đã trở lại để tự đi những bước đi đầu tiên ở thế kỷ XXI.
Bà Nguyễn Thị Thu Hòa mong muốn, cuốn sách và Dự án khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng sẽ truyền cảm hứng để mọi người hiểu hơn về dòng tranh này và quan trọng nhất là khơi dậy niềm tự hào, ý thức bảo vệ di sản của người dân Kim Hoàng, qua đó giúp dòng tranh dân gian Kim Hoàng có chỗ đứng, bám rễ sâu hơn trong lòng nhân dân.
Nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa hiện là Giám đốc Bảo tàng gốm sứ Hà Nội - một trong những bảo tàng gốm sứ tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Khởi đầu với công việc sưu tầm gốm sứ, trong quá trình đi sưu tầm, bà đã phát hiện ra nhiều dòng tranh dân gian đặc sắc đang lưu lạc hoặc đã thất truyền. Từ đó, với mong muốn bảo tồn, giữ gìn và phát huy những di sản của ông cha ta để lại, nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa đã cất công tìm hiểu tư liệu, khảo sát điền dã thực địa để thực hiện và hoàn thành nhiều công trình khoa học đặc sắc về “tranh dân gian Việt Nam”, trong đó một số công trình được in thành sách rất công phu, như: Dòng tranh dân gian Đông Hồ, Dòng tranh dân gian Kim Hoàng, Dòng tranh dân gian Hàng Trống, Tranh dân gian Huế,…
Năm 2020, hai cuốn sách “Dòng tranh dân gian Đông Hồ”, “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng” mà bà tham gia thực hiện đã được vinh danh tại Giải thưởng Sách Quốc gia.
Minh Huệ/TTXVN