Những ý kiến trái chiều trước đề xuất đánh thuế nhà ở ngưỡng 700 triệu đồng
(Thethaovanhoa.vn) - Đề xuất của Bộ Tài chính áp thuế với mức 0,4% đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Phần lớn người đang sở hữu nhà rơi vào đối tượng phải nộp thuế trong khi họ không phải là giới đầu cơ, không phải là những người chiếm hữu nhiều tài sản.
- Sở hữu một căn nhà, người dân đang phải 'còng lưng' đóng 10 loại thuế, phí
- Đề xuất đánh thuế nhà ở: Thuế có chồng thuế?
- Đề xuất đánh thuế với cả đất và nhà ở: Tính sao cho công bằng?
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chỉ nên đánh thuế từ căn nhà thứ 2 trở đi
Bộ Tài chính không nên thu thuế căn nhà đầu tiên, mà chỉ đánh thuế từ căn thứ 2 trở đi. Không ít người dân phải tích cóp cả đời, vay mượn mới có đủ tiền mua 1 căn nhà để an cư lạc nghiệp. Tài sản trên đất đó là nhà thương mại, nhà ở do người dân dùng tiền thu nhập của mình để mua tài sản đó. Thu nhập đó được đã đóng thuế thu nhập cá nhân, chủ sử dụng lao động đã đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Khi mua nhà người dân phải chịu thuế giá trị gia tăng, nếu bị đánh thuế tài sản thì lại một lần nữa phải chịu thuế.
Với những người có thu nhập cao và kinh doanh bất động sản thì họ sẽ có từ căn nhà thứ 2. Chúng ta chỉ nên đánh thuế với quyền sử dụng đất, không nên đánh thuế trên giá trị của căn nhà xây dựng trên đó. Bộ Tài chính đánh thuế nhà ở đồng nghĩa với việc đánh thuế kép trên thu nhập của người dân. Nếu có đánh thuế thì chúng ta chỉ nên đánh thuế trên giá trị gia tăng (nếu có) của căn nhà mà thôi.
Theo tôi, chính sách thuế bất động sản phải dựa vào hai nguyên tắc: Chính sách thuế phải hỗ trợ người dân mua nhà, đặc biệt là những người có thu nhập thấp và mua nhà lần đầu và nguyên tắc thứ 2, người nhiều tiền phải chịu thuế nhiều hơn người ít tiền.
Như vậy, với 2 nguyên tắc trên thì việc Bộ Tài chính đưa ra đề xuất đánh thuế cho bất động sản có giá trị 700 triệu đồng trở lên, không kể ngôi nhà thứ nhất hay thứ hai là không hợp lý. Tôi chỉ đồng ý đánh thuế đất chứ không đánh thuế tài sản trên đất. Đánh thuế vào đất là điều hợp lý và đúng theo thông lệ quốc tế, nhiều quốc gia cũng chỉ đánh thuế người dân trên giá trị của đất hoặc quyền sử dụng đất.
Bộ Tài chính đưa ra mức thuế suất 0,4% trên giá trị tài sản là số tiền rất lớn, khi đánh thuế giá trị đất thì thuế suất cao hơn từ 1-5%. Nếu tính tổng cộng cả tài sản mà phải chịu mức chịu thuế như thế sẽ là khó khăn cho những người thu nhập thấp.
PGS.TS Hoàng Văn Cường (Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân): Cần xem xét lại mức khởi điểm đánh thuế bất động sản
Theo tôi được biết, việc này đã đưa ra trao đổi rất nhiều và đứng về nguyên lý mọi người đều đồng tình với quan điểm phải có đánh thuế tài sản, đặc biệt đối với bất động sản. Nếu so với thu nhập của người dân thì giá bất động sản của Việt Nam đứng vào hàng cao nhất thế giới. Nguyên nhân chính là do đầu cơ. Một số người có tiền sẽ đầu cơ giữ bất động sản chờ nâng giá lên. Chính việc không có thuế nên người ta yên tâm cứ đầu cơ, lên giá có lợi. Việc đánh thuế vào tài sản trong đó có bất động sản có tác dụng rất lớn đến việc tránh đầu cơ trong bất động sản.
Tuy nhiên, việc Bộ Tài chính đề xuất mức khởi điểm là 700 triệu với mức thuế suất 0,4% thì cần phải xem xét lại, cân nhắc kỹ. Bởi vì với cách thu này làm cho phần lớn người đang sở hữu nhà rơi vào đối tượng phải nộp thuế trong khi họ không phải là những người đầu cơ, không phải là những người chiếm hữu quá nhiều tài sản của xã hội, càng không phải là những người cần điều tiết.
Do vậy việc áp mức thuế phải bắt đầu từ mức có hành vi “đang sử dụng vượt trên mức bình quân chung của xã hội”. Nếu chúng ta khó xác định được mức này thì việc xác định mức khởi điểm bắt đầu phải là ở mức thuế rất nhỏ không đáng kể chỉ thể hiện việc anh có trách nhiệm trong tài sản đó thôi chứ không phải ở ở mức tạo ra áp lực đối với người dân khi đang sở hữu tài sản rất thông thường.
Luật sư ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico: Thu thuế sẽ tạo gánh nặng cho người dân
Trong bối cảnh hiện nay, việc thu thuế có thể tạo ra gánh nặng cho người dân. Để mua được nhà, đại đa số người dân phải làm việc cật lực, tiết kiệm chi tiêu, sống rất khó khăn vất vả. Thuế tài sản thường đánh vào người giàu, vào tài sản có giá trị lớn cỡ hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Trong khi ấy, đề xuất của cơ quan chức năng chỉ là 700 triệu đồng là không hợp lý. Về ngưỡng chịu thuế 700 triệu đồng mà Bộ Tài chính đưa ra thì ngay cả nhà ở xã hội mà người dân mua theo các gói vay ưu đãi của Nhà nước cũng đã có giá trị vượt quá mức trên.
Trong khi đó cách đây vài năm, cơ quan chức năng đã triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp mua nhà có giá trị dưới 1 tỷ đồng. Vậy tiêu chí nào ban soạn thảo đưa ra ngưỡng 700 triệu đồng phải đóng thuế tài sản?
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính): Dự kiến nguồn thu để lại 100% cho địa phương
Trước lo ngại chưa có cơ sở dữ liệu nhà đất hoàn chỉnh, sẽ không “đong đếm” được số lượng sở hữu nhà của cá nhân, gây khó khăn cho cơ quan thuế, cơ quan soạn thảo luật đã cân nhắc để phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Hiện nay chúng ta đang thừa kế toàn bộ dữ liệu của Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Trong thời gian tới, để tính đúng, tính đủ thuế tài sản khi luật được triển khai, sẽ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu mã số của người nộp thuế, trên cơ sở đó, từng bước quản lý về nhà ở và sẽ tính thuế đầy đủ.
Đối với nguồn thu từ thuế tài sản: 100% nguồn thu để lại cho địa phương để đầu tư cơ sở hạ tầng, góp phần làm tăng giá trị của đất đai.
Dự án luật chỉ có hiệu lực khi được Quốc hội xem xét, thông qua. Hiện nay, hồ sơ đề nghị xây dựng dự án luật đang được lấy ý kiến rộng rãi, trên cơ sở phản biện của các bộ, ngành, của xã hội và các nhà khoa học, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện dự án Luật Thuế tài sản trước khi trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét.
Những nội dung chính của Luật tài sản mà Bộ Tài chính đề xuất: -Về thuế tài sản: Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án: Một là, áp dụng mức thuế suất tài sản chung là 0,3%; hai là, áp dụng mức thuế tài sản chung là 0,4%. - Với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: Một là, đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là, nhà ở có giá trị 1 tỉ đồng trở lên. Ngưỡng không chịu thuế là nhà có giá trị 700 triệu đồng trở xuống hoặc 1 tỉ đồng trở xuống. Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế tài sản là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỉ đồng. Ví dụ, với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng thì 1 căn nhà có giá trị 1,7 tỉ sẽ bị đánh thuế với phần giá trị 1 tỉ đồng, tức 0,3-0,4%, tương đương 3-4 triệu/năm. - Tàu bay, du thuyền, ôtô có giá trị từ 1,5 tỉ đồng trở lên sẽ thuộc đối tượng chịu thuế. Đối tượng không chịu thuế là tàu bay, du thuyền, ôtô có giá trị dưới 1,5 tỉ đồng; tàu bay, du thuyền, ôtô sử dụng cho mục đích kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, hành khách. - Với phương án đánh thuế nhà 0,3% giá trị, Bộ Tài chính dự kiến, số thu thuế tài sản là khoảng 22.700 tỉ đồng (nhà trên 1 tỉ) hoặc khoảng 23.300 tỉ đồng (nhà trên 700 triệu đồng). Đối với phương án 0,4%, thì số thu thuế tài sản là khoảng 30.300 tỉ đồng (nhà 1 tỉ đồng trở lên) hoặc khoảng 31.000 tỉ đồng (nhà 700 triệu đồng trở lên). Bộ Tài chính đề nghị áp dụng phương án 2, tức đánh thuế 0,4% với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên. |
Theo Minh Phương - Báo Tin tức