Nkosi Johnson, cậu bé được Google tôn vinh ngày 4/2/2020 là ai?
(Thethaovanhoa.vn) - Nkosi Johnson là một đứa trẻ Nam Phi bị nhiễm HIV/AIDS, người đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của công chúng về đại dịch và ảnh hưởng của nó trước khi chết ở tuổi 12.
Nkosi Johnson được coi là một trong số những người truyền cảm hứng lớn nhất của Nam Phi. Tại thời điểm qua đời, Nkosi Johnson là đứa trẻ sống sót lâu nhất khi nhiễm HIV.
- Vượt qua 180 nghìn 'đối thủ', tác phẩm của cô bé 7 tuổi trở thành biểu tượng Google Doodle hôm nay 8/1
- Baba Amte - Người được Google Doodle vinh danh hôm nay
Nkosi Johnson, tên khai sinh là Xolani Nkosi, cậu bé sinh ngày 4/2/1989 tại một thị trấn phía đông thành phố Johannesburg, mất ngày 1/6/2001 tại quê nhà.
Cậu bé không bao giờ biết cha mình. Mẹ ruột của cậu bé là Nonthlanthla Daphne Nkosi, dương tính với HIV và truyền virus cho đứa con chưa sinh của mình. Cậu bé là một trong số hơn 70.000 trẻ em bị nhiễm HIV ở Nam Phi mỗi năm.
Nkosi Xolani là một chiến binh. Cậu bé sống sót sau sinh nhật thứ hai, điều bất thường ở những đứa trẻ nhiễm HIV khi đó. Khi căn bệnh AIDS bắt đầu hủy hoại Nonthlanthla Daphne Nkosi, cô và Xolani Nkosi đã được đưa vào một trung tâm chăm sóc bệnh nhân AIDS ở Johannesburg.
Chính tại đó, Gail Johnson, Giám đốc trung tâm, lần đầu tiên nhìn thấy cậu bé và người mẹ ốm yếu của mình. "Khi nhìn thấy họ, trong tôi dấy lên một cảm xúc đồng cảm khó tả. Bởi trước đó, người thân trong gia đình tôi cũng chết vì căn bệnh quái ác này. Tôi không muốn mình chỉ đứng nhìn hay thao thao nói về căn bệnh này, tôi muốn bắt tay vào làm. Đó là lúc tôi nhận nuôi Xolani Nkosi" - Gail Johnson nói về Nkosi Xolani và mẹ cậu bé, người mất năm 1997.
Năm mẹ ruột của Nkosi đã chết vì HIV/AIDS vào cùng năm Nkosi Johnson bắt đầu đi học. Tình trạng của Nkosi Johnson dần dần xấu đi trong những năm sau đó, mặc dù, với sự giúp đỡ của thuốc men và điều trị, Nkosi đã có thể có một cuộc sống khá khỏe mạnh ở trường và ở nhà.
Ở tuổi thứ 7, Nkosi Johnson được ghi nhận là em bé mắc bệnh AIDS sống lâu nhất tại Nam Phi. Với tình yêu thương bản năng của một người mẹ, mẹ nuôi của Nkosi Johnson đã đấu tranh quyết liệt, thậm chí bà đã ra tòa, để buộc trường tiểu học địa phương nhận cậu là học sinh.
Nkosi Johnson lần đầu tiên được công chúng chú ý vào năm 1997, khi cậu bé đang là học sinh một trường tiểu học ở ngoại ô thành phố Melville, cậu từ chối nhận làm học sinh vì tình trạng dương tính với HIV. Vụ việc đã gây ra sự phẫn nộ ở cấp chính trị cao nhất Hiến pháp Nam Phi cấm phân biệt đối xử với lý do tình trạng y tế và trường học sau đó đã đảo ngược quyết định của mình.
Một năm trước khi qua đời, Nkosi Johnson thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế vào tháng 7/2000 khi cậu có bài phát biểu đầy cảm xúc tại lễ khai mạc Hội nghị quốc tế về AIDS lần thứ 13 ở Durban, Nam Phi.
Khi đó, đứng trước đám đông, cậu dõng dạc kêu gọi lòng trắc ẩn ở con người đối với những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo như HIV/AIDS, đồng thời góp tiếng nói vào việc cải thiện điều trị y tế cho bệnh nhân AIDS, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai.
Sau bài phát biểu và hoạt động tích cực, Nkosi Johnson đã đấu tranh để những trẻ em Nam Phi nhiễm HIV được phép đi học và không bị phân biệt đối xử. Nkosi Johnson sớm trở thành một nhân vật quốc gia trong chiến dịch chống kỳ thị bệnh nhân AIDS.
Cùng với người mẹ nuôi của mình, Nkosi đã thành lập một trung tâm, là nơi nương tựa cho những người mẹ nhiễm HIV và những đứa con của họ, Nkosi's Haven, ở Johannesburg.
Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela gọi Nkosi là một "biểu tượng của cuộc đấu tranh cho cuộc sống".
Bài phát biểu khiến 10.000 đại biểu chết lặng
Trong bộ đồ vest tối màu, vận giày thể thao, cậu bé có thân hình nhỏ bé cất tiếng nói vào một ngày hè năm 2000, một năm trước khi cậu qua đời. Câu chuyện đời của cậu đã khiến 10.000 đại biểu quốc tế chết lặng trong sự khâm phục và niềm cảm thương dâng trào nước mắt.
Hôm đó, cậu đã nói: "Xin chào mọi người! Cháu tên là Nkosi Johnson. Năm nay cháu 11 tuổi. Cháu là một bệnh nhân AIDS, cháu bị nhiễm HIV từ khi chưa lọt lòng... Thật buồn khi chứng kiến nhiều người cũng như cháu.
Cháu biết, mẹ ruột rất yêu cháu và sẽ đến thăm cháu bất cứ khi nào bà có thể. Nhưng khi mẹ Gail nói rằng, mẹ ruột đã đi nghỉ tại Newcastle Anh, rồi vĩnh viễn không tỉnh lại sau giấc ngủ, thế giới của cháu như sụp đổ".
Cuối bài phát biểu, cậu bé kêu gọi mọi người: "Hãy quan tâm và chấp nhận những đứa trẻ như chúng cháu, những người mắc bệnh AIDS như chúng cháu vì chúng ta đều là con người mà. Chúng cháu vẫn rất bình thường, chúng cháu có tay, có chân, có thể nói, đi lại... Tất cả những gì chúng cháu mong muốn chỉ là được sống bình thường như bao người khác. Mọi người sẽ không thể nhiễm HIV nếu chỉ chạm, ôm, hôn và nắm tay chúng cháu. Bởi vậy, đừng sợ chúng cháu, và cũng đừng kỳ thị chúng cháu...".
Nkosi Johnson qua đời lúc 5h40 sáng thứ Sáu ngày 1 tháng 6 năm 2001. Hoàn thành 12 năm sống như một chiến binh, can đảm chống chọi với bệnh tật.
Lễ tang của cậu bé có hàng nghìn người tham dự. "Thật xót xa khi phải từ biệt người hùng nhỏ bé đầy can đảm ấy" - Cựu Tổng thống Nelson Mandela nói.
Vào tháng 11/2005, Nkosi được truy tặng Giải thưởng Hòa bình cho Trẻ em Quốc tế. Tổ chức Nkosi's Haven đã nhận được giải thưởng và quyên góp từ nhiều nơi trên thế giới.
Thảo Nhi (tổng hợp)