Những trọng tâm trong Thông điệp Liên bang 2022 của Tổng thống Mỹ Joe Biden
(Thethaovanhoa.vn) - Vào lúc 9h sáng 2/3 giờ Việt Nam (tức tối 1/3 theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đọc Thông điệp Liên bang 2022, đề ra những mục tiêu về tầm nhìn, phương hướng, chính sách đối nội, đối ngoại cho những năm tiếp theo của nhiệm kỳ Tổng thống.
* Khẳng định quyết tâm kiểm soát đại dịch COVID-19
Tình hình nước Mỹ tại thời điểm hiện nay khác so với 1 năm trước đây. Năm 2021, khi Tổng thống Biden kỷ niệm 100 ngày đầu cầm quyền, diễn biến dịch bệnh COVID-19 ở Mỹ vẫn phức tạp và nền kinh tế vẫn chưa thực sự khởi sắc. Còn hiện nay, Mỹ dường như đang chuyển sang giai đoạn mới của đại dịch COVID-19 khi số ca nhiễm mới đã giảm đáng kể và nhiều biện pháp hạn chế đã được nới lỏng và nền kinh tế cũng đang phục hồi nhanh chóng.
Thông điệp Liên bang 2022 là cơ hội để Tổng thống Mỹ Biden nhấn mạnh lại những thành tựu mà chính quyền của ông đã đạt được trong năm đầu tiên cầm quyền: về cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đã được đẩy lùi, và những chính sách giúp phục hồi nền kinh tế Mỹ...
Trong Thông điệp Liên bang 2022 được trình bày trước hai viện Quốc hội Mỹ, Tổng thống Biden khẳng định nước Mỹ "sẽ không bao giờ chỉ chấp nhận sống chung với COVID-19".
- Tổng thống Nga V. Putin không có kế hoạch đọc Thông điệp liên bang vào cuối năm
- Thông điệp Liên bang 2020: Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu bật thành tích kinh tế
Tổng thống Biden nêu rõ:"Nhờ tiến bộ mà chúng ta đã đạt được trong năm vừa qua, đại dịch COVID-19 không thể kiểm soát cuộc sống của chúng ta nữa". Ông cam kết tiếp tục cuộc chiến chống dịch, song cảnh báo khả năng virus SARS-CoV-2 có thể tiếp tục biến đổi, đồng nghĩa với việc "chúng ta phải tiếp tục cảnh giác". Tổng thống Biden cho biết chính quyền đã sản xuất hàng trăm triệu bộ xét nghiệm COVID-19 để cung cấp miễn phí cho người dân.
* Củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng, kêu gọi tăng cường "sản xuất tại Mỹ"
Kinh tế chính là vấn đề sát sườn với người dân Mỹ và điều này có thể phần nào giúp tăng tỷ lệ ủng hộ cho cá nhân Tổng thống Biden và đảng Dân chủ trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Với mục tiêu củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng, Tổng thống Biden cho biết trong năm nay, chính phủ sẽ bắt đầu sửa chữa, nâng cấp hơn 100.000 km đường cao tốc và 1.500 cây cầu thông qua nguồn vốn từ Luật Cơ sở hạ tầng lưỡng đảng. Ông nhấn mạnh kế hoạch trên sẽ biến đổi nước Mỹ và đưa nước này vượt lên trong cuộc cạnh tranh kinh tế của thế kỷ 21.
Trước tình hình lạm phát tăng khá cao, Tổng thống Biden cho biết chính quyền muốn chống lạm phát bằng cách hạ giá thành sản xuất hàng hóa, qua đó thúc đẩy sản xuất. Ông Biden cho rằng việc giảm chi phí cũng có nghĩa là sản xuất nhiều ô tô và chất bán dẫn hơn tại Mỹ, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng giúp hàng hóa được vận chuyển nhanh hơn và rẻ hơn. Ông Biden kêu gọi rằng "hãy sản xuất tại Mỹ" thay vì phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài.
Tổng thống Biden cũng thúc giục Quốc hội Mỹ thông qua các đề cử nhân sự lãnh đạo tại Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Vào tháng 2/2021, các nghị sĩ đảng Cộng hòa ở Thượng viện đã tẩy chay một cuộc bỏ phiếu để phản đối việc Tổng thống Biden đề cử bà Sarah Bloom Raskin vào ban lãnh đạo của ngân hàng trung ương, kéo theo các hành động phản đối tương tự đối với một số đề cử nhân sự khác.
* Tái khẳng định Mỹ sẽ không triển khai quân đội tại Ukraine
Thông điệp Liên bang 2022 đến vào thời điểm nước Mỹ đang chứng kiến nhiều biến động chính trị và tình hình thế giới đang căng thẳng do cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine. Sự kiện này được cho là cơ hội để Tổng thống Biden đề cập đến vấn đề Ukraine ở thời điểm người dân Mỹ vẫn quan ngại về việc tham gia vào xung đột này cũng như kinh tế đối mặt với tác động do xăng dầu và khí đốt tăng cao.
Nêu bật vấn đề xung đột Nga-Ukraine trong Thông điệp Liên bang 2022 được trình bày trước hai viện Quốc hội Mỹ, Tổng thống Biden nhắc lại rằng Mỹ sẽ không triển khai quân đội đến Ukraine sau chiến dịch quân sự của Nga, đồng thời nhấn mạnh quân đội Mỹ được triển khai đến châu Âu không phải để chiến đấu ở Ukraine, mà để bảo vệ các đồng minh của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
. Gần đây, Tổng thống Biden tuyên bố rằng Mỹ sẽ tuân thủ nguyên tắc Điều 5 của NATO, trong đó khẳng định rằng bất cứ cuộc tấn công nào vào một quốc gia NATO cũng có thể coi là cuộc tấn công vào tất cả các nước thành viên còn lại. Lần này, ông Biden lại nhấn mạnh Mỹ và các nước đồng minh sẽ "bảo vệ lãnh thổ của các nước NATO bằng toàn bộ sức mạnh tập thể”.
Cũng trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Biden đã thông báo lệnh cấm máy bay Nga vào không phận Mỹ. Đây là quyết định mới nhất trong một loạt lệnh trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt chống Nga kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại vùng Donbass, miền Đông Ukraine.
Đối với Ukraine, Tổng thống Biden thông báo kế hoạch “hỗ trợ hơn 1 tỷ USD trực tiếp cho Ukraine", bao gồm cả hỗ trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo từ Mỹ và các đồng minh.
* Bình ổn thị trường dầu mỏ
Tổng thống Biden cũng thông báo Washington sẽ xuất ra 30 triệu thùng dầu từ Kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) như một phần trong nỗ lực của quốc tế nhằm bình ổn thị trường sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Ông Biden nhấn mạnh: "Tôi có thể thông báo rằng Mỹ đã làm việc với 30 quốc gia khác để xuất đi 60 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ trên toàn thế giới. Mỹ sẽ đi đầu trong nỗ lực này, xuất ra 30 triệu thùng dầu". Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh rằng Washington "sẵn sàng làm hơn thế nữa, nếu cần thiết".
Thông điệp Liên bang là cơ hội cho tổng thống đương nhiệm Mỹ bảo vệ thành quả và xác lập rõ các ưu tiên của mình với Quốc hội cũng như với toàn dân Mỹ. Những luận điểm của người đứng đầu nước Mỹ được đưa ra trong Thông điệp Liên bang năm 2022 đã khẳng định các kế hoạch quan trọng và chương trình phát triển nhằm hồi sinh nước Mỹ, nâng cao vị thế của Washington, đồng thời thuyết phục các nghị sĩ và người dân Mỹ về những quyết sách còn gây tranh cãi.
Thanh Lâm - TTXVN