Ninh Bình tri ân cố Nghệ sĩ ưu tú Hà Thị Cầu
Tối 15/4, tỉnh Ninh Bình tổ chức buổi công diễn nghệ thuật hát Xẩm để tưởng nhớ cố Nghệ nhân dân gian, Nghệ sĩ ưu tú Hà Thị Cầu, đồng thời vinh danh những đóng góp của bà cho nghề hát Xẩm. Hầu hết những tác phẩm được chọn biểu diễn đều mang được nét đặc trưng và tinh hoa của nghệ thuật hát Xẩm, thu hút sự chú ý theo dõi của khán giả miền đất Cố đô.
Hát xẩm là một nghề kiếm sống, một loại hình ca nhạc đường phố thuần Việt mang tính đặc thù và rất chuyên nghiệp, không dễ bị lai tạp. Ca từ rất riêng, nhạc sĩ cũng rất riêng và đặc biệt là môi trường diễn xướng của hát Xẩm thực sự bình dân, không cầu kỳ, kiểu cách. Hát Xẩm tồn tại được cho đến ngày nay hầu hết là qua đường truyền miệng. Có thể kể đến một số điệu Xẩm đặc trưng là: Xẩm chợ, xẩm Nhà thơ, Chênh bong, Riềm huê, Ba bực nhịp bằng, Phồn huê, Hát ai và Xẩm thập ân. Trong đó, Xẩm chợ giản dị, ngắn gọn. Xẩm Nhà thơ luyến láy không có tiết tấu. Chênh bong vui vẻ, phấn chấn. Riềm huê thường lồng vào hát những nội dung trao tình, hẹn hò, nhớ thương da diết. Ba bực nhịp bằng thì duyên dáng, tha thiết. Phồn huê là điệu hát thương cảm kể về những nỗi cực khổ của người phụ nữ trong xã hội ngày xưa. Hát ai với tính chất than thở, oán trách pha chút hài hước. Xẩm thập ân nói lên những nỗi khổ cực của cha mẹ nuôi dạy con cái từ lúc sinh thành và nhắc nhở con cháu về đạo hiếu làm người. Bên cạnh đó, các nghệ nhân hát Xẩm còn vận dụng các điệu chính để sáng tạo nên hàng loạt các điệu phụ như: hát Ví, Trống quân sa mạc, Bồng mạc, Hành vân, Lưu thủy, Phú lục ...
Nghệ nhân dân gian, Nghệ sĩ ưu tú Hà Thị Cầu tuy đã ra đi về cõi vĩnh hằng nhưng đối với những người ở lại, tình yêu và trách nhiệm của cụ đối với vốn di sản văn hóa độc đáo của dân tộc vẫn cần được bảo tồn, duy trì và phát triển. Cũng giống như các loại hình nghệ thuật cổ truyền khác của dân tộc, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, hát Xẩm có lúc bị quên lãng. Để môn nghệ thuật hát Xẩm thực sự có chỗ đứng trong lòng công chúng, tỉnh Ninh Bình đang đẩy mạnh việc sưu tầm, biên soạn, truyền dạy và phổ biến các bài hát Xẩm theo các làn điệu cổ truyền cho thế hệ trẻ, đồng thời từng bước xây dựng và hoàn thiện hồ sơ về nghệ thuật hát Xẩm đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp trong thời gian tới.
Vũ Anh Minh