Những ước tính về ảnh hưởng môi trường từ vụ rò rỉ đường ống Dòng chảy phương Bắc
Ngày 30/9, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cảnh báo những vết nứt trên hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc chạy dưới biển Baltic, đoạn qua Thụy Điển và Đan Mạch, có thể dẫn tới vụ rò khí methane gây hại môi trường lớn nhất được ghi nhận từ trước đến nay.
Nhờ công nghệ hình ảnh vệ tinh tiên tiến hơn nên trong những năm gần đây, các nhà khoa học có thể phát hiện và phân tích tốt hơn lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Khi tiến hành phân tích hình ảnh vệ tinh trong tuần qua, các nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức theo dõi lượng khí thải methane quốc tế (IMEO), thuộc UNEP, đã nhận thấy một lượng lớn khí methane thoát ra.
Giám đốc IMEO, Manfredi Caltagirone, cho rằng đây rất có thể là vụ rò rỉ khí methane lớn nhất từng được phát hiện và xảy ra ở thời điểm thế giới đang cần nỗ lực tối đa để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu từ tổ chức GHGSat sử dụng vệ tinh giám sát khí thải methane, ước tính khí methane rò rỉ từ 1 trong 4 vết nứt trên hệ thống Dòng chảy phương Bắc là 22.290 kg/giờ, tương đương lượng khí thải ra khi đốt khoảng 2,85 tấn than đá mỗi giờ. GHGSat nhấn mạnh tỷ lệ này rất cao, đặc biệt là xảy ra chỉ sau 4 ngày phát hiện vết nứt đầu.
Hiện cả Liên minh châu Âu (EU) và Nga đều cho rằng các vết nứt trên là do hành vi phá hoại có chủ đích. EU đang tích cực điều tra vụ việc, trong khi Nga mở cuộc điều tra "khủng bố quốc tế" đồng thời kêu gọi tiến hành cuộc điều tra quốc tế đối với vụ việc.
Theo bà Manfredi Caltagirone, bất kể nguyên nhân là gì thì hậu quả của vụ rò rỉ này đã không còn bó hẹp trong vấn đề an ninh năng lượng mà đã trở thành một sự cố khí thải nghiêm trọng. Khí Methane gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn so với CO2 dù tồn tại trong thời gian ngắn hơn trong khí quyển.
Trước đó, ngày 29/9, một chuyên gia từ Cơ quan bảo vệ môi trường Thụy Điển cũng bày tỏ lo ngại khí độc hại rò rỉ từ các vết nứt có thể gây tác động về khí hậu tương đương lượng khí nhà kính mà Thụy Điển phát thải trong 1 năm. Nhà kinh tế môi trường học Mats Bjorsell cho rằng khí methane từ 4 vết nứt trên hệ thống Dòng chảy phương Bắc có thể gây những nguy cơ khí hậu nghiêm trọng.
- Gazprom tạm ngừng vận hành hệ thống 'Dòng chảy phương Bắc 1'
- Dòng chảy phương Bắc 2 có 'chảy' trong năm 2022?
- Dòng chảy phương Bắc 2 sẵn sàng đi vào hoạt động trong cuối năm nay
Nord Stream, công ty vận hành hệ thống đường ống dẫn từ Nga sang Đức, cho biết khi sự cố rò rỉ được phát hiện hồi đầu tuần này, các đường ống chứa khoảng 778 triệu m3 methane. Theo ước tính của Cơ quan Bảo vệ môi trường Thụy Điển, lượng khí methane rò rỉ có thể làm trầm trọng thêm quá trình ấm lên toàn cầu tương đương với những tác hại của khoảng 40 triệu tấn CO2. Năm 2021, tổng lượng khí CO2 mà Thụy Điển phát thải ước tính ở mức 48 triệu tấn.
Ngày 30/9, Tập đoàn khí đốt Gazprm (Nga), nhà cung cấp khí đốt cho hệ thống trên, cho biết tổng cộng 800 triệu m3 khí đốt tự nhiên đã bị thất thoát sau sự cố. Báo cáo trước cuộc họp của Liên hợp quốc qua video, người phát ngôn của Gazprom, Sergei Kupriyanov, cho biết lượng khí đốt thất thoát tương đương lượng khí đốt cung cấp cho Đan Mạch trong 3 tháng.
Lê Ánh/TTXVN