Những truyền thống đón năm mới đặc sắc ở Nhật Bản: Từ 'cổng thông' cầu may cho đến chiếc bánh nếp dâng lên thần linh
Từ thời Minh Trị, Nhật Bản đã hoàn toàn chuyển sang dùng lịch dương và chuyển sang đón tết vào ngày 1/1 hàng năm. Tuy nhiên, không vì thế mà quốc gia giàu truyền thống này bỏ đi những nghi lễ và phong tục lâu đời trong ngày đầu tiên đón năm mới.
Là một quốc gia thuộc vùng văn hóa Đông Á và văn hóa mang đậm dấu ấn Thần đạo bản địa, mọi nghi thức và quan niệm đón ngày đầu năm mới của người Nhật đều có những ý nghĩa và tính biểu tượng sâu sắc. Với nhiều người Nhật, ngày đầu năm mới vẫn thường được coi là ngày lễ quan trọng nhất với tinh thần đoàn tụ, tạm biệt năm cũ đã qua và đón chào năm mới với tâm thế vui tươi nhất.
Trang Sora News 24 điểm qua 6 truyền thống ấn tượng nhất trong ngày 1/1 tại quốc gia này.
1. Mặt trời đầu năm mới
Nếu như người Việt nhắc tới ngày tết truyền thống là Nguyên Đán, thì tại Nhật, cái tên này cũng được áp dụng. 元旦 (gantan) gồm 2 từ là nguyên - đầu tiên và đán - sáng sớm, thời điểm mặt trời mọc. Gantan là buổi sớm đầu tiên, và có một truyền thống gọi là Hatsuhinode, coi việc được ngắm nhìn bình minh vào ngày đầu năm mới cùng gia đình, bạn bè sẽ mang lại một khởi đầu thuận lợi.
Ngoài gantan, người Nhật còn một cách gọi năm mới khác là 元日 (ganjitsu) hay nguyên nhật, tức đơn giản là ngày đầu tiên trong năm.
2. "Cổng thông" đón các vị thần
Giống nhiều nước châu Á khác, người Nhật cũng có tục nghinh đón các vị thần theo tín ngưỡng vào ngày đầu năm mới. Theo quan niệm tại Nhật, những vị thần sẽ hạ phàm vào ngày đầu năm mới. Để tiếp đón, các ngôi nhà và cửa hàng, cơ sở kinh doanh sẽ dựng Kadomatsu hay "cổng thông" 1 hoặc 2 bên cửa ra vào để đón chào.
Kadomatsu gồm những cây tre nhiều đốt tượng trưng cho trời, đất và con người, được cho là sẽ thu hút các vị thần và giúp mang lại may mắn, tài lộc. Các vị thần sẽ trú ngụ trong kadomatsu tới ngày 7/1. Khi đó, Kadomatsu sẽ được đem đi đốt tại đền thờ Thần đạo để tiễn đưa họ về trời.
3. Chiếc bánh nếp gương và quả quít
Người Nhật có thói quen đón ngày năm mới bằng một loại bánh đặc biệt - kagami mochi, hay bánh mochi gương. Sở dĩ có tên gọi này vì bánh gồm 2 chiếc bánh nếp chồng lên nhau, có màu trắng sáng như gương.
Đặc biệt hơn, trên đỉnh chiếc bánh này luôn có một quả quít mikan. Trên thực tế, đây là một truyền thống khá mới do trước đây, bánh thường được trang trí với các loại quả họ cam quýt gọi là daidai nói chung. Daidai được cho là mang lại may mắn và trường tồn do đồng âm với từ "thế hệ" trong tiếng Nhật, tượng trưng cho mong ước nối dõi dài lâu của mỗi gia đình.
Tuy nhiên, vì daidai truyền thống thường khá to và có vị đắng, mikan với kích cỡ vừa phải và vị ngọt được dùng phổ biến hơn nhưng vẫn mang nghĩa như cũ.
Chiếc bánh nếp gương kagami mochi cũng mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Hình tròn và màu sắc của nó tượng trưng cho một trong những bảo vật linh thiêng nhất theo quan niệm của người dân quốc gia này - chiếc gương của Nữ thần mặt trời Amaterasu.
Theo thần thoại Nhật Bản, thế gian từng chìm vào bóng tối khi nữ thần Amaterasu trốn trong một cái hang. Để đưa bà ra, các vị thần khác sử dụng một chiếc gương tròn trang trí lộng lẫy.
Bánh kagami tượng trưng cho ánh sáng và năng lượng mới của ngày đầu năm. Bánh thường được mở bằng tay hoặc một chiếc búa chứ không được dùng dao, có thể ăn kèm món súp zoni cầu an.
4. Chiếc đũa thuôn ở 2 đầu
Đũa thông thường ở Nhật chỉ thuôn 1 đầu, nhưng chiếc đũa dùng trong năm mới, gọi là iwaibashi thường có 2 đầu thuôn và làm từ gỗ cây liễu - một vật liệu được tin là linh thiêng.
Phần giữa thân đũa phình ra tượng trưng cho một túi rơm đầy, mang hy vọng một vụ mùa bội thu. 2 đầu đũa đều thuôn vì nó có thể được dùng từ cả 2 phía. Khi ăn, mọi người chỉ sử dụng một đầu, vì đầu còn lại sẽ dành cho các vị thần hiện diện tại bữa tiệc đầu năm mới.
5. Loại sake đặc biệt
Vào ngày đầu năm mới, ngoài những món ăn truyền thống, người Nhật còn sử dụng một loại sake đặc biệt tên O-toso với mong ước xua đuổi những đen đủi, vận xấu của năm cũ và cầu mong sức khỏe, trường thọ trong năm mới.
Rượu được ngâm với các loại thảo dược được cho là sẽ hỗ trợ tiêu hóa, bảo vệ khỏi cái lạnh trong thời điểm năm mới lạnh giá. Rượu được chứa trong một chiếc ấm sơn bóng và rót vào 3 chiếc chén có kích cỡ khác nhau cho mỗi thành viên gia đình. Khách viếng thăm gia chủ vào đầu năm mới cũng được mời rượu để cầu chúc sức khỏe.
6. Những món ăn truyền thống
Mâm cỗ đón năm mới truyền thống ở Nhật được gọi là osechi-ryori đã có từ thời Heian (794-1185). Theo quan niệm xưa, việc nấu ăn và đốt lò vào 3 ngày đầu năm mới là cấm kỵ ở Nhật. Do đó, vào ngày cuối năm, họ sẽ chuẩn bị những chiếc hộp chứa các món ăn có thể để lâu để ăn trong 3 ngày tới.
Mỗi thành phần của osechi-ryori đều có ý nghĩa cầu may nhờ hình dáng hoặc tên gọi của chúng.
Tôm: Với cặp râu dài và cái lưng cong, con tôm là biểu tượng cho một cuộc sống trường thọ.
Trứng cá muối (kazu no ko): Nắm trứng cá tượng trưng cho điều ước con đàn cháu đống khỏe mạnh.
Đậu nành đen (kuro mame): Đậu nành hay mame đồng âm với từ khỏe mạnh trong tiếng Nhật.
Cá tráp đỏ Nhật (tai): Loại cá này trong tiếng Nhật được gọi là "tai", gần âm với "medetai" - mang nghĩa hạnh phúc, chúc mừng,...
Tảo bẹ (konbu): "konbu" gần âm với "yorokobu", cũng mang nghĩa hạnh phúc trong tiếng Nhật.
Ngó sen (renkon): Ngó sen có nhiều lỗ và có thể nhìn qua, tượng trưng cho hứa hẹn, tầm nhìn vào năm mới.
Ngoài ra còn nhiều món khác như chả cá hồng kamaboko, trứng tráng datemaki, súp zoni... cách bài trí, lựa chọn thành phần có thể khác nhau tùy thời kỳ và vùng miền nhưng luôn gồm 3 hoặc 4 hộp vuông chồng lên nhau và có nắp đậy.
Nguồn: Sora News 24